Tháng cuối năm ở Cao su Nghệ An

CSVNO –  Vào một ngày cuối năm, chúng tôi lên thăm các Nông trường cao su Thanh Chương, Anh Sơn 1, Anh Sơn 2 và Quế Phong thuộc Công ty CPĐT – PT Cao su Nghệ An (VRG).

       Công nhân khai thác mủ thuộc đội 3 Nông trường Anh Sơn 2
Vững tin hoàn thành kế hoạch

Chúng tôi đến với Nông trường Cao su Anh Sơn 2 giữa lúc cả nông trường đang nhộn nhịp ra quân lao động sản xuất nước rút tập trung khai thác, thu hoạch mủ cao su phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch năm 2023 đề ra . Giám đốc Nông trường Anh Sơn 2 Nguyễn Đình Thành phấn khởi cho biết: Nông trường Anh Sơn 2 quản lý 840,72ha cao su, số diện tích đưa vào khai thác 570,58ha dự tính sản lượng mủ sẽ đạt 565 tấn, bình quân 0,92 tấn/ha. Đến thời điểm này Nông trường đã khai thác đạt trên 76% so với kế hoạch được giao. Để thực hiện nước rút về đích kế hoạch năm 2023, Nông trường tổ chức công nhân bám rừng, bám cây, vừa cạo vừa thu hoạch mủ theo vòng quay theo chu kỳ, đồng thời thu gom mủ về tập kết để kịp vận chuyển đến nhà máy chế biến mủ đúng quy chuẩn của Tập đoàn đề ra.

Tại Nông trường Anh Sơn 1, Giám đốc Hồ Sỹ Tri cũng đang tập trung chỉ đạo  quyết liệt trên các vườn cây. Qua trao đổi chúng tôi được biết, Nông trường Anh Sơn 1 được Công ty giao quản lý 956ha cao su, đến nay số diện tích đưa vào khai thác là 638ha, năng suất vườn cây tính bình quân đạt xấp xỉ 1 tấn/ha, đến giữa trung tuần tháng 11 này chỉ tiêu khai thác mủ đạt gần 80% kế hoạch năm. “Để hoàn thành được số chỉ tiêu còn lại, chúng tôi đã mở đợt ra quân khai thác, thu gom mủ, phấn đấu đến 31/12/2023 sẽ hoàn thành 638 tấn mủ đúng kế hoạch công ty giao, phấn đấu vượt 5% tổng sản lượng kế hoạch giao” anh Tri cho biết thêm.

Trao đổi với Giám đốc Nông trương cao su Quế Phong Nguyễn Văn Linh

 Chúng tôi gặp gỡ vợ chồng công nhân Vừ Bá Nho đồng bào dân tộc H’Mông đang tập trung cao độ mùa nước rút trên vườn cây. Quệt mồ hôi trên trán, anh Nho chia sẻ: “Nhờ Công ty đưa cây cao su về trồng, phát triển trên địa bàn huyện miền núi huyện Anh Sơn nơi xa xôi hẻo lánh này, nên đồng bào chúng tôi có được công ăn việc làm, có thu nhập ổn định, xây dựng được nhà ở khang trang, mua sắm được mọi thứ  xe cộ, nuôi các con ăn học đến nơi đến chốn.” Anh Nho còn khoe với chúng tôi, một đứa con gái đầu học đại học làm bác sỹ,  đứa thứ 2 cũng đang theo học đại học. Nói về mức lương thu nhập hàng tháng,  hai vợ chồng nhà mình tháng 10 vừa rồi được nhận trên 30 triệu đồng. Vợ chồng mình cũng như  mọi người được nhận vào làm công nhân cho Công ty vinh dự, phấn khởi lắm.”

Vợ chồng cặp đôi Xồng Bá Giờ, dân tộc bản Na Ni, Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn là công nhân  đội 4, thuộc nông Trường  Quế Phong sau buổi cạo mủ cùng con nhỏ trở về căn nhà do công ty đầu tư xây dựng.

Rời các Nông trường cao su Anh Sơn, Thanh Chương chúng tôi tiếp tục vượt đường rừng gần 200 cây số lên Nông trường cao su Quế Phong. Đây là Nông trường sinh sau đẻ muộn nhưng được sự quan tâm giúp đỡ về mọi mặt của lãnh đạo địa phương, với sự quan tâm của lãnh đạo VRG, của Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Cao su Nghệ An nên hầu hết các diện tích cao su tại huyện Quế Phong đều phát triển tốt. Đặc biệt những ngày cuối năm này thời tiết thuận lợi nắng đều nên số diện tích cao su đưa vào khai thác cho sản lượng mủ đạt cao. Vì thế cứ sau 3 nhát cạo lượng mủ khai thác đã đầy cốc dung tích 1,8 lít)  theo quy trình, khi mủ đông đầy các chén, công nhân tranh thu thời gian thu gom, tập kết về các kho, bãi giữa rừng, để bốc vác lên xe vận chuyển đến nhà máy chế biến.

Giám đốc Nông trường Quế Phong Nguyễn Văn Linh cho biết: Nông trường Cao su Quế Phong được giao, quản lý gần 891,75ha cao su, số diện tích đưa vào khai thác là 552ha, năm 2023 sản lượng khai thác 552 tấn mủ, đến thời điểm này Nông trường đã đạt trên 75%, phấn đấu đến 31/ 12 sẽ về đích  kế hoạch Công ty giao.

Xây dựng cụm nhà khép kín cho công nhân bám rừng, bám vườn cây

Trong chuyến đi này chúng tôi đến thực tế một số vườn cây trên đỉnh Bù Mai, nơi có độ dốc trên 600 mét giữa lúc công nhân đang lao động miệt mài trên các vườn cây. Họ làm việc không biết mệt nhọc giữa những bộn bề vất vả khó khăn nào là sên, vắt, muỗi rừng, nhưng trên khuôn mặt luôn đầy ắp những nụ cười “chiến thắng” vì niềm hạnh phúc là công nhân cao su.

Trao đổi kinh nghiệm khai thác mủ ở Nông trường Quế Phong

 Qua tìm hiểu được biết, để công nhân an tâm lao động sản xuất bám rừng, bám vườn cây,  công ty và nông trường đã xây dựng các cụm nhà ở khép kín cho 24 cặp đôi vợ chồng công nhân lưu trú ăn ở tại chỗ, có nước, có điện thắp sáng… đảm bảo cuộc sống. Chúng tôi chuyện trò với cặp vợ chồng công nhân Xồng Bá Giờ, đội 4. Chỉ trong 1 tháng vợ chồng anh đã khai thác được trên 4 tấn mủ thu nhập  tháng cao điểm đạt trên dưới 30 triệu đồng. Đây như là phần thưởng lớn của công ty đối với người lao động, đối với vợ chồng trẻ và đứa con nhỏ từ thành quả lao động miệt mài sớm hôm bên vườn cây cao su mới có được. Nhiều công nhân ở đây đã ghi nhận, khi Nông trường cao su về đầu tư trên địa bàn Quế Phong, nhiều đồng bào dân tộc đã trở thành công nhân của nông trường. Kể từ khi trồng cây cao su đến nay thời gian thấm thoắt đã hơn 10 năm, mọi người đều có công ăn, việc làm ổn định, có thu nhập hàng tháng, chất lượng cuộc sống ngày một đổi thay. Tổng Giám đốc Công ty CPĐT- PT Cao su Nghệ An Nguyễn Đình Tuấn cho biết: Công ty quản lý 4.360ha cao su, đến nay số diện tích  khai thác 2.707ha, sản lượng mủ bình quân đạt từ 9,2 tạ/ha. Tính đến thời điểm này (10 tháng 11) chỉ tiêu kế hoạch toàn công ty đạt 74% trên kế hoạch 2.500 tấn mủ năm 2023. Kết thúc năm 2023 Công ty sẽ phấn đấu về đích khai thác 2.600 tấn mủ.

Nói về kế hoạch năm 2024, cũng theo Tổng Giám đốc Nguyễn Đình Tuấn, kế hoạch tập đoàn giao là 3.341,52ha, đạt sản lượng 3.200 tấn so với năm 2023 là 2.707ha  tăng gần mở mới thêm 635ha. Dự tính sản lượng mủ bình quân đạt trên dưới 1,1 tấn/ha.

Cũng theo ông Tuấn, hiện tại do giá mủ bán ra còn thấp nên phần nào cũng là khó khăn đối với hoạt động của Công ty cũng như mức sống của người lao động. Vì thế Công ty luôn động viên công nhân lao động phải luôn bám rừng, chăm sóc vườn cây để tăng năng suất lao động, bảo vệ vườn cây, bảo vệ khai thác mủ an toàn sau khai thác, góp phần nâng cao mức sống đối với công nhân lao động.

 Để làm được những việc trên Công ty đã chắt chiu kinh phí đầu tư làm các cụm nhà ở khép kín dưới các vườn cao su nơi xa xôi cách trở khó khăn đi lại để các cặp vợ chồng công nhân có nơi ăn chốn ở, an tâm với công việc được giao.

ANH BÌNH