Nông dân Tây Nguyên khổ vì tiêu chết hàng loạt

CSVN – Đứng đầu về sản lượng, chiếm hơn 50% lượng tiêu xuất khẩu của thế giới, cây tiêu là một trong những     thế mạnh của Tây Nguyên nói riêng và Việt Nam nói chung. Câu chuyện làm giàu của người trồng tiêu Tây Nguyên, không chỉ có nụ cười, nhiều người nên cơ nghiệp từ hai bàn tay trắng, mà còn thấm đẫm những giọt nước mắt khi cũng không ít người khốn khó, ôm nợ tiền tỷ vì trót vướng vào cây tiêu.

Kỳ 1: “TIÊU” vì trồng tiêu

Trước đây, lời đầu tiên của nông dân trồng tiêu khi gặp nhau là “Năm nay thu được bao nhiêu tấn, chốt bán giá bao nhiêu?”. Còn hiện nay người ta hỏi thăm nhau “Làm sao trị bệnh tiêu chết nhanh, chết chậm, giá đã lên lại chưa…”.

Nỗi buồn của ông Lê Văn Láng - thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh - Gia Lai bên những trụ tiêu chết trắng
Nỗi buồn của ông Lê Văn Láng – thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh – Gia Lai bên những trụ tiêu chết trắng
Tiêu chết, người “chết” theo

Con đường đất đỏ dẫn vào thôn Phú Bình, xã Ia Le, huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai khá gập ghềnh, dọc hai bên đường là các vườn tiêu xơ xác. Những cọng dây tiêu đen nhánh treo lủng lẳng trên thân trụ. Ngày trước, nơi đây  là những vườn tiêu bạt ngàn, xanh ngắt giờ chỉ còn trơ những trụ giữa cái nắng tháng 3.

Bắt đầu tham gia trồng tiêu từ năm 1997, anh Trần Bá Chiến, thôn Phú Bình không thể nghĩ đến chuyện có ngày mình lại gặp “đại nạn” tiêu chết như thế này. Vườn tiêu nhà thi nhau chết, rụng trụi lá, gia đình anh Chiến cũng “chết” theo. Nhìn cảnh từng nhánh tiêu đen nhẻm rời thân trụ, lòng anh như lửa đốt và nghĩ đến các khoản nợ vay đến hạn trả.

Chỉ mới năm ngoái, ai đi ngang vườn tiêu của anh đều dừng lại khen lấy, khen để trước cảnh tiêu xanh ngắt, phủ trụ rất đẹp. Chính anh cũng nghĩ sau khi thu bói được gần 500 kg tiêu, chắc năm nay sẽ bội thu. Thế nhưng, năm nay bỗng dưng vườn tiêu của anh vàng lá rồi chết trắng hơn 400 trụ, số còn lại cũng chết quá nửa trụ.

Bi đát hơn, năm 2013 vườn tiêu của ông Lê Văn Láng ở cùng thôn được dân trồng tiêu nhận xét là “đẹp nhất vùng” cũng đột ngột chết sạch. Ban đầu, ông phát hiện có khoảng 20 trụ vàng lá, rồi chết lụi dần. Chỉ trong vòng 20 ngày, 1.300 trụ tiêu sắp đến thời kỳ cho thu hoạch cũng chết trơ trụi, khiến ông Láng chẳng kịp trở tay.

Năm 2015, ông Láng tiếp tục đầu tư trồng lại hơn 800 trụ tiêu. Thế nhưng, kiếp nạn tiêu chết vẫn cứ mãi là nỗi ám ảnh đối với ông khi cả vườn tiêu hiện nay lại tiếp tục có hiện tượng “tiêu điên”. Đi giữa vườn tiêu chỉ còn trơ cọc, ruột gan ông Láng rối bời.

Trong khi đó, cạnh vườn ông Láng, ông Lê Ngọc Dũng đang thuê người đào lại hố để tiếp tục dựng trụ trồng lại phần diện tích gần 500 trụ tiêu đã chết. Ông Tống Văn Tuấn cũng bất lực nhìn vườn tiêu hơn 1.000 trụ đang chết gần như hoàn toàn mà không có cách gì cứu chữa.

Theo ông Lê Văn Túc, thôn trưởng thôn Phú Bình, trong thôn có 480 hộ thì có đến 99% hộ trồng tiêu. Hầu như hộ nào cũng bị ảnh hưởng, chết ít, chết nhiều thậm chí chết hoàn toàn. Nhiều hộ đang rất hoang mang, hụt hẫng mà chưa tìm ra đáp án cho bài toán tiêu chết. Chỉ mới hôm qua, có nhà thu hơn chục tấn tiêu, bỗng nhiên trở thành tỷ phú. Còn hôm nay, cũng vườn tiêu đó, họ chỉ thu chưa đầy tấn, có hộ thì cũng chỉ được vài ba tạ trên những cây tiêu không còn sức sống.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Vang, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Blứ xác nhận: “Tiêu chết ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân trong xã. Nhiều hộ dựa vào trồng tiêu vay vốn xây nhà giờ vỡ nợ, có người bán nhà, bán đất, có nhà bỏ đi làm ăn xa. Không còn nguồn trả nợ, trả lãi ngân hàng phải nhổ trụ bán. Thậm chí, một số hộ dân trong xã còn vay nóng bên ngoài để trả nợ ngân hàng. Do không có tiền trả nợ, lãi mẹ đẻ lãi con, có gia đình phải bỏ trốn biệt xứ để tránh sự truy tìm của chủ nợ”.

Vẫn tiếp tục trồng
Người dân đào hố để trồng lại tiêu
Người dân đào hố để trồng lại tiêu

Chính sự phát triển quá nóng, bất chấp hệ lụy khiến diện tích cây tiêu ở  các tỉnh Tây Nguyên những năm  gần đây tăng đột biến. Theo quy hoạch của tỉnh Gia Lai đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2020, diện tích tiêu là 6.000 ha. Vậy mà theo số liệu rà soát mới nhất của Sở NN&PTNT, đã lên tới 16.400 ha, vượt trên 10.000 ha. Trước đây cây tiêu chỉ tập trung ở các huyện Chư Sê, Chư Pưh, Chư Prông, giờ đã mở rộng ra các huyện Mang Yang, Đắk Đoa, Đức Cơ.

Tại Đắk Nông, tính đến đầu năm 2017, diện tích cây tiêu đã lên tới 25.000 ha, trong khi quy hoạch của tỉnh đến năm 2025 chỉ dừng lại ở mức 12.951 ha. Chỉ cần làm một chuyến thị sát dọc theo Quốc lộ 14C đoạn qua tỉnh Đắk Nông, có thể thấy bạt ngàn tiêu và  tiêu. Có  vườn  đã kinh doanh, có vườn đang trong thời gian kiến thiết. Các huyện có diện tích hồ tiêu lớn của Đắk Nông là Đắk Song, Đắk R’lấp, Đắk G’long, Tuy Đức.

Còn tại Đắk Lắk, theo quy hoạch đến năm 2020, diện tích là 16.000 ha, vậy mà nay, đã đạt 25.000 ha để trở thành một trong những tỉnh có diện tích cây tiêu đứng đầu cả nước. Người dân tỉnh này tập trung trồng ở các huyện Cư Kuin, Ea H’Leo, Cư M’gar, Krông Búk, Krông Năng, thị xã Buôn Hồ, Krông Păk…

Hiện nay, diện tích hồ tiêu trên địa bàn Tây Nguyên đang tăng nhanh, chỉ trong 3 năm gần đây, đã tăng hàng chục nghìn ha. Theo thống kê của các cơ quan chức năng, chỉ tính riêng 3 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, diện tích hồ tiêu năm 2017   đã đạt 66.400 ha. (Đắk Lắk 25.000 ha. Đắk Nông 25.000 ha, Gia Lai 16.400 ha). Tuy nhiên diện tích thực tế có thể lớn hơn. Đó là chưa kể nhiều nông dân đang dự định trồng trong mùa mưa năm 2017.

Văn Vĩnh – Quốc Dinh

(Xem tiếp kỳ sau)