Chư Sê – Kampong Thom: Mùa chim yến làm tổ

CSVN – Có được Chư Sê K ngày hôm nay, anh Linh là người thủ lĩnh có cái “say” của nghề và sống với hết mình với nghề. Vượt qua bao thử thách nơi đất khách quê người mở đất, tập hợp, đoàn kết, chung sức chung lòng, tạo dựng cơ ngơi.

Mỗi ngày công ty thu hoạch 200 tấn mủ khô. Ảnh: N.K
Ý chí, khát vọng của những con người làm nên kỳ tích

Sau nhiều lần hẹn anh Linh và anh Dũng, rồi khất đi, khất lại. Hôm nay anh em chúng tôi trở lại với Chư Sê-Kampong Thom những ngày cuối năm với bao háo hức và dự liệu sẽ ghi chép lại những cảm nhận bằng nghề nghiệp nhà báo. Đoàn chúng tôi 4 người: Tôi; anh Trương Đăng Lân – nguyên Trưởng đại diện Báo Lao Động phía Nam; anh Phạm Mấy – nguyên phóng viên Báo Quân đội Nhân dân; anh Phạm Mạnh Phát – Nhà quay phim. Xuất phát từ Bình Long 06g30 sáng, có mặt cửa khẩu Quốc tế Xa Mát 08g30, làm thủ tục xuất nhập cảnh. 09g00 xe của Chư Sê K đón trực chỉ.

KampongThom – Campuchia mùa này thời tiết khí hậu giống miền Đông Nam Bộ cuối mùa mưa chớm mùa khô, nắng vàng dịu mát, sáng sớm se lạnh. Lúc còn làm việc mỗi năm tôi thường qua 2-3 lần thăm anh em nhân “Tháng công nhân”, chúc Tết. Còn 3 anh, đây là chuyến trở lại chiến trường xưa thuở đánh Mỹ, đánh Pôn Pốt những năm 70-80. Ngồi trên xe râm ran những ký ức, những địa danh, những trận đánh Lon – Non, Pôn Pốt của cựu chiến binh năm xưa, nay U70 mới được trở lại. Đến Kampong Cham xe dừng lại trên cầu anh em chụp ảnh. Sông Mê – Kông mùa này nước đỏ ngầu phù sa cuộn chảy, đôi bờ làng mạc trù phú, dọc đường những cánh đồng còn ngập nước sau mùa mưa, đường hẹp xe cộ xuôi ngược chen chúc, hàng quán bán đồ ăn thức uống san sát. Tôi trở thành hướng dẫn viên bất đắc dĩ, huyên thuyên về đất và người Campuchia hơn 45 năm sau họa diệt chủng. Các anh tự hào là những cựu chiến binh Việt Nam – Bộ đội nhà Phật. Nhiều ký ức về năm tháng các anh sống và chiến đấu trên đất nước chùa Tháp nghe như mới vừa hôm qua.

Ngày ấy những chàng trai đất Việt tuổi đôi mươi tràn đầy sức trẻ, xếp bút nghiên lên đường chiến đấu giải phóng quê hương, vượt Trường Sơn vào Nam sang Lào, Campuchia, xuống tận bưng biển Tây Nam bộ. Đâu có giặc là ta có mặt chiến đấu. Mới đó mà đã sắp hết cuộc đời rồi. Bùi ngùi khi kể về những đồng đội đã nằm lại dưới rặng cây thốt nốt dọc đôi bờ sông Mê – Kông, Pai – Lin, Bát – Tam – Băng….Các anh là những người may mắn, bom đạn né mình nơi chiến hào được trở về sau ngày chiến thắng, được trở lại với giảng đường đại học, công tác, làm việc, mưu sinh. Một thời chiến chinh, một thời gian lao cuộc sống, thành ông thành bà nhưng không thể nào nguôi ngoai những năm tháng không thể nào quên của đất nước và bài ca người lính.

Trong đoàn tôi là người sinh sau đẻ muộn, chưa từng tham gia chiến trận, nghe chuyện các anh kể nuốt hết những lời, tự hào và cảm phục những người lính xả thân cho Tổ quốc, cho nghĩa vụ quốc tế.

Quá nửa trưa chúng tôi đến Kampong Thom, từ đây vào các dự án phát triển cao su của Tập đoàn còn gần 100km nữa. Từ năm 2007, thực hiện Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ, VRG đầu tư phát triển cao su tại Vương quốc Campuchia. Cùng thời gian với các tỉnh miền Đông Nam bộ Việt Nam, người Pháp đã trồng cao su, lập đồn điền từ thế kỷ trước ở những vùng đất đỏ, nhiều nhất ở Kampong Cham. Cũng phải nói thêm rằng: Việc mở đất trồng cao su tại Campuchia là lần thứ 4 các thế hệ ngành cao su “mở cõi”: Tây Nguyên – Duyên hải miền Trung 1983; Vùng núi phía Bắc; Lào sau năm 2000; Campuchia năm 2007. Theo kế hoạch trong 10 năm trồng 100.000 ha cao su ở các tỉnh: Ratanakiri; Mondokiri; Stung Treng; Kratie; Kampong Thom; Siem Riep; Preah Vihear. Với vốn đầu tư gần 800 triệu USD, từ 2007 đến 2014 đã trồng và định hình hơn 90.000 ha cao su với 19 dự án. Chư Sê – Kampong Thom với 2 dự án, tổng diện tích: 16.268,68 ha lớn nhất, đẹp nhất, (hai dãy số cuối 68, 68 – Lộc – Phát, Lộc – Phát. Ý chí. Khát vọng. Hiện thực của những con người nơi đây làm nên kỳ tích).

Gần 13g chiều chúng tôi đến trụ sở Chư Sê K, cách Quốc lộ 620 km đường nhựa, nằm giữa dự án. Anh Dũng, anh Kiên đón chúng tôi với mâm cơm trưa chờ sẵn. Xe đi qua những vườn cây cao su xanh ngút ngát, hàng thẳng tắp, cây giăng giăng. Trụ sở nằm trong khuôn viên 12 ha được quy hoạch và xây dựng như một resort đẹp như mơ. Hội trường, nhà làm việc, phía sau hồ nước lớn 2 ha nuôi đầy cá, đường bê tông quanh hồ phủ mát bóng dừa, cây xanh. Nhà bếp, nhà nghỉ, khu thể thao, khu vườn tăng gia chăn nuôi rộng rãi 10 nhà nghỉ biệt lập đầy đủ công năng nghỉ ngơi, sinh hoạt, tiện nghi. Toàn bộ được chiếu sáng bằng dàn đèn năng lượng mặt trời. Đêm vừa buông xuống cả trụ sở sáng rực. Đài nước giữa hồ phun cao, nhiều màu sắc lung linh huyền ảo. Các anh trong đoàn xuýt xoa, rút điện thoại quay phim, chụp ảnh lia lịa. Một đêm giao lưu sôi động, nghĩa tình sâu đậm, men rượu nồng, gió mơn man đưa hương se lạnh. Lời ca, tiếng hát, câu thơ ân tình.

Nhà máy chế biến công suất 30.000/năm. Ảnh: Hoàng Bách
Chân dung người thủ lĩnh

Đêm nay, vắng anh Linh – nguyên Tổng Giám đốc vừa nghỉ hưu đầu tháng, sau hơn 40 năm công tác và hơn 16 năm cùng với anh em mở đất, đứng mũi chịu sào vượt qua bao gian khó, bản lĩnh, sáng tạo, tạo dựng để có cơ ngơi này. Anh Linh, quê Triệu Phong – Quảng Trị, gia đình vào lập nghiệp ở Dầu Tiếng – Bình Dương. Năm 1983, thực hiện chủ trương “Gà mẹ đẻ gà con” trong mở đất Tây Nguyên trồng cao su. Anh tình nguyện đi xây dựng Công ty Cao su Chư Sê. 24 năm anh lăn xả cùng cán bộ công nhân các dân tộc Tây Nguyên lập nghiệp cao su thành công trên miền đất đầy nắng gió đại ngàn. Anh trở thành Phó Tổng giám đốc kiêm Chủ tịch Công đoàn Công ty.

Một con người hiền lành, nói năng nhỏ nhẹ, mái tóc chải ngược, hai mái tóc bên thái dương để dài, gương mặt luôn nụ cười thường trực nhưng kiên nghị đầy quyết đoán. 17 năm làm Chủ tịch Công đoàn đã cho anh một bí quyết về dân vận, một kho kinh nghiệm về tổ chức sản xuất và đời sống công nhân. Mỗi người đều có một thân phận, cuộc đời riêng không như ý. Vượt lên tất cả, anh tình nguyện lên đường sang Campuchia cùng với anh em trẻ tuổi đầy nhiệt huyết và khao khát khẳng định mình mở đất trồng cao su trên đất bạn, xa gia đình vợ con gần ngàn cây số.

16 năm, từ ngày đầu cơm nắm ngủ lán, băng rừng lội suối khảo sát đất đai hết vùng này, vùng khác ở chốn rừng thiêng, nước độc. Một đội quân trẻ trung dám dấn thân, có kiến thức và khát vọng, và anh một thủ lĩnh đầy mưu mẹo, chèo lái, bản lĩnh, ý chí chiến đấu và chiến thắng. Trồng mới đến đâu thành lập nông trường đến đó (2.000ha/ nông trường). Năm 2014 lập kỷ lục không nơi nào có. Trồng 4.359 ha/mùa.

Anh Linh đã từng tâm sự với tôi rằng: anh Thuận lúc bấy giờ là Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn, phụ trách “chiến trường” Campuchia. Hàng ngày anh Thuận điện thoại thăm hỏi, chỉ đạo sâu sát, tỉ mỉ. Lãnh đạo tin tưởng, anh em nỗ lực, bạn giúp đỡ, mới có Chư Sê K hôm nay. Anh tin không? Không chỉ dự án này mà các dự án khác khai hoang trồng cao su ở vùng sâu vùng xa, chiến trường xưa đầy bom đạn, ấy vậy không bị một tai nạn nào từ bom đạn còn sót lại. Miền đất này trở dạ, cây cao su mọc lên từ năm 2009, với bao khó khăn thách thức của Nhân, Thiên, Địa. “Okun” “Trời, Phật, Quốc Vương”, cảm ơn đất, người xứ sở Chùa Tháp. Ta đã đi và ta đã đến, Khát vọng – Hiến dâng – Hiện thực: 16.268,68 ha cao su thu hoạch; hơn 3.000 cán bộ công nhân Việt Nam – Campuchia. 18 nông trường, 1 nhà máy công suất: 30.000/năm. Tổng sản lượng khai thác đến năm 2023: 120.272,82 tấn; năng suất trên 2 tấn/ha. Tổng doanh thu đến 2022: 2.959,055 tỷ. Lợi nhuận trước thuế đến năm 2022: 515,595 tỷ. Tổng vốn đầu tư: 2.600 tỷ. Năm 2022 hoàn thành trả vay ngân hàng 25 tỷ USD. Lương bình quân công nhân: 8 triệu đồng/người/tháng. Bộ máy quản lý gọn, nhẹ, hiệu lực, hiệu quả, phương thức quản lý tổ chức sản xuất tiên tiến, xây dựng thương hiệu, kinh doanh thắng lợi trên thương trường.

Ngồi bên nhau đêm nay đủ đầy những khuôn mặt trẻ trung nhưng dạn dày mưa nắng, kể cho nhau nghe thuở mang chí trai đầy khát vọng. Tôi liệt kê những cái tên thân thương: Anh Linh, anh Dũng, Sử, Kiên, Thắng, Đạt, Khuyên, Cao, các giám đốc nông trường… Bồi hồi nhớ lại trên mảnh đất này đúng 10 năm trước, sau khi nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Công đoàn Cao su Việt Nam tôi đã sang thăm anh em. Giữa rừng mênh mông khô khốc mùa khô, sống với anh em trong lán trại khai hoang ngai ngái mùi đất mới, say say lâng lâng tôi cao hứng vừa nghĩ vừa đọc bài thơ Đêm Kampong Thom bất chợt:

Đêm Kampong Thom như miền cổ tích

Mảnh trăng trôi huyền ảo cuối làng

Mùa khốc khô tiếng nai rừng khát nước

Gõ vào đêm nhịp thuở hồng hoang.

Gió miên man ru bạt ngàn cao su

Đất trở dạ cây giăng hàng kín lối

Ai nhuốm xanh một màu huyền thoại

Nghe ngọn nguồn dòng nhựa chảy mơn man.

Nào uống đi những chàng trai chân đất

Chén rượu đầy nồng nàn xoay tua

Trăm phần trăm miền Đông đất đỏ

Hay ồn ào rực lửa gió Tây Nguyên.

Ô -sơ-vai chăn ty trĩu lòng em hát

Lúng liếng màn đêm vũ điệu Áp -sa-ra

Anh chàng kia nhớ nhà cũng hát.

Giọng Huế ngọt ngào điệu lý mười thương.

Cảm ơn nhạc sĩ Quỳnh Hợp đã phổ nhạc, anh em thích quá hát và làm Karaoke. Bài hát được giải nhì ca khúc trữ tình kỷ niệm 90 năm truyền thống Cao su Việt Nam. Bài thơ, bài hát là chuyện của 15 năm về trước với những con người vẫn còn đây cùng với hiện thực kỳ tích đong đầy cảm xúc.

Công nhân khai thác người Campuchia. Ảnh: N.K
Thành quả

Sau hơn 15 năm mở cõi trồng cao su với 19 dự án đến nay gần 90.000 ha đã định hình vườn cây đưa vào khai thác năng suất cao, hệ thống nhà máy chế biến xây dựng đủ công suất chế biến hết sản lượng vườn cây, gia công chế biến sản lượng vườn cây tiểu điền. Hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quản lý chất lượng hoàn chỉnh. Sản xuất – Kinh doanh, thực hiện nộp thuế, các chế độ chính sách theo pháp luật Việt Nam và Campuchia quy định. Xây dựng mối đoàn kết, hợp tác với chính quyền địa phương nơi đứng chân, đóng góp vào an sinh xã hội, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự xã hội. Tạo công ăn việc làm cho hơn 15.000 lao động Campuchia, thu nhập khá, ổn định. Nhà ở công nhân, trường học, y tế, chùa chiền, siêu thị, các phúc lợi xã hội được đầu tư hàng triệu USD. Theo đánh giá của chính phủ Hoàng Gia Campuchia cho đến nay Việt Nam đã đầu tư vào Campuchia 188 dự án. Metfone và Cao su thành công nhất. Chư Sê – Kampong Thom là điểm sáng nhất trong các dự án của Tập đoàn. Từ những thành tích đặc biệt xuất sắc, năm 2022 lãnh đạo Tập đoàn đồng ý đề nghị Đảng, Nhà nước xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể cán bộ công nhân lao động Công ty Chư Sê – Kampong Thom và cá nhân Tổng Giám đốc Nguyễn Duy Linh. Nếu được xét tặng đây sẽ là đơn vị và cá nhân thứ hai đầu tư nước ngoài sau Cao su Việt – Lào, ông Hồ Văn Ngừng vinh dự đạt được danh hiệu cao quý này. Điều đặc biệt, nếu được, là đơn vị duy nhất đến thời điểm này Chư Sê cả mẹ và con được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động.

Sau khi họp Hội đồng Thi đua Tập đoàn, tối đó tôi điện thoại cho nhạc sĩ Xuân Hòa, người đã cùng tôi viết 8 ca khúc truyền thống các đơn vị trong ngành được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang và Anh hùng Lao động, nói rằng: Anh viết dùm em phần nhạc, phần lời em viết. Đêm hôm đó cả anh và tôi đã viết xong ca khúc. Một tuần sau, hòa âm, phối khí, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 4 tập và thu âm: “Bài ca Chư Sê-Kampong Thom anh hùng”. Lời bài hát có đoạn:

“Chư Sê – Kampong Thom

Cao su xanh thắm bạt ngàn

Ta đã đi, ta đã đến

Miền Chùa Tháp sông Mê Kông

Hết mùa mưa lại mùa khô

Rộn ràng vui mùa trồng mới

Xây dựng nông trường nhà máy

Hôm nay dạt dào mùa vàng

Ơi những nàng Áp- sa-ra

Ơi những chàng trai đất Việt

“O Kun” Trời, Phật, Quốc vương

Cám ơn đất người xứ sở.

Việt Nam – Campuchia

Xa ma ki – Xa ma ki

Kỳ tích huyền thoại lung linh

Sơ – vai – chăn – ty say đắm.

Bên nhau đoàn kết một lòng

Ơi Chư Sê – Kampong Thom

Bài ca mãi mãi anh hùng.”

Quá nửa khuya đêm nay bài hát lại vang lên, quyện với điệu múa Lâm Thôn như níu chân anh em cháy hết mình với buổi giao lưu.

Ngày hôm sau Dũng và Kiên đưa chúng tôi đi thăm một vòng các nông trường, nhà máy, chùa chiền, khu dân cư, siêu thị. Một buổi sáng đi hết đến 8 nông trường, nhà máy. Tất cả được quy hoạch, xây dựng trên khuôn viên 3 ha nằm trên trục đường lô chính của nông trường, tên nông trường từ 1-8. Trụ sở khang trang cùng một mẫu thiết kế, nhà ở, nhà làm việc, hội trường, căn tin, khu chăn nuôi, khu thể thao, cây xanh rợp bóng mát rượi. Cuộc sống của anh em thoải mái vui vẻ, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt giữa rừng mặc dù xa đô thị.

Dũng nói: “Phải an cư mới lạc nghiệp chứ anh. Mình ở đây làm ăn tới 50 năm kia mà. Xe bon bon trên đường lô rải phún, phẳng lì. Cuối năm rồi bộ lá còn xanh đẫm. Năm nay bọn em sẽ cạo qua Tết, sản lượng vượt khá bù vào doanh thu sụt giảm do giá thấp. Ngay từ đầu đã chủ động phun thuốc trị bệnh phấn trắng kết hợp bón phân qua lá 5 lần với chi phí 20 tỷ, nhờ vậy lấy được 15% sản lượng nếu không phun thì mất trắng”. Dũng tính cho tôi nghe: Mỗi ngày bây giờ thu hoạch 200 tấn mủ khô, giá bán 30 triệu, Chư Sê K thu về 6,6 tỷ đồng. Quả là một phép tính đơn giản nhưng nó là hiện thực đầy thuyết phục và ngưỡng mộ nơi đây. Tôi nói với anh em: 700 km đường lô, xe chạy 60 km/h phải đi hết một ngày, thả mình trong lô thì như mê hồn trận, không biết đường ra.

Mấy năm trước qua đây cũng đi với anh Linh, tôi từng hỏi thử và anh Linh trả lời với tôi: Tất cả anh em quản lý ở đây thuộc nằm lòng bất cứ lô nào, diện tích, giống cây gì, năm trồng, năng suất bao nhiêu. Tâm sự với tôi, anh Nguyễn Tiến Dũng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc người vừa thay anh Linh đầu tháng 11 trải lòng: Bọn em được kế thừa di sản anh Linh để lại quá lớn. Vườn cây, nhà máy, sản lượng, doanh thu từ cao su đang vươn lên tốp đầu Tập đoàn. Do giá mủ cao su những năm gần đây xuống thấp nên lợi nhuận chưa được như kỳ vọng, Mặc dù vậy, trong quản lý tổ chức điều hành sản xuất phải tính toán thật kỹ: Giá bán 30 triệu, giá thành 22 triệu, lợi nhuận 8 triệu/tấn là một cố gắng lớn. Năm nay kế hoạch 27.500 tấn, phấn đấu 30.000 tấn, lợi nhuận 200 tỷ. Ngay từ đầu năm, đã chủ động tính toán với những biến động khó lường của thời tiết, sâu bệnh, lao động, thị trường xây dựng kịch bản điều hành sáng tạo, phù hợp nên kết quả sản xuất kinh doanh đúng với sự tiên lượng đó, đảm bảo sự ổn định trong công tác quản lý. Điều này được khẳng định trong suốt hơn 15 năm qua. Từ những ngày đầu tiên, mấy chục anh em ra đi, trẻ, khỏe, có kiến thức, có khát vọng lớn nhưng còn thiếu kinh nghiệm, 15 năm vừa chạy vừa xếp hàng, cuốn theo thực tiễn diễn ra sôi động. Bây giờ nhìn lại cả đội ngũ trưởng thành trong tư duy, kinh nghiệm và thực tiễn sáng tạo. Hiệu quả vườn cây, nhà máy, công tác quản lý, tổ chức sản xuất kinh doanh đã nói lên tất cả.

Người lao động được chăm lo đời sống vật chất, tinh thần chu đáo.
Ngày mai bắt đầu từ hôm nay

Mấy lần trước tôi có hỏi anh Linh: Bí quyết nào để Chư Sê K thành công. Anh trả lời: Hãy làm theo tư duy của mình và luôn luôn sáng tạo thực tiễn. Và tôi phục anh ở cái cách truyền lửa, cảm hứng sáng tạo đến anh em trẻ đầy khát vọng. Anh Dũng khẳng định: Có được Chư Sê K ngày hôm nay, anh Linh là người thủ lĩnh có cái “say” của nghề và sống với hết mình với nghề. Vượt qua bao thử thách nơi đất khách quê người, mở đất, tập hợp, đoàn kết, chung sức chung lòng, tạo dựng cơ ngơi. Anh Linh thường nói: Trồng cây cao su, hãy nhìn cây cao su, vườn cây cao su rồi muốn nói gì thì nói. Nhìn vào cơ ngơi này, kỳ tích này mới thấy hành trình hơn 15 năm của hơn 200 con người Việt Nam và hơn 3.000 lao động Campuchia, tuổi xuân của họ đã khắc ghi ở đây. Một sự nghiệp lẫy lừng. Họ xứng đáng, thủ lĩnh của họ xứng đáng là anh hùng. Tôi thường nói với anh em rằng: Mỗi lần qua đây tôi thường lạc vào thế giới của cái mới, cảm xúc đong đầy, thán phục và ngưỡng mộ.

“Nhanh quá, mới đó mà gần hết một chu kỳ rồi anh ạ” – Dũng nói với tôi. Bao khó khăn còn ở trước mặt, kết thúc cái này mở ra cái kia. Cái trước là tiền đề cho cái sau, ngày mai bắt đầu từ hôm nay. Khuyên – Trưởng phòng Kế hoạch – kinh doanh khoe với tôi về đề án “Phát triển bền vững” của công ty đến năm 2065 vừa xây dựng xong. Điều đó có nghĩa là: Chu kỳ một – Trồng, chăm sóc, khai thác, kinh doanh thanh lý sắp kết thúc. Chu kỳ 2 tiếp nối phần thời gian còn lại của 50 năm trồng cao su ở Campuchia. Tôi lướt nhanh đề án và tưởng tượng ra viễn cảnh từ năm 2026 Chư Sê K sẽ như thế nào khi anh em đã hoạch định theo hướng phát triển bền vững: Tái canh 16.268,68 ha cao su và cây rừng; tổng doanh thu 46.153 tỷ đồng; tổng lợi nhuận 13.414 tỷ đồng; tổng sản lượng mủ khai thác 884.587 tấn; sản lượng gỗ 4.416.467 m³; lương bình quân 8,5 triệu/ người/tháng – 102 triệu/người/năm. Phát triển bền vững trên 3 trụ cột: Phát triển kinh tế – Trách nhiệm xã hội – Bảo vệ môi trường. Thành tựu rực rỡ của chu kỳ một là hành trang, tâm thế cho chu kỳ thắng lợi trong tương lai.

Dũng tâm tư với tôi: Địa lợi, Nhân hòa đã có, khát vọng và quyết tâm chính trị đã có, song Thiên thời là cái đáng lo. Tôi buột miệng nói: “Nắng mưa là chuyện của trời/Mùa màng được mất chuyện người chuyện ta”. Dũng khẳng định: Đúng vậy anh! Tất cả còn ở phía trước, anh em đã chuẩn bị cho khát vọng mới. Lên đường.

Nhà yến ở Nông trường 3

Chúng tôi vừa vào vãn chùa thắp hương khẩn Phật cầu an. Sư thầy và các tăng ni làm phép và cột chỉ tay chúc phúc cho từng người. Kiên – Phó Tổng kiêm Chủ tịch Công đoàn thông tin: Đất nước Campuchia Phật giáo là Quốc giáo. Đối với người dân: Trời, Phật, Quốc vương là trên hết. Mình qua đây làm ăn, người dân có công ăn việc làm, cuộc sống thoát đói nghèo. Mình xây chùa thỉnh Phật để họ có nơi, sinh hoạt tôn giáo vào các ngày “Chum”. Khuôn viên chùa rộng 5 ha gần trụ sở, được công ty đầu tư xây dựng với kinh phí 200.000 USD, với chính điện và các công trình khác khang trang, đẹp, theo kiến trúc chùa Khơme.

Tối hôm trước Sơn – Giám đốc nông trường nói với tôi: Mai mời các anh đến thăm nông trường và nhà nuôi chim yến của bọn em, tiện thể anh tư vấn thêm vì Sơn biết nhà tôi nuôi yến từ lâu đã thành công. Cũng cần phải nói thêm về loài chim này theo những gì mà tôi biết được. Có một loài chim mờ sáng, từ biển khơi mù sương, đàn chim ríu rít gọi nhau bay đến những cánh rừng già, ruộng đồng, đồi núi. Chúng chao liệng giữa không trung, và chỉ ăn những thức ăn kiếm được trên đường bay là côn trùng, một số loài ăn mật hoa, chim không uống nước hồ ao mà chỉ uống sương trời thanh khiết. Đó là loài chim yến.

Nhiều lần sang đây giữa rừng cao su bạt ngàn tôi không khỏi bất ngờ chim yến nhiều vô vàn, chiều bay về tại trụ sở chao tắm đen hồ, tiếng gọi bầy rộn rã. Tôi chỉ cho anh em đó là loài chim sống với nhau từng cặp lúc đủ lông đủ cánh, bay suốt ngày kiếm ăn côn trùng trong không gian, thành chồng thành vợ chung xây tổ ấm, sinh con đẻ cái duy trì và phát triển nòi giống. Tổ ấm của chúng lại là “Hải vị” trong thực đơn của vua chúa ngày xưa. Tổ yến được xây công phu bằng nước giãi của cả hai con chim trống và chim mái sau khi kết bạn tình uyên ương, ngày đi kiếm mồi, tối về thay nhau thêu dệt mái nhà hạnh phúc, duy trì nòi giống. Chúng yêu nhau như thế, thủy chung cả đời, từ thuở hồng hoang tát cạn biển đông trú ngụ nơi hoang đảo.

Hơn 10 năm nay chuyện xây nhà dẫn dụ chim yến về nuôi lấy tổ đã rộ lên các tỉnh phía Nam, sau khi có được kỹ thuật từ Indonesia và Malaysia. Thực ra kỹ thuật xây nhà, đóng khung gỗ, lắp đặt hệ thống âm thanh hệ thống phun ẩm không có gì là phức tạp. Vốn để dẫn dụ chim yến về ở và làm tổ là quyết định thành công hay thất bại, phụ thuộc nhiều yếu tố trong nhà và môi trường xung quanh. Chim về ở, làm tổ và tăng đàn theo thời gian là nơi đó đáp ứng được “Đất lành chim đậu” và là điểm may mắn của “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa”. Tôi đã liều mạng làm nhà nuôi yến 13 năm nay đã thành công có thu nhập khá, từ 1 nhà ban đầu nay đã có 3 nhà thu nhập hàng tháng ổn định và tăng dần. Ấy vậy một trào lưu đua nhau làm nhà yến, sau thời gian đến nay xác suất thành công chỉ dừng lại 10%. Chim không về ở hoặc lượng chim quá ít. Có nhiều nguyên nhân kể ra rất dài dòng.

Anh Nguyễn Duy Linh – người thủ lĩnh Chư Sê K trong lần khảo sát đất xây dựng nhà máy chế biến. Ảnh: N.K

Quay lại Chư Sê K, ngay từ những năm 2014 khi tôi qua thăm anh em vào mùa trồng mới, chim yến nhiều vô kể, chao lượn kiếm mồi trên những lô cao su mới trồng mênh mông. Tôi nói với anh em: Ở đây làm nhà dẫn dụ chim yến về nuôi chắc chắn thành công. Dũng – Tổng Giám đốc cho biết: 8 nông trường và một nhà máy chỗ nào cũng rất nhiều chim, khuyến khích nông trường 3 làm thử, sáng nay anh vào xem thử thế nào. Cách chùa không xa, sát nông trường anh em đóng góp kinh phí xây nhà yến hơn 1 năm. Quả thật tôi hoàn toàn bất ngờ cả 3 tầng chim ở kín, tổ trên sàn gỗ chi chít, phân dưới sàn một lớp dày. Sơn – Giám đốc nông trường khoe với tôi hơn 1.000 tổ. Quá thành công, thắng lớn! anh em gỡ tổ nhặt lông chưng yến thưởng thức của “Trời cho” lòng rạo rực thêm yêu miền đất này. Tôi vui lây nói đùa: “Đất lành chim đậu/Đất không lành ta nhậu chim luôn”. Nói vậy thôi, ở đâu có nước, có cá, có chim trời là ở đó thổ thần định vị đất lành, Trời, Phật phù hộ là đất linh, những con người làm nên sự nghiệp là nhân kiệt.

Trên đường trở về trụ sở công ty, tôi chợt nhớ có một nhà văn đã viết về loài chim này, đại khái: Nói về đời sống cộng đồng chim yến là một trong loài động vật có đời sống cộng đồng đoàn kết và khăng khít nhất. Đàn chim kéo nhau về vây kín bầu trời chọn nơi định cư, sống nhân bầy đàn, cùng nhau chống chọi, bảo vệ trước những kẻ thù nguy hiểm. Phẩm chất này có thể so sánh với chữ NHÂN đời sống con người. NHÂN tức là đối nhân xử thế, biết gắn lợi ích chung của mình với tập thể, là vai trò, trách nhiệm của mỗi cá nhân trong xã hội. Chim yến sống trước sau như một, suốt cuộc đời chỉ có một bạn tình, nếu một trong hai chim mất đi, chim còn lại cũng không đi tìm bạn tình mới, thậm chí quyên sinh giữ nghĩa thủy chung. Lối sống này không loài nào có được, thậm chí cả con người… Đó là NGHĨA của loài chim tuyệt vời này. Chim yến có khả năng định vị cao siêu, nên dù trong nhà có cả ngàn tổ, chúng cũng không bao giờ nhầm lẫn. Bằng TRÍ thông minh và nhạy cảm của mình, chim dễ dàng biết được “Đất lành” để định cư, xây đời hạnh phúc.

Cảm ơn Trời Phật. Cảm ơn những chàng trai cô gái Việt Nam – Campuchia tiên phong vượt qua thách thức của đất trời và lòng người, bản lĩnh, sáng tạo dày công mở đất, trồng cây tạo nên kỳ tích lung linh nơi đất nước Chùa Tháp cho con người, cho sự nghiệp. Tạo nên một thiên đường cho muôn loài muông thú và chim yến cũng đang hạnh phúc xây đời nơi đây. Chia tay Chư Sê Kampong Thom sáng sớm đầy nắng, tiết trời se lạnh, báo hiệu mùa xuân sắp về. Một miền đất rộn vang tiếng chim yến gọi nhau đi tìm mồi, để rồi thành chồng thành vợ và có muôn tổ ấm ái ân mùa xuân mới. Từng đoàn thợ ra lô hối hả dòng vàng trắng cuối năm bội thu. Trong tôi dạt dào cảm xúc nghĩ ra một tứ thơ: Chư Sê – KampongThom. Mùa chim yến làm tổ.

TRỌNG NHÂN