Dân vận khéo ở nông trường xã gào

CSVN – Với trên 90% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số, diện tích trải rộng trên 2 huyện, nhưng nhiều năm qua Nông trường Xã Gào (Cao su Chư Păh) luôn thực hiện tốt công tác dân vận, được các già làng, thôn trưởng tin yêu, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh trật tự trên địa bàn cao su đứng chân.

Đại diện tổ sản xuất và thôn trưởng các làng ký kết phối hợp đảm bảo an ninh trật tự năm 2022
Phát huy tinh thần tập thể

13 giờ, khuôn viên Nông trường Xã Gào đã nhộn nhịp người ra vào. Người băm sả, người nướng thịt, không khí chẳng khác một gia đình đang có việc hỷ. Tìm hiểu mới rõ, nông trường tổ chức Hội nghị Sơ kết quy chế giữa nông trường với chính quyền địa phương, tổ sản xuất với các thôn làng.

Anh Nguyễn Thế Sỹ – Giám đốc nông trường cho hay: “Ở đây, nông trường và các thôn làng mỗi khi có việc đều có nhau”. Anh Sỹ là người kinh qua nhiều chức vụ giám đốc các đơn vị như Nông trường Thanh niên Ia Mơr, Hà Tây… tất cả những đơn vị này đều gắn với NLĐ là đồng bào dân tộc thiểu số nên anh hiểu rất rõ về tập quán của bà con. Do vậy, dù mới về nhận công tác ở Nông trường Xã Gào từ đầu năm, nhưng anh đã nhanh chóng kết nối và tạo được sự đoàn kết giữa nông trường với các già làng, thôn trưởng.

Từ sự thấu hiểu ấy, nên khi nông trường có việc to, việc nhỏ gì anh đều có “bữa cơm thân mật” và tất cả những bữa cơm này đều có già làng, thôn trưởng của các làng nơi cao su đơn vị đứng chân. Hội nghị hôm nay anh mời tất cả 7 tổ trưởng, tổ trưởng Công đoàn của các tổ về dự để lắng nghe các già làng, thôn trưởng, công an viên chia sẻ những vấn đề còn tồn tại, vướng mắc mà bà con trao đổi với các già làng trong mỗi lần họp làng.

Anh Rlan Kin – Tổ trưởng Tổ 4 kiêm Chủ tịch Công đoàn nông trường cho biết: “Cách làm của anh Sỹ rất hay, các già làng, chức sắc trong thôn đều rất tôn trọng, hội nghị hôm nay có thể nói là 2 chiều, các tổ trưởng, tổ trưởng Công đoàn và các già làng, thôn trưởng đều được chia sẻ thông tin về bà con làng mình, còn nông trường, tổ sản xuất có thông tin về NLĐ của mình”.

Cách làm của anh Sỹ tuy đơn giản, nhưng đã phát huy hết hiệu quả trong công tác dân vận, bởi tuy nói ít nhưng cách làm đó đã tập hợp được sức mạnh tập thể, nơi giữa già làng, thôn trưởng và nông trường tìm được tiếng nói chung về công nhân cũng như NLĐ của mình.

Được việc làng, được việc ta

Tham gia hội nghị, ông Rơ Mah Thanh – già làng Làng D, Xã Gào thuộc Tp. Pleiku ý kiến: “Tôi thấy giữa nông trường và làng cần tích cực hơn nữa trong việc giáo dục con em cũng như công nhân của mình, để trẻ chăn bò không đi mót mủ, để thanh niên không đập phá chén hứng mủ mỗi khi không mót được mủ”. Còn anh Siu Thắng – Thôn trưởng làng D cho rằng: “Hiện nhu cầu việc làm của thanh niên trong làng là rất lớn, mong nông trường san sẻ phần cây để ai cũng có việc làm”.

Ý kiến của anh Thắng cũng tạo cơ hội để các tổ trưởng có cơ hội giải thích rằng, lâu nay nhiều thanh niên chọn việc nên người khác nhận mất, nay người ta làm tốt thì giao phần cây cho công nhân đó làm. Lãnh đạo nông trường, công ty cũng như của Công an Xã Gào đều đồng tình ý kiến, nếu những công nhân lười lao động tổ sa thải và tuyển người mới, các thôn trưởng có đồng tình không? nếu đồng tình thì nông trường sẵn sàng thực hiện, bởi hiện nay diện tích của nông trường có hạn, mà lao động cần việc thì nhiều.

Ai cũng thỏa ý, vui vẻ. Trước khi kết thúc hội nghị, anh Sỹ có ý kiến: “Hôm nay nông trường có bữa cơm thân mật, ai bỏ về là không nhiệt tình với nông trường đó”.

VĂN VĨNH