CSVN – Việc chi trả lương không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng theo Nghị định 122/2015/ NĐ – CP ngày 14/11/2015 của Chính phủ gây khó khăn cho không ít doanh nghiệp (DN) ngành cao su, đặc biệt là DN có nhiều đơn vị, chi nhánh hoạt động trên các địa bàn có mức lương tối thiểu vùng khác nhau.
“Đau đầu” trước thắc mắc của người lao động
Theo quy định của Nhà nước, lương tối thiểu vùng tăng từ ngày 1/1/2016, cụ thể vùng 1 là 3.500.000đ, vùng 2 ở mức 3.100.000đ, vùng 3 là 2.700.000đ, vùng 4 là 2.400.000đ. Việc chi trả mức lương theo hệ số lương mới của các bậc, ngạch lương giữa các vùng và từng vùng áp dụng mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Nhà nước ít nhiều đã tác động đến hoạt động SXKD của đơn vị.
Đối với các đơn vị có địa bàn trải dài từ vùng I đến vùng III, do vậy mức lương chi trả cho lao động chưa qua đào tạo, làm công việc giản đơn nhất bằng mức lương tối thiểu vùng, nơi đơn vị hoạt động khi người lao động (NLĐ) làm việc trong điều kiện lao động bình thường, đảm bảo đủ thời gian làm việc bình thường trong tháng và hoàn thành định mức lao động hoặc công việc đã thỏa thuận.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, có rất nhiều NLĐ có ý kiến về việc phân chia vùng bất hợp lý. Có những nơi vườn cây của 2 nông trường chỉ cách nhau một con đường nhưng một bên thuộc vùng I, một bên thuộc vùng III, tức mức lương tối thiểu chênh lệch 800 ngàn đồng. Thêm vào đó, ngành cao su có đặc thù riêng, tuy nằm trên địa bàn khác nhau nhưng tính chất công việc của các nông trường, nhà máy tương đương nhau. Cùng là cán bộ kỹ thuật, cùng là công nhân khai thác, chăm sóc, chế biến… cùng trách nhiệm công việc như nhau nhưng mức lương tối thiểu lại chênh lệch nhau.
Bên cạnh đó, với quy định lương tối thiểu theo vùng vẫn có những trường hợp mức lương của những người có trách nhiệm hơn, chức vụ cao hơn của vùng này lại thấp hơn so với vùng khác. Điều này dẫn đến những biến động trong kế hoạch lao động của từng đơn vị và ảnh hưởng đến tình hình sản xuất chung. “Đau đầu” nhất vẫn là lãnh đạo đơn vị và những cán bộ phụ trách xây dựng thang bảng lương.
Khi đặt vấn đề về việc chuyển xếp thang bảng lương theo Nghị định 49/2013/ NĐ – CP và Thông tư 17/2015/TT – BLĐTBXH và những khó khăn khi tăng mức lương tối thiểu vùng, đa số câu trả lời chúng tôi nhận được từ các cán bộ này là: “Rất khó khăn”, hay “ Việc căn cứ theo mức lương tối thiểu vùng để chi trả trợ cấp thôi việc gây khó cho DN” hoặc “Không hiểu sao nông trường của anh ở đây mà lại xếp vùng III, còn nông trường ngay bên cạnh đây thì lại là vùng II”, “NLĐ thắc mắc tại sao có chênh lệch giữa các vùng và tại sao phí đóng bảo hiểm lại tăng cao, lãnh đạo và các tổ chức đoàn thể đơn vị phải giải thích để họ hiểu”, “NLĐ không thích đóng bảo hiểm cao, chỉ muốn thu nhập hiện tại cao”…
Áp lực khi thực hiện Nghị định 49
Việc tăng lương tối thiểu vùng và thực hiện thang bảng lương theo quy định mới tại Nghị định 49/2013/NĐ – CP từ ngày 1/1/2016 khiến các đơn vị gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt là trong tình hình giá bản giảm như hiện nay, lợi nhuận thực hiện năm sau thấp hơn năm trước, tiền lương bình quân liên tục giảm từ 2014 đến nay nên NLĐ xin nghỉ việc nhiều để chuyển sang các KCN có mức thu nhập cao hơn, nhất là tại các đơn vị có địa bàn giáp với các vùng đang đô thị, công nghiệp hóa.
Đơn cử như tại TCT Cao su Đồng Nai, TCT đã chuyển xếp lương cho tổng số CBCNVC – LĐ theo danh sách lao động từ 1/1/2016. Cụ thể, tổng quỹ lương tháng theo NĐ 49/2013/NĐ – CP là gần 34, 7 tỷ đồng, tăng 27,9% so với tổng quỹ lương tháng nếu áp dụng theo NĐ 205/2004/NĐ – CP. Cũng theo quy định mới, tổng các khoản đóng chế độ BHXH, BHYT, BHTN, kinh phí Công đoàn cũng tăng theo 27,9%. Dự kiến chi phí đóng các chế độ năm 2016 trên 99 tỷ đồng, tăng 21,8 tỷ đồng so với năm 2015. Đối với khu vực SXKD tăng 670 ngàn đồng/tấn sản phẩm tiêu thụ, đối với khu vực XDCB tăng 180 ngàn đồng/ha. Khoản trích nộp các chế độ này tác động rất lớn trong cơ cấu tiền lương và giá thành của đơn vị.
Theo thang bảng lương mới, lao động cạo mủ bậc 5 và bậc 6 tại vùng I cao hơn mức lương bình quân xây dựng kế hoạch tiền lương, do vậy, mức lương đóng BHXH của những lao động này cao hơn mức lương thực hưởng. Như tại Nông trường Ông Quế thuộc vùng III, hiện quản lý hơn 4.261 ha, trong đó diện tích vườn cây kinh doanh hơn 2.247 ha. Với tổng số hơn 700 CBCNVC – LĐ hiện nay, Nông trường dự kiến mức đóng bảo hiểm theo quy định mới năm 2016 lên đến 8 tỷ đồng.
Khó cho DN
Ông Lê Văn Giáp – Trưởng phòng Tổ chức lao động xã hội TCT CS Đồng Nai cho biết: “Việc áp dụng quy chế trả lương theo quy định mới có rất nhiều khó khăn. Tiền lương cấu thành trong giá thành, trong khi các đơn vị đang quản lý chặt giá thành thì mức lương lại tăng nên ảnh hưởng rất lớn. Thêm vào đó, việc chi trả lương căn cứ theo lương tối thiểu vùng đối với các đơn vị cao su có nhiều nơi bất hợp lý. Cùng một công việc như nhau nhưng lương tối thiểu vùng lại khác nhau, tạo ra sự chênh lệch dẫn đến hiện tượng dịch chuyển lao động, tâm lý NLĐ không ổn định”.
Căn cứ theo quy định mới, trong 6 tháng đầu năm TCT đã chi trả trợ cấp thôi việc cho người lao động lên đến 17,5 tỷ đồng. Cũng theo ông Lê Văn Giáp, tình hình này không chỉ riêng tại TCT CS Đồng Nai mà là tình hình chung của tất cả các DN: “Thực hiện theo quy định mới, mức đóng BHXH tăng lên, tiền chi trả trợ cấp thôi việc cũng tăng lên. Trước đó, Bộ Tài Chính đã đồng ý cho DN cao su tạm thời hoạch toán một phần kinh phí chi trả tiền trợ cấp thôi việc năm 2015 qua năm 2016 để giảm áp lực cho DN. Chưa kịp vui thì khi thực hiện mức tiền lương theo Nghị định 49/2013/NĐ-CP tiền trả trợ cấp thôi việc lại tăng lên. Thực tế là quá khó!”.
[stextbox id=”stb_style_259398″ caption=”Tổ chức đối thoại để lắng nghe, giải thích, động viên NLĐ”]Trong quý II vừa qua, để lắng nghe tâm tư nguyện vọng, đồng thời giải đáp những ý kiến thắc mắc về các chế độ lương, chính sách cho NLĐ, Ban TGĐ và Công đoàn TCT Cao su Đồng Nai đã tổ chức đối thoại với NLĐ theo vùng. Đây là một trong những hoạt động thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo đơn vị đối với NLĐ, bên cạnh đó động viên khích lệ tinh thần thi đua lao động sản xuất, cộng đồng trách nhiệm, đồng lòng vượt qua thời kỳ khó khăn. Ngoài ra, các Nông trường cũng tổ chức đối thoại định kỳ để giải quyết những vướng mắc kịp thời cho NLĐ. [/stextbox]Không riêng gì Đồng Nai mà các đơn vị thuộc VRG tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh đều là các đơn vị nằm trong khu vực có tốc độ đô thị hóa, công nghiệp hóa khá cao. Bao quanh diện tích cao su của các đơn vị là nhiều khu công nghiệp, thu hút lượng lao động tại chỗ và các tỉnh lân cận. Điều này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến lượng lao động của đơn vị. Một phần do thu nhập những năm qua thấp vì giá bán giảm, phần do chiến lược thu tuyển của các KCN đã tạo nên thực tế cạnh tranh rất lớn giữa đơn vị và các DN khác. Đây là quan ngại rất lớn khi ngành cao su đang gặp nhiều khó khăn, nhất là đang thắt chặt giá thành, quản lý suất đầu tư…
Nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm đến NLĐ
Dù gặp nhiều khó khăn khi áp dụng các quy định mới trong năm 2016 nhưng lãnh đạo TCT CS Đồng Nai xác định, vẫn đảm bảo thu nhập và các chế độ cho NLĐ đầy đủ để NLĐ yên tâm công tác. Thêm vào đó, HĐTV, Ban TGĐ TCT đã có nhiều chính sách ưu đãi, quan tâm chăm lo để giữ chân NLĐ như trích quỹ phúc lợi, bổ sung thêm tiền ăn giữa ca từ 10.000đ tăng lên 20.000đ/ngày đối với công nhân khai thác, chế biến và lực lượng bảo vệ. TCT cũng chi từ quỹ phúc lợi để hỗ trợ tiền ăn giữa ca cho công nhân xây dựng cơ bản. Ngoài các chế độ chính sách của NLĐ luôn được đảm bảo, TCT còn tặng biểu trưng ghi danh và 20 triệu đồng cho NLĐ nghỉ hưu đúng độ tuổi…
Anh Lê Văn Lâm – Phó giám đốc NT Ông Quế cho biết: “Thực tế ở đây mức sống rất cao, trong khi đó Nông trường thuộc vùng III theo quy định, lương tối thiểu vùng chỉ 2.700.000đ, khá thấp so với mặt bằng chung. Ở đây, số công nhân làm kinh tế hộ gia đình rất ít, họ chỉ trông chờ vào thu nhập hàng tháng. Tuy nhiên lãnh đạo TCT xác định giảm gì thì giảm nhưng vẫn đảm bảo tiền lương cho NLĐ. Mức thu nhập bình quân tháng 6 vừa qua của Nông trường đạt 4,9 triệu đồng/người/ tháng, cao hơn mức lương bình quân kế hoạch TCT xây dựng. Vì vậy trong điều kiện như hiện nay dù khó khăn nhưng NLĐ vẫn chung vai sát cánh cùng đơn vị. Dù lương thấp nhưng NLĐ vẫn chắt chiu và cân bằng được việc chi tiêu trong cuộc sống gia đình”.
Minh Nhiên
Related posts:
- Tây Nguyên dẫn đầu tỷ lệ khai thác sản lượng toàn Tập đoàn
- Sẽ khen thưởng xứng đáng nếu các thí sinh giành được thành tích cao
- Cao su Bà Rịa: thi đua vượt kế hoạch năm 2024
- Việc nhỏ nghĩa lớn trên vườn cây
- Các đơn vị khu vực Tây Nguyên: Sẵn sàng sản xuất thành công sản phẩm SVR 10 mix
- 4 công ty cao su đạt thành tích cao tại Hội thi “Tuyên truyền viên giỏi về an toàn giao thông” tỉnh ...
- Cao su Hòa Bình phấn đấu tiếp tục vượt mức kế hoạch sản lượng
- Cao su Mang Yang về đích sớm 5 năm liên tục
- Cao su Phú Riềng: Ứng dụng công nghệ số nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh
- Cao su Lai Châu II thiệt hại 3,6 tỷ đồng do mưa đá, gió lốc
Tôi là cn khai thác mủ ở nông cao su nông sơn thuộc công ty tnhhmtv cao su quảng nam .hiện nay giá mủ nuớc ở đây nông trường tỉnh chỉ 2.5đến 2.7 thì quá bèo làm sao cn như chúng tôi đủ sống .ngoài số tiền mủ ra thì chúng tôi không còn hưởng trợ cấp nào khác .trong khi đó một tháng cạo chỉ đạt mức 4triệu trở lại .mong các nhà chức trách cân thiệp dùm để nâng cao đời sống hơn nữa.xin cảm ơn