“Giữ lửa” nơi nông trường vùng biên

CSVN – Xa thành thị, xa khu dân cư. Không trường học, không chợ, không nơi giải trí… Cuộc sống của những công nhân (CN) cao su NT An Biên (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông) cùng gia thuộc và nhân dân nơi biên giới hết sức vất vả, thiếu thốn. Ấy vậy, bao năm qua họ vẫn quyết bám trụ, từng ngày từng giờ chăm sóc để cây cao su bám chặt và vươn mình trên mảnh đất cằn khô.
GĐ NT Trịnh Đình Luận thăm và động viên anh Siu Long trong giờ trực chống cháy.
GĐ NT Trịnh Đình Luận thăm và động viên anh Siu Long trong giờ trực chống cháy.
Cuộc sống thiếu thốn

Gần trưa, giữa cái nắng như lửa đốt với nhiệt độ ngoài trời nơi vùng biên giới lên đến 39 độ, chúng tôi ghé thăm một lớp học khai thác mủ cao su. Lớp học có 33 người, hầu hết đồng bào dân tộc thiểu số. Điều đặc biệt, những lao động này lại được tuyển dụng ở xã Ia Boong, cách NT An Biên (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Prông) khoảng 60 – 70 km và một số người ở xã Ia Lốp của huyện Ea Súp – tỉnh Đăk Lăk, trong khi địa bàn NT đứng chân chỉ cách xã Ia Mơr chừng 10 km nhưng lại không có nhiều lao động của xã này.

Đem thắc mắc hỏi anh Trịnh Đình Luận – GĐ NT An Biên thì được giải thích, vài năm trước, lao động ở đây khá dồi dào. Tuy nhiên, từ sau ngày người dân được công trình thủy lợi Ia Mơr đền bù giải phóng mặt bằng, họ có một số tiền lớn nên tha hồ tiêu pha và chuyển sang làm việc khác. Vì thế công tác tuyển dụng lao động ở vùng này rất khó.

Chúng tôi đến dãy nhà tập thể CN chật chội với vách tường bọc tôn, mùi mủ cao su xông lên nồng nặc, quanh nhà là chén hứng mủ, kiềng rồi máng chắn mưa cũ được thu gom về tận dụng lại. Đôi vợ chồng trẻ, được kết hợp bởi 2 dân tộc Jarai và Kinh là Siu Nhen – Trần Văn Hưng đang chăm chú xem tivi, ngoài sân những đứa trẻ nô đùa giữa trưa nắng.

Thấy có khách, cả 2 vợ chồng ra tiếp chuyện. Anh Hưng mở lời: “Vợ chồng em từ làng Sơ của xã Ia Boong vào đây làm CN từ năm 2012, đến nay vẫn phải ở tạm trong lán của NT. Cuộc sống hết sức vất vả, thiếu thốn đủ thứ. Vợ chồng em được giao khoán 5,9 ha gồm khai thác và chăm sóc, mỗi tháng tiền lương được 4 – 5 triệu đồng”.

Chị Siu Nhen tiếp lời chồng bằng giọng hy vọng: “Chỉ mong muốn được NT sớm cấp đất để an cư lạc nghiệp, chứ vào vùng rừng núi này đã thiếu thốn đủ thứ, mỗi năm cũng chỉ tận dụng được bờ lô hợp thủy làm chút lúa, trồng cây mì được một mùa và cả lương công nhân cũng không thể đủ trang trải cho cuộc sống, ở tạm thế này sợ không được lâu dài”.

Chị Hồng Miên chắt chiu từng máng chắn mưa cũ để trang bị lại cho vườn cây.
Chị Hồng Miên chắt chiu từng máng chắn mưa cũ để trang bị lại cho vườn cây.

Ngồi bên đống máng chắn mưa cũ, tỉ mỉ cắt bỏ lớp keo cũ để tận dụng lại cho mùa mưa tới, nhằm giảm bớt chi phí trang bị vật tư, chị Nguyễn Thị Hồng Miên đến từ làng Bến Tre của xã Ia Lốp – Ea Súp – Đăk Lăk nói: “Cuộc sống nơi đây khổ cực lắm anh ơi, không có chợ, không có trường học. Khi đi làm phải mang đồ ăn từ nhà theo, phải gửi con cho ngoại để cháu đi học”. Xã Ia Lốp có 2 làng người từ tỉnh Bến Tre và Thanh Hóa di cư vào làm kinh tế mới từ nhiều năm trước, do vậy khi sang đây tuyển dụng lao động mọi người cứ gọi theo thói quen cho dễ nhận biết.

Hy sinh lợi ích riêng

Gần 3 giờ chiều, chúng tôi được anh Luận dẫn đi quanh lô, vừa để kiểm tra trực chống cháy, vừa giới thiệu vườn cây và chứng kiến cuộc sống của anh em CBCNV nơi vùng biên cương. Những nơi chúng tôi đến đều là những điểm cao, nơi có thể quan sát được một phần hoặc toàn cảnh vườn cây để dễ dàng phát hiện nếu có đám cháy. Dừng lại một chòi gác, anh Vũ Đức Hậu – Phó GĐ, kiêm Chủ tịch Công đoàn NT An Biên cho hay: “Đây là chòi gác cao nhất, độ cao trên 10m. Từ đây, có thể quan sát được hầu hết diện tích cao su của NT. Trong trường hợp có cháy thì anh em sẽ dễ dàng phát hiện và thông báo cho lãnh đạo hay tổ trực chống cháy”. NT An Biên có 2.097 ha, được chia làm 5 đội. Trong đó, cao su khai thác là 365 ha. Toàn NT có 257 lao động, chủ yếu là người Jarai chiếm 67%.

Sau khi ghé Làng thanh niên Ia Mơr, một trong những làng do TW Đoàn phối hợp với Tỉnh đoàn Gia Lai xây dựng cho thanh niên đồng bào nơi vùng biên, chúng tôi nghỉ chân tại quán có tên “Cà phê võng biên giới” của chị Mí, quê Ninh Bình vào lập nghiệp.

Trong câu chuyện với loại rượu ngon nhất quán là nếp cẩm mà chị Mí mời chúng tôi thưởng thức, chị và người chị bà con tên Hải, hiện đang làm Trưởng ban nữ công của NT Thanh niên Ia Mơr thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh, kể thao thao bất tuyệt về những gian khổ từ những ngày đầu lập nghiệp trồng cao su. Tuy mới ngoài 30, nhưng con trai đầu của chị Mí hiện đang làm bảo vệ cho Công ty 74 của Binh đoàn 15. Chị chia sẻ: “Em cũng muốn đi làm cao su lắm, nhưng anh Luận (giám đốc NT – PV) chưa cho…(cười)”.

Khoảng 7 giờ tối, trên đường đến thăm đồn biên phòng, chúng tôi đi ngang một căn nhà gỗ nhỏ nằm chênh vênh giữa rừng. Trong ánh sáng lờ mờ từ bóng đèn tuýp lẻ loi giữa đêm tĩnh mịch, chị Nguyễn Thị Mai Phương – Trưởng ban nữ công NT An Biên đang xem tivi một mình. Được hỏi, chị Phương cho hay: “Chồng em vừa chạy xe máy về Chư Prông thì các anh đến. Hôm nay ngoài nhà có việc nên chồng em tranh thủ chạy về ngoài đó, lát nữa lại vào”. Chúng tôi trố mắt, bây giờ là 7 giờ tối mà chồng chị Phương còn chạy xe máy 70 km trong đêm về Chư Prông, lát lại vào? Biết được thắc mắc của chúng tôi, chị Phương giải thích: “Ông xã em sao nỡ để em ngủ một mình giữa rừng thế này được, nên dù có việc thế nào cũng phải quay vào. Con cái thì đã gửi ngoại hết rồi”.

Còn và còn rất nhiều những tâm sự của các đôi vợ chồng trẻ, những thanh niên độc thân, những người đang khao khát cống hiến sức trẻ, sự nhiệt huyết của mình mà chúng tôi chưa kể ra hết về sự chịu đựng gian khổ để bám trụ với cây cao su. Hy vọng trong tương lai không xa, nơi đây họ sẽ được an cư lạc nghiệp.

VĂN VĨNH