Ánh sáng mới nơi buôn làng

CSVN – Tây Nguyên – mảnh đất bazan được nhắc đến như một bản trường ca Đam San bất tử về những con người mạnh mẽ, kiên cường. Nơi ấy mang trong mình vẻ đẹp hoang sơ, kỳ vĩ của núi rừng cùng nét phóng khoáng, đôn hậu của người dân bản xứ nơi đây. Hòa mình cùng núi rừng, ngắm giọt sương vương trong mây mù mỗi sớm mai mới thấy nhịp sống ở đây thật chậm như cách người ta thưởng thức ly cà phê, không xô bồ, không gấp gáp trong từng nhịp thở. Một Tây Nguyên không trẻ cũng chẳng già mang lại sự bình yên, ấm áp trong tâm khảm mỗi người.

Công nhân Cao su Chư Păh trên vườn cây

Dọc theo tiềm thức, tôi trở về mảnh đất Chư Păh thân thương, đến với con người của xã Hà Tây đáng mến. Vùng đất ấy ngày nay đã thay da đổi thịt nhờ ánh sáng mà dòng nhựa trắng mang về. Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh được thành lập như mở ra một trang mới, mang đến sự ấm no, hạnh phúc cho người lao động địa phương. Nông trường Cao su Hà Tây là đơn vị trực thuộc nằm trên địa phận xã Hà Tây – Chư Păh – Gia Lai. Tôi gọi đây là Nông trường gánh trên vai “sức trẻ của tuổi mới lớn” bởi lẽ hầu hết vườn cây của Nông trường đều tọa lạc trên những vùng đất khó, dốc sỏi, có những nơi khi mùa mưa đến thì bị chia cắt, biệt lập, giao thông ngưng trệ…. Cán bộ nhân viên, người lao động nơi đây đều là người trẻ mang trong mình nhiệt huyết của tuổi thanh xuân, dám xông pha, dám thử sức sáng tạo,dám nghĩ, dám làm với nhiệm vụ soi đường, dẫn lối để người đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo, tránh xa các tệ nạn xã hội, đẩy lùi những hủ tục lạc hậu đã thấm sâu vào lối nghĩ và hướng đến cái văn minh, giàu đẹp.

Chẳng có con đường nào không chông gai, thử thách khi hơn 90% lao động nơi đây là người dân tộc Banar và 100% theo đạo Công giáo. Những tưởng bất đồng về ngôn ngữ, phong tục, nếp sống, cách nghĩ cách làm đã ăn sâu trong tâm trí qua nhiều thế hệ sẽ khiến tình người khó hòa hợp. Nhưng không! Chính cái tình cây cao su, hơi ấm dòng nhựa trắng cùng tấm lòng của những con người đi khai hoang mở đất đã khiến cho vùng đất ấy ngày càng tươi đẹp hơn.

Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh nhận giải thưởng “Doanh nghiệp tiêu biểu vì Người lao động” năm 2023

Ngược dòng hồi ức, tôi nhớ về quãng thời gian đã cùng các anh Nông trường băng suối đến từng nhà vận động người dân đi cạo mủ. Với tập tục đã quen với canh tác nương rẫy; hết gạo ra đồng, gạo còn đi nhậu; thứ bảy, chủ nhật lên nhà rông, hội, lễ buôn làng… thì có lẽ việc đi làm ở Công ty, tuân thủ nguyên tắc, quy định là một điều quá ư xa xỉ. Lối sống cộng đồng với nhiều hủ tục đã ăn sâu trong cách nghĩ, việc làm. Từ cách ăn, ở, vệ sinh, nước uống… tất cả đều được thực hiện theo bản năng mà không theo bất cứ nề nếp nào. Vấn đề kế hoạch hóa gia đình là quá đỗi xa vời với người dân nơi đây. Họ sinh con rất nhiều, nhà ít nhất cũng đến 5 – 7 đứa trẻ, cách nhau chưa đầy một tuổi. Mỗi cháu hàng ngày tự chơi cùng nhau, dắt nhau ra đồng; đau thì tìm thầy mo, sinh thì gọi bà đỡ… Trường học, bệnh viện là vấn đề chẳng mấy ai quan tâm.

Có lẽ vì vậy mà những đứa trẻ nơi đây đều nên duyên chồng vợ từ rất sớm. Nghèo thêm nghèo, khổ chồng khổ, đói rách đè nát cuộc đời mỗi người. Và rồi, cây cao su đến đây như tia nắng ấm soi sáng cả buôn làng. Những rừng cao su trải dài, bạt ngàn đã giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động nơi đây. Công đoàn các cấp đã chung tay cùng các ban ngành đoàn thể địa phương tranh thủ sự ủng hộ của các Ban Nhà thờ đi từng ngõ, gõ từng nhà, tuyên truyền về các Chủ trương, Nghị quyết, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, của Tỉnh, Ngành cao su, địa phương và Công ty. Điện, đường, trường, trạm, nước sạch, môi trường, Luật hôn nhân, kế hoạch hóa gia đình… được đầu tư, hướng dẫn cụ thể. Vận động từng người, từng nhà thay đổi cách nghĩ, cách làm, nếp sinh hoạt. Công ty, Nông trường cùng địa phương cử cán bộ xuống từng hộ gia đình hướng dẫn cách dựng nhà, làm ống nước sạch, xây nhà vệ sinh biệt lập… Tuyên truyền người dân nói không với nạn tảo hôn, ly hôn, rượu chè, bài bạc và các tệ nạn xã hội; xa rời kiểu thích thì làm, ưng thì nghỉ…

Những cuộc nói chuyện đầm ấm bên mái nhà rông

1 ngày, 2 ngày… 1 tháng, 2 tháng… Dần dần, “mưa dầm thấm lâu” không uổng công người vun trồng chăm sóc. Khi vườn cây cao su dần đưa vào khai thác cũng là lúc mảnh đất nơi này thay da đổi thịt. Những mái nhà ngói đỏ tươi được xây dựng; những em bé được cắp sách đến trường; tiếng đổ vỡ, la mắng dần lùi xa nhường chỗ cho những tiếng cười trong mỗi gia đình. Ngày hội đại đoàn kết được phối hợp tổ chức nhiều hơn, tạo điều kiện để bà con có cơ hội gặp nhau, cùng chia sẻ những kiến thức đã được học, cùng khoe, cùng kể về những đổi thay trong cuộc sống.

Có lẽ nếu không tận mắt chứng kiến tất thảy những thăng trầm của vùng đất và con người nơi đây thì ngay cả tôi vẫn nghĩ đó chỉ là những lời viết hoa mĩ trên sách vở. Chứng kiến sự thay da đổi thịt của quê hương, Anh Byưm – người con dân tộc Banar của mảnh đất Hà Tây, người đã gắn bó cùng cây cao su từ những ngày ươm mầm đến tận hôm nay là một minh chứng cụ thể và rõ ràng nhất. Anh nói: “Nếu không có cây cao su thì có lẽ đến giờ mình vẫn chỉ quanh quẩn cùng cái nương, con rẫy, không biết dạy con đọc chữ, đưa con đến trường. Không có nhà cửa khang trang, xe đẹp hiện đại như bây giờ. Dòng nhựa trắng hay và giỏi thật. Đem ánh sáng, đem văn minh lên đây dạy bản làng. Đồng bào mình giờ chỉ chăm lo cạo mủ, hát vang điệu cồng chiêng mừng ấm no thôi”

Câu nói của anh khiến những người mở đất, những người đã cố gắng ngày đêm vì sự phát triển ngày hôm nay ấm lòng đến lạ.

Vâng! Chính anh từ một công nhân vì miếng cơm manh áo mà phải xin vào làm cao su đến tình yêu cây ngày một lớn để thôi thúc anh đi học và trở thành cán bộ kỹ thuật. Nhận biết rõ giá trị và tầm quan trọng của việc học, vì ước mơ thay đổi bản làng nơi mình sinh ra, muốn đồng bào mình ấm no, hạnh phúc hơn mà Anh phấn đấu để trở thành cán bộ Công đoàn của Nông trường. Anh bảo: “vận động bà con ở đây khó lắm, nhưng may mình là con của núi rừng nên dân làng ưng cái bụng mà nghe theo”.

Thật vậy! Làm công tác dân vận đã khó, mà ở nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số xa xôi này thì lại càng khó hơn gấp bội. Phải yêu đất, thương người thì mới có động lực để băng qua đường rừng nhiều chông gai, vượt qua con suối ngang hông người và không nản lòng trước những tiếng la mắng của bà con ngày đầu gặp gỡ.

Anh Byưm không chỉ là tấm gương tiêu biểu cần cù, chịu khó trên phương diện sản xuất, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái của gia đình mà còn là sự minh chứng để người dân trong làng thấy và tin vào cây cao su.

Công nhân đồng bào dân tộc thiểu số Cao su Chư Păh có cuộc sống ấm no, ổn định

Đó chỉ là một trong rất nhiều người con của vùng đất bazan đã quyết định gắn bó cả cuộc đời mình với cây cao su, với dòng nhựa trắng. Những người đã vì yêu, vì tin mà nghe theo, mà thay đổi những phong tục, tập quán lạc hậu để mang ánh sáng mới tới từng ngõ nhỏ của buôn làng.

Gần năm thập kỷ trôi qua, cây cao su đã gắn bó chặt chẽ với con người nơi đây bằng tình ruột thịt. Vùng đất sỏi đá ngày nào giờ đã hồi sinh bằng những mái nhà ngói lợp, rực đèn và rộn tiếng cười vui. Cây cao su thực sự đã mang người ta xích lại gần nhau hơn; công tác tuyên truyền, vận động mang những chính sách, thông tư, nghị định của các cấp đã thấm vào tâm mỗi người và trở thành phương châm cho mọi hoạt động. Dưới tán rừng cao su, cách đối xử của “người cao su’ với nhau cũng thật ấm lòng.

Có ai đó đã từng nói: “Hạnh phúc không phải là đích đến mà là chặng đường ta đã cùng đi”. Thật vậy! Con người nơi đây đã cùng nhau trải qua hết thảy dư vị của cuộc đời cùng nhau. Phải hạnh phúc thế nào khi tận mắt chứng kiến sự đổi thay của một vùng đất để thấy một Tây Nguyên đáng trân trọng và rất đỗi chân thành.

LÊ VÂN