Hoạt động sản xuất kinh doanh thuận lợi hơn trong trạng thái bình thường mới

CSVN – Tại các tỉnh miền Đông Nam bộ, thực hiện theo kế hoạch trong tình hình mới, các địa phương chia theo 4 vùng: Vùng đỏ – vùng cam – vùng vàng – vùng xanh. Đối với mỗi vùng, quy định di chuyển của người dân và hoạt động của các doanh nghiệp cũng khác nhau. Linh hoạt theo trạng thái bình thường mới, các công ty cao su tổ chức SXKD thuận lợi hơn và đẩy mạnh thi đua nước rút những tháng cuối năm, đảm bảo hoàn thành “mục tiêu kép”.

Anh Đặng Văn Lương – Bí thư Chi bộ 1, Đốc công Liên tổ 1, NT Thuận Phú, Cao su Đồng Phú kiểm tra kỹ thuật khai thác và động viên công nhân thi đua nước rút 3 tháng cuối năm
Phương án sản xuất cụ thể theo “từng vùng”

Diện tích vườn cây của TCT Cao su Đồng Nai nằm rải rác trên nhiều nơi, do đó, tình hình SXKD của các đơn vị trực thuộc cũng phụ thuộc vào quy định phòng chống dịch trên địa bàn. Để đảm bảo “vừa sản xuất, vừa chống dịch”, TCT thường xuyên nắm bắt các tình hình cụ thể để chỉ đạo các đơn vị áp dụng kịch bản sản xuất phù hợp. Đối với NLĐ trong vùng xanh, việc đi lại làm việc trên vườn cây rất thuận lợi. Đối với NLĐ trong vùng đỏ, vùng cam trên một số địa bàn đang bị phong tỏa nên NLĐ không đi làm được, số lượng này chiếm tỉ lệ nhỏ. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế, ban lãnh đạo các NT đã bố trí NLĐ cạo choàng, không bỏ phần cây.

Tính đến ngày 23/9, Cao su Lộc Ninh đã khai thác được 66,4% KH sản lượng. Theo quy định mới nhất của địa phương, NLĐ thực hiện việc di chuyển đến nơi làm việc theo các quy định cụ thể đối với từng vùng (xanh, vàng, cam và đỏ). Một số NLĐ của công ty trong khu vực phong tỏa thì NT sẽ căn cứ vào tình hình thực tế để vận động công nhân trong đơn vị cạo choàng, nhằm đảm bảo không có phần cây nào bỏ cạo. Hoạt động thu mua mủ cao su tiểu điền của công ty cũng có nhiều thuận lợi hơn do việc đi lại thoải mái hơn trước đây. Nhà máy chế biến đã dừng tổ chức sản xuất “3 tại chỗ” ngày 10/9 khi dừng Chỉ thị 16. NLĐ nghiêm túc thực hiện các quy định phòng chống dịch.

Anh Đặng Văn Lương – Bí thư Chi bộ 1, Đốc công Liên tổ 1, NT Thuận Phú, Cao su Đồng Phú, chia sẻ: “Với 565 ha khai thác, 9 tháng đầu năm 2021, Liên tổ 1 khai thác sản lượng hơn 65% KH, nhiều cá nhân đạt trên 85% KH. Dự kiến, Liên tổ 1 sẽ đạt 105% KH năm 2021 và về trước kế hoạch khoảng 17 ngày. Công nhân hào hứng thi đua nước rút 3 tháng cuối năm để hoàn thành cao nhất sản lượng được giao”.

Phấn đấu 100% NLĐ và gia thuộc sẽ được tiêm vaccine trong năm 2021

Là đơn vị trú đóng trong “vùng an toàn” ít bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 so với các công ty khác, ông Lê Tiến Vượng – TGĐ Cao su Phú Riềng, chia sẻ: “Công ty đã thực hiện tiêm ngừa Covid-19 cho 1.930 NLĐ (đạt 45,3%), trong đó 271 người đã tiêm đủ 2 mũi và 1.659 người đã tiêm mũi 1. Riêng Nông lâm trường Tuy Đức đã tiêm 100% NLĐ và gia thuộc.

Công ty thường xuyên liên hệ với cấp chính quyền địa phương đề nghị hỗ trợ, tiếp cận nguồn vaccine để tiêm ngừa cho NLĐ trong thời gian sớm nhất. Trong trạng thái bình thường mới, công ty triển khai xây dựng phương án điều hành SXKD chi tiết cho 18 đơn vị trực thuộc, với từng tình huống, cấp độ cụ thể. Tăng cường và phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, Tổ thường trực, Tổ an toàn Covid-19… vì đây là lực lượng sát với địa bàn, nắm chắc tình hình dân cư. Thi đua nước rút 3 tháng cuối năm, công ty sẽ nỗ lực phấn đấu đạt sản lượng từ 22.000 – 22.200 tấn mủ năm 2021”.

Địa bàn các đơn vị trực thuộc ở 2 tỉnh Bình Dương, Bình Phước và lĩnh vực hoạt động đa ngành nghề, ông Lưu Minh Tuyến – Phó TGĐ Cao su Đồng Phú, cho biết: “Tính đến ngày 25/9, công ty đã tổ chức tiêm vaccine ngừa Covid-19 trên 60% NLĐ. Trong đó, Cao su Đồng Phú Kratie đã tiêm 100% mũi 1 và 10% mũi 2 cho NLĐ và gia thuộc. 3 nhà máy chế biến cao su, nhà máy gỗ và Nệm Đồng Phú tiêm mũi 1 trên 90% NLĐ. Vừa qua, NT An Bình (thuộc xã An Bình, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương) ngưng cạo 14 ngày theo Chỉ thị 16, đến nay đã cạo lại bình thường. Nhà máy Nệm Đồng Phú đã ngừng hoạt động hơn 2 tháng nay, do hàng hóa không vận chuyển được.

Nhà máy chế biến gỗ cũng ngừng hoạt động hơn 2 tháng nay, hơn 110 lao động ngừng việc, do vùng nguyên liệu cưa cắt nằm ở khu vực giãn cách. Sản lượng cao su khai thác bị hụt do ảnh hưởng Covid-19 là 150 tấn, công ty cam kết sẽ đẩy mạnh khai thác đảm bảo hoàn thành sản lượng Tập đoàn giao. Công ty có 5 tổ giúp việc xây dựng phương án sản xuất an toàn trong trạng thái bình thường mới, toàn bộ NLĐ đi làm đều có thẻ nhận diện. Công ty xây dựng 3 phương án lao động sản xuất cho 3 nhà máy chế biến cao su ở 3 mức độ vùng (đỏ, cam, xanh), đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép”.

Anh Vũ Huy Thảo – công nhân khai thác Đội 1, NT Lai Uyên, Cao su Phước Hòa, chia sẻ: “Những ngày này, đơn vị liên tục phát động thi đua nước rút những tháng cuối năm. Mùa này cây cao su cho sản lượng mủ nhiều nhất trong năm. Chính vì vậy, công nhân chúng tôi rất phấn khởi, ra sức phấn đấu tận thu từng giọt mủ để đạt sản lượng cao nhất. Tôi được giao nhiệm vụ khai thác 3 phần cây, nhiều năm qua luôn hoàn thành vượt kế hoạch sản lượng được giao. Tôi sẽ cố gắng phấn đấu, góp sức cùng đơn vị tiếp tục giữ vững 17 năm liền năng suất vườn cây 2 tấn/ ha (2004 – 2021)”.

Tổ chức nấu ăn giữa ca trở lại cho công nhân

Ông Lê Văn Thủy – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn Cao su Bình Long cho biết, đến thời điểm cuối tháng 9, trong tất cả các huyện, thị xã có đơn vị trực thuộc công ty đứng chân thì chỉ còn có huyện Chơn Thành hiện vẫn đang thực hiện Chỉ thị 16. Đây là địa bàn NT Minh Hưng, do đó ban lãnh đạo công ty thường xuyên theo dõi, chỉ đạo và nắm bắt các tình hình kịp thời để hướng dẫn NT thực hiện có hiệu quả các phương án phòng chống dịch, hạn chế tối đa dịch bệnh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất và sức khỏe NLĐ.

Ngày 15/9, Cao su Bình Long đã tổ chức nấu ăn giữa ca trở lại với yêu cầu phục vụ bếp ăn phải xét nghiệm 5 ngày/lần. Công ty bố trí 70% NLĐ gián tiếp đi làm trực tiếp, 30% làm việc trực tuyến. Riêng đối với Xí nghiệp Cơ khí chế biến 30/4 vẫn tiếp tục thực hiện phương án “3 tại chỗ”. Nhằm kịp thời rà soát và khoanh vùng các vùng có nguy cơ, công ty tổ chức xét nghiệm định kỳ 7 ngày/lần đối với toàn bộ NLĐ Xí nghiệp 30/4, lực lượng đảm nhận công tác thu mua mủ cao su tiểu điền, tài xế vận chuyển mủ. Tính đến ngày 19/9, công ty đã tổ chức tiêm vaccine cho 1.603 NLĐ (đạt 46%).

Cao su Tân Biên nằm trong vùng xanh, toàn bộ NLĐ đã trở lại làm việc bình thường với 100% số lượng. Công nhân nhà máy chế biến kết thúc làm việc “3 tại chỗ”, được trở về gia đình. Các NT tiếp tục duy trì bữa ăn giữa ca cho công nhân bằng hình thức phát cơm, không tập trung đông người ở nhà đội. Tại NT Bổ Túc, trước đây có một số công nhân có nhà ở khác xã với vườn cây cạo, không đi lại liên xã được nên cũng phải ở lại đội theo nguyên tắc “3 tại chỗ”, sinh hoạt hàng ngày cũng khó khăn. Nay toàn bộ khu vực là vùng xanh áp dụng Chỉ thị 15, công nhân đã được về nhà, sinh hoạt bình thường. Công ty luôn tuân thủ 5K và các biện pháp phòng dịch tại nơi sản xuất.

Ngày 12/9, UBND tỉnh Bà Rịa -Vũng Tàu đã cho phép một số hoạt động SXKD trên địa bàn các huyện vùng xanh: Châu Đức, Xuyên Mộc, Đất Đỏ, Côn Đảo. Cao su Bà Rịa đã quán triệt đến NLĐ thực hiện nghiêm “1 cung đường, 2 điểm đến”, chỉ đạo các đơn vị tập trung tăng cường công tác quản lý vườn cây, quản lý sản lượng. Đồng thời xây dựng phương án tổ chức sản xuất và đề ra các giải pháp cụ thể trong những tháng cuối năm để tăng năng suất vườn cây, năng suất lao động nhằm góp phần vào hoàn thành kế hoạch chung của đơn vị.

Đến ngày 23/9, công ty đã khai thác 4.882 tấn (đạt tỷ lệ 50,6%). Hiện nay, công nhân khai thác Cao su Hòa Bình được đi làm trở lại, công ty không phải bố trí xe đưa đón. Công nhân nhà máy được bố trí theo phương án “1 cung đường, 2 điểm đến”, 5 ngày/lần, công ty sẽ tổ chức xét nghiệm 20% NLĐ.

NHÓM PV