Ngành gỗ VRG tiềm năng, triển vọng và lợi thế

CSVN – Trong số các ngành nghề kinh doanh của VRG, gỗ là một trong 5 ngành sản xuất chính. Lĩnh vực đầu tư phát triển ngành gỗ được đánh giá là có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển. Đây là lĩnh vực có cơ hội phát triển trong điều kiện Việt Nam và các nước đang thắt chặt chính sách đóng cửa rừng, nhu cầu về sản phẩm sản xuất từ gỗ nói chung và gỗ cao su tiếp tục tăng trong các năm. Chính vì vậy phát triển các sản phẩm gỗ cao su tinh chế và các sản phẩm mới, nhằm phát huy tối đa nguồn gỗ là có nhiều tiềm năng, triển vọng và lợi thế để phát triển.

Dây chuyền sản xuất ván gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Vũ Phong
Nỗ lực vượt khó

Tính đến năm 2023, Tập đoàn có 16 công ty chế biến gỗ thành viên với 18 nhà máy sản xuất trải dài từ khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long; tổng công suất thiết kế gần 1,089 triệu m3/năm. Đối với gỗ phôi, ghép tấm và tinh chế, VRG có 12 công ty sản xuất gỗ phôi, 6 công ty sản xuất gỗ ghép tấm và 6 công ty sản xuất gỗ tinh chế. Về gỗ ván sợi nhân tạo MDF, Tập đoàn có 3 nhà máy với 5 dây chuyền sản xuất gỗ MDF, sản lượng trung bình hàng năm tương đương 50% sản lượng sản xuất gỗ trong nước.

Trong 4 năm (2019 – 2022) tốc độ tăng trưởng sản lượng sản xuất ngành gỗ của VRG ở mức trung bình, năm 2022 chỉ tăng 3,8% so với năm 2019. Vào những tháng cuối năm 2022, thị trường ngành gỗ có sự biến động từ ảnh hưởng của chiến tranh và lạm phát tăng cao, do đó tuy có sự tăng trưởng về sản xuất – tiêu thụ gỗ các loại cũng như tổng doanh thu toàn ngành gỗ tuy nhiên lợi nhuận không cao so với những năm trước. Về sản lượng tiêu thụ, nhìn chung có sự tăng trưởng nhẹ trong giai đoạn 2019 – 2022 với mức tăng 7,5%, sản lượng tiêu thụ trung bình đạt trên 1,227 triệu m3/năm, trong đó sản lượng MDF đóng góp 77% tổng sản lượng tiêu thụ. Về kết quả kinh doanh, tổng giá trị doanh thu tăng dần qua các năm, năm 2019 doanh thu 7.547 tỷ đồng tăng lên 7.727 tỷ đồng vào năm 2022. Đã đóng góp 25% vào tổng doanh thu hợp nhất Tập đoàn. Đóng góp trung bình 12,6% tổng lợi nhuận trước thuế của Tập đoàn, giá trị lợi nhuận sau thuế trên doanh thu tương đương 9,5%.

Năm 2023, thế giới tiếp tục có sự biến động về kinh tế xã hội do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc chiến giữa Nga và Ucraina. Đặc biệt, các nguyên liệu gỗ tăng cao so với những năm trước đây. Đó là nguyên nhân chính làm cho ngành chế biến, kinh doanh gỗ của VRG nói riêng và ngành gỗ Việt Nam nói chung tiếp tục giảm mạnh về sản lượng tiêu thụ cũng như lợi nhuận. Chính vì vậy, năm 2023, các công ty gỗ trực thuộc Tập đoàn sản xuất được 85.981 m3 gỗ phôi, gỗ ghép tấm là 4.456 m3, gỗ tinh chế đạt 7.097 m3, gỗ MDF đạt trên 1,018 triệu m3. Tổng doanh thu ngành gỗ đạt 5.399 tỷ đồng.

Phấn đấu vượt chỉ tiêu sản lượng 1,247 triệu m3 năm 2024

Tại Hội nghị đánh giá công tác chế biến SXKD lĩnh vực gỗ năm 2023, giải pháp và định hướng năm 2024 của VRG, Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch sản xuất gỗ các loại (gỗ phôi, gỗ ghép tấm, gỗ tinh chế, gỗ MDF) với sản lượng trên 1,247 triệu m3. Để thực hiện kế hoạch đó, lãnh đạo VRG đã chỉ đạo các đơn vị thành viên xây dựng các giải pháp cụ thể như:

Trong lĩnh vực sản xuất: Tiếp tục nâng cao trách nhiệm quản lý thiết bị, tiết giảm chi phí sản xuất, rà soát khâu quản lý sản xuất để tiết kiệm tiêu hao nguyên vật liệu, lựa chọn nhà cung cấp nguyên vật liệu có giá cả và chất lượng phù hợp yêu cầu khách hàng, sắp xếp dây chuyền sản xuất đồng bộ, điều chỉnh quy trình sản xuất; tận dụng thời gian thị trường thấp điểm để xử lý các vấn đề thiết bị nhằm nâng cao hiệu quả vận hành thiết bị; học tập và triển khai áp dụng các cải tiến phù hợp với dây chuyền sản xuất; đầu tư ứng dụng phần mềm quản lý thiết bị, quản lý bảo trì công nghệ số…

Trong lĩnh vực tiêu thụ: Bám sát thị trường để điều chỉnh mức giá phù hợp, phát triển thị trường xuất khẩu, tăng cường công tác quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu đảm bảo cam kết uy tín về chất lượng; tận dụng tất cả cơ hội để có được từ đơn hàng khó đến đơn hàng giá rẻ.

Trong lĩnh vực đầu tư thiết bị công nghệ: Tiếp tục rà soát, nghiên cứu và lên kế hoạch cho năm 2024 trên tinh thần mua máy móc thiết bị thật sự cần thiết phục vụ cho nhu cầu sản xuất, đồng thời có tính đến việc đầu tư máy móc hiện đại, đảm bảo độ chính xác và năng suất cao, từ đó mới có cơ hội cạnh tranh về giá và đơn hàng trong điều kiện như hiện nay.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, các đơn vị thành viên Tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực gỗ cần phát huy hiệu quả thế mạnh của mình, đồng thời xem xét, đánh giá lại năng lực sản xuất và tái cấu trúc các doanh nghiệp hiện hữu cũng như đề ra một số định hướng đối với ngành gỗ Tập đoàn trong thời gian tới. Các đơn vị thành viên cần phải chủ động nguồn nguyên liệu, sản xuất sản phẩm có nguồn gốc chứng chỉ rừng bền vững, đồng thời xây dựng phương án sản xuất sản phẩm mới như viên nén, nhóm sản phẩm…; tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại bằng nhiều hình thức. Trong đó công tác chuyển đổi số đang là xu hướng tối ưu…

Chiến lược dài hạn

Với mục tiêu phát triển bền vững, hiện nay Tập đoàn đã và đang xây dựng, định vị thương hiệu VRG trong lĩnh vực ngành gỗ nhằm tận dụng lợi thế lớn về thương hiệu VRG trên thị trường. Khuyến khích các đơn vị sử dụng các nội dung quảng bá sản phẩm và đơn vị của mình dưới các hình thức như: “Thành viên của Tập đoàn Cao su Việt Nam/Member of Việt Nam Rubber Group” hay “Sản phẩm thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam/ Product of VRG”… Các công ty phối hợp với Ban Thị trường Kinh doanh từng bước xây dựng lộ trình phát triển thương hiệu chung các sản phẩm có mang thương hiệu VRG. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình thu thập dữ liệu, sản phẩm, thông tin của các đơn vị thành viên giới thiệu trên trang web của Tập đoàn, tăng cường quảng bá sản phẩm trên không gian mạng tạo thêm một kênh thông tin chính thống khẳng định các sản phẩm chính của Tập đoàn giúp các đơn vị nâng cao vị thế trên thương trường; xây dựng kế hoạch, tham gia các đoàn xúc tiến thương mại trọng tâm trọng điểm vào các khách hàng lớn quan trọng.

Theo phân tích của Ban Công nghiệp, nhu cầu sử dụng viên nén tại thị trường trong và ngoài nước ngày càng mở rộng. Và Chính phủ Việt Nam đang có những nỗ lực rất lớn trong thực hiện giảm phát thải khí nhà kính, đưa mức phát thải ròng về 0 cho tới năm 2050. Từ đó, có thể sẽ tạo ra những cơ chế đặc biệt, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu với mức phát thải cao chuyển đổi sang sử dụng nguồn nguyên liệu sạch hơn, bao gồm nhiên liệu sinh khối, hoặc viên nén, nên khả năng nhu cầu viên nén tại nội địa cũng sẽ mở rộng rất lớn trong tương lai. Và đây chính là lĩnh vực để Tập đoàn tận dụng tối đa tiềm năng và thế mạnh của mình để phát triển bền vững.

Bên cạnh chiến lược xây dựng thị trường, xây dựng thương hiệu, đa dạng hóa sản phẩm…, để đảm bảo tính bền vững trong hoạt động SXKD, ngành gỗ Tập đoàn đã xây dựng kế hoạch thanh lý tái canh theo đúng định hướng và mục tiêu đảm bảo sản lượng gỗ nguyên liệu cho sản xuất bền vững. Ngoài nguyên liệu cao su trong nước, theo thuyết minh đề án xây dựng phương án, lộ trình tổ chức sản xuất và kế hoạch tái canh cao su chu kỳ II tại khu vực Campuchia, Lào do Viện Nghiên cứu Cao su Việt Nam xây dựng cho thấy, dự kiến trữ lượng gỗ đến hết chu kỳ I tại 2 khu vực này là rất lớn, do đó phải hoạch định chiến lược chế biến gỗ tại khu vực này là nhiệm vụ cấp thiết.

Theo đó, Ban Kế hoạch Đầu tư đề xuất cụ thể như sau: Giai đoạn đầu (2024 – 2026) do trữ lượng thanh lý thấp nên chỉ tập trung quy hoạch sản xuất gỗ phôi và dăm gỗ vận chuyển về nước. Tiếp theo đó sẽ xem xét xây dựng một nhà máy viên nén có công suất phù hợp tại Campuchia (có thể xem xét hợp tác bao tiêu với các đối tác nước ngoài) để có cơ sở định hướng quy hoạch đầu tư. Trong giai đoạn kế tiếp (sau năm 2026), trên cơ sở nghiên cứu khả thi sẽ thành lập các cơ sở sản xuất chủng loại sản phẩm gỗ phù hợp như ghép tấm, tinh chế tùy vào điều kiện về thị trường và xuất khẩu tại chỗ để giảm chi phí logistic.

NG. CƯỜNG