Các doanh nghiệp gỗ khu vực Tây Nguyên nỗ lực “xoay sở” trong khó khăn

CSVNO – Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, các doanh nghiệp (DN) ngành gỗ nói chung và khu vực Tây Nguyên nói riêng vẫn không chấp nhận “ngủ đông” mà đang nỗ lực tìm mọi cách để duy trì sản xuất, tạo việc làm và giữ chân NLĐ.

Công nhân sản xuất gỗ phôi tại Xí nghiệp chế biến gỗ thuộc Cao su Chư Prông
Thị trường trầm lắng

Ông Nguyễn Văn Hướng – GĐ Công ty TNHH MTV Chế biến gỗ Đăk Đoa, cho biết: “Hoạt động xuất khẩu của ngành gỗ và sản phẩm từ gỗ cao su đang rất khó khăn, đơn hàng tiếp tục sụt giảm, nhất là tại các thị trường lớn, xuất khẩu. Các DN vẫn phải cố gắng giữ chân NLĐ bằng cách hoạt động cầm chừng”.

Còn ông Chế Thanh Hùng – GĐ Công ty gỗ cây cao su Kon Tum chia sẻ: “Tình hình hiện tại hết sức khó khăn với đơn vị, bởi giá nguyên liệu đầu vào mà các công ty cao su đấu giá khá cao so với tình hình hiện tại. Trong khi đó, đơn hàng đầu ra khan hiếm, nhỏ lẻ nên DN cũng cố gắng hoạt động cầm chừng để duy trì việc làm và giữ chân NLĐ chờ thị trường ấm lên”.

Ông Hùng cho rằng, nếu cho công nhân nghỉ việc thì họ sẽ kiếm việc khác, đến khi có đơn hàng trở lại sẽ không có nhân công sản xuất, việc tuyển dụng rất khó khăn và mất nhiều thời gian, nhất là các công nhân lành nghề. Khó chồng chất khó là chi phí mà DN đang gánh rất nhiều, từ tiền lương công nhân, các khoản bảo hiểm đến chi phí sử dụng hạ tầng…

Nỗ lực xoay sở

Trong bối cảnh thị trường thu hẹp, đơn hàng sụt giảm, các công ty gỗ cao su đang nỗ lực xoay sở, tìm mọi cách để duy trì sản xuất, hạn chế thấp nhất tình trạng lao động mất việc. Ông Nguyễn Văn Hướng cho hay, thị trường chính của công ty là xuất khẩu, nhưng từ khi lạm phát lan rộng thì đơn hàng giảm sâu, khách hàng chủ yếu là trong nước, nhưng cũng hạn chế và nhỏ lẻ.

Theo lãnh đạo các công ty gỗ cao su, thời điểm này DN không đặt mục tiêu lợi nhuận mà chỉ cần có đơn hàng để giữ lao động và đủ chi phí trang trải cho hoạt động của nhà máy. Mục tiêu trong nửa đầu năm 2023 là hòa vốn và hy vọng những tháng còn lại thị trường sẽ tốt lên, DN vẫn có sẵn lực lượng để sản xuất.

Cũng theo ông Hướng, để có thể trụ lại trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, công ty đã chủ động rà soát lại các chi phí để cắt giảm tối đa. Đồng thời, tìm kiếm khách hàng trong nước, đơn hàng nhỏ để duy trì hoạt động, giữ chân công nhân chờ thị trường phục hồi.

Mặc dù đơn hàng giảm mạnh, liên tục nhưng các công ty gỗ vẫn tích cực tìm kiếm khách hàng, đơn hàng mới để giữ lực lượng lao động.

VĂN VĨNH