Cao su “tự cứu” bằng xen canh, đa canh

CSVN – Không nóng vội thanh lý cao su để trồng tiêu, nhiều hộ tiểu điền biết tính toán lâu dài đã thực hiện các mô hình trồng xen canh, đa canh, kể cả chăn nuôi trong vườn cao su để duy trì vườn cây, chờ thời cơ.
Trồng xen canh giữa cây cao su và cây thuốc cá tại xã Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Bình Dương
Trồng xen canh giữa cây cao su và cây thuốc cá tại xã Minh Thạnh, Dầu Tiếng, Bình Dương. Ảnh: Báo Bình Dương
>> Kỳ 2: Cao su tự “cứu mình”
Thực hiện nhiều mô hình xen canh nông nghiệp

Việc thanh lý vườn cây tại Bình Dương trong thời gian gần đây tuy có diễn ra nhiều nhưng tâm lý chung của nhiều hộ nông dân vẫn mong muốn được gắn bó lâu dài với “vàng trắng”. Để có thể thực hiện mục tiêu này, ngay sau khi thanh lý nhiều nông dân đã bắt tay vào trồng mới. Với diện tích cao su trồng mới, nhiều hộ nông dân đã chọn hình thức trồng xen canh để bảo đảm nguồn thu cho gia đình. Ông Tín hộ cao su tiểu điền ngụ ấp Cây Sắn, xã Lai Uyên cho biết thêm: “Lâu nay quen với nghề làm cao su nên việc chọn ngành nghề mới với tôi là khá khó khăn. Trước khi thanh lý vườn cây, gia đình tôi cũng đã bàn bạc về việc trồng cây gì sau khi thanh lý. Trước mắt, gia đình sẽ trồng một ít diện tích cây rau màu như hành, rau má… và một phần diện tích trồng cây ăn trái như ổi, cam, quýt”.

Trong khi đó, với các hộ dân không thanh lý vườn cây mà tiếp tục khai thác, việc cân đối lại sản xuất, lựa chọn xây dựng các mô hình chăn nuôi mới được xem là lựa chọn hợp lý nhất hiện nay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương, nhiều hộ nông dân đã chọn giải pháp này. Tại huyện Phú Giáo- một trong những địa phương phát triển mạnh kinh tế trang trại, trong đó chủ yếu là trang trại cao su tiểu điền. Trước thực trạng cao su mất giá, nhiều nông dân tại đây đã xây dựng được các mô hình chăn nuôi mới để bảo đảm nguồn thu gia đình.

Ông Lê Văn Tuân, người dân ngụ tại ấp Cây Khô, xã Tam Lập, chia sẻ: “Người dân trong ấp của tôi đa phần là trồng cao su. Khi cao su rớt giá, nhiều hộ dân đã tìm cách xây dựng các mô hình chăn nuôi như bò, bồ câu, gà để cải thiện thu nhập. Xét cho cùng, cây cao su rất thích hợp với điều kiện thổ nhưỡng của ấp, nếu giá không xuống quá thấp thì cao su vẫn là loại cây trồng cho thu nhập ổn định. Trong ấp tôi, nhiều hộ gia đình cũng nhờ cây cao su mà trở nên khá giả”. Tuy nhiên, ông Tuân cũng cho rằng việc xây dựng mô hình chăn nuôi nào phù hợp, đạt hiệu quả kinh tế cao, nông dân cần nhận được sự định hướng và hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn, tránh tình trạng làm theo phong trào.

Tính toán hợp lý, không nóng vội, ào ạt

Ông Nguyễn Quang Hào – Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chơn Thành, cho biết cao su là cây trồng chủ lực của huyện, việc chặt cao su diễn ra khoảng 2 năm nay và xã nào cũng có. Tuy nhiên, người dân chủ yếu cưa cao su già và trồng tái canh cao su. Còn số cao su thanh lý hoặc cưa cao su khai thác chuyển sang trồng các loại cây khác có xảy ra nhưng ở diện tích không lớn. “Chúng tôi khuyến cáo nếu diện tích đất nhiều, nông dân nên thực hiện đa canh cây trồng để có được lợi thế trong sản xuất nông nghiệp, đảm bảo nguồn thu ổn định ở mỗi thời điểm. Nhà nông phải tính toán hợp lý, không nóng vội, ồ ạt làm theo phong trào, tránh hậu quả bất lợi xảy ra”, ông Hào chia sẻ.

Còn ông Nguyễn Tấn Bình – Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Dương khẳng định, tại Bình Dương việc thanh lý cao su chủ yếu tập trung ở các vườn cây khai thác lâu năm, năng suất không cao và các vườn cây trồng ở các vị trí đất có thổ nhưỡng không tốt, không phù hợp với trồng cây cao su. Bên cạnh đó, do giá mủ cao su trong những năm gần đây không được cao như kỳ vọng của người dân và do “tâm lý” chung của người dân cảm thấy lo lắng khi thấy một số hộ khác thanh lý vườn cây, cho nên có những hộ cũng thanh lý theo “phong trào”, về thực chất vẫn chưa xảy ra tình trạng thanh lý vườn cây ồ ạt.

Ông Bình khuyến cáo, trong thời điểm hiện tại do giá mủ chưa cao, thu hoạch chưa bù lại được chi phí đầu tư, người dân nên tiếp tục chăm sóc, cải tạo vườn cây theo hướng áp dụng các phương pháp, kỹ thuật mới. Chẳng hạn, trước đây người dân thường bón phân vô cơ theo kiểu rải đều khắp vườn cây, nhưng hiệu quả không cao vì cao su chỉ hấp thụ được từ 30 – 40% lượng phân, phần còn lại sẽ bị bốc hơi, oxi hóa… thì nay áp dụng phương pháp bón phân theo hình thức đào hố, chôn lấp kỹ. Hình thức này, khối lượng phân bón ít hơn nhưng cây cao su sẽ hấp thụ tốt hơn.

Đồng thời, để giảm chi phí lao động thì người dân nên áp dụng chế độ cạo D3 hoặc D4. Với chế độ cạo này sẽ giúp cây ổn định tốt về tình trạng sinh lý, tiết kiệm được lớp vỏ nguyên sinh của cây, cho sản lượng ổn định và bền vững. Ngoài ra còn giúp cho người dân giảm mức đầu tư cho vườn cây khai thác, tiết kiệm 25% lao động sử dụng trên đơn vị diện tích cây cạo mủ, đáp ứng với điều kiện giá mủ xuống thấp.

Trước mắt, thay vì chờ những hỗ trợ từ phía Nhà nước, nhiều nông dân Bình Dương đã chủ động tự “giải cứu” mình trước. Trong đó, việc lựa chọn xen canh các mô hình chăn nuôi là giải pháp hợp lý. Tuy nhiên, với những hộ gia đình sau khi thanh lý để chuyển đổi sang cây trồng khác ngoài cây cao su cần phải tính đến bài toán kinh tế khi đầu tư. Đối với các hộ trồng mới lại vườn cây cao su nên chọn những giống mới có năng suất cao, kháng bệnh tốt và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Do thời gian từ khi trồng tới khi thu hoạch là từ 6 – 7 năm, do đó người dân có thể áp dụng phương pháp đa canh để tăng nguồn thu. Người dân có thể trồng xen canh các loại cây ngắn ngày khác như khoai mì, rau màu, dưa hấu… hoặc tiến hành giảm diện tích hàng cách hàng, cây cách cây để xây dựng trang trại chăn nuôi nhưng vẫn bảo đảm đúng mật độ cây cao su. Đây cũng là một trong những phương pháp ngành nông nghiệp khuyến khích người dân thực hiện, tăng chăn nuôi trong trồng trọt, đảm bảo nguồn thu trong khi chờ thu hoạch các loại cây dài ngày.

Bài, ảnh: Bình Nguyên, Trí Việt, Phương Thảo