Từ cuộc bùng nổ cao su 1910 đến cuối kế hoạch Stevenson

(tiếp theo kỳ trước)

CSVN – Bắt đầu là một cuộc “lên voi” nhưng là về mặt tinh thần! Năm 1909, giá cao su tại thị trường Luân Đôn tăng mạnh từ 15 Francs/ kg đã vọt lên 34,50 Francs năm 1910. Cuộc bùng nổ về giá cao su vào lúc này trùng hợp với việc đưa vào khai thác diện tích cao su của các đồn điền lớn ở Malaysia (năm 1910, Malaysia xuất khẩu 5.500 tấn cao su khô). Tiền lãi cho cổ đông thấp nhất của Công ty Kuala – Lumpur cũng được 75% giá mệnh danh; cao nhất là đồn điền Selangor: 375%.

Cảnh chờ nhận lương của công nhân.

Ở Việt Nam thì như thế nào? Khi xảy ra cuộc bùng nổ nói trên thì số cao su “vườn” xuất khẩu của Việt Nam vào khoảng 20 tấn, một nửa do đồn điền Phú Nhuận sản xuất. Như vậy làm sao người Pháp không tiếc ngẩn tiếc ngơ? Ông Victor Forbin, trong quyển “Le caoutchoue dans le monde” đã viết một cách chua cay: “Hãy để cho một giọt nước mắt rơi vì tiền tiết kiệm của nhân dân Pháp đã bỏ mất một cơ hội đẹp để làm giàu; nhưng chúng ta nên nguyền rủa thái độ bàng quan của giới tài chính thượng đỉnh đã tha hóa các chính phủ của chính quốc cũng như của các nước thuộc địa.

Nhờ cuộc “bùng nổ Luân Đôn” năm 1910, ở Paris người ta bắt đầu thức tỉnh, ở Sài Gòn, không khí có náo nhiệt hơn. Các công tư chức, những người Pháp làm nghề tự do, các nhà buôn người Pháp… sáng mắt ra và mọi người chạy tìm hiểu kinh nghiệm làm ăn của đồn điền Phú Nhuận của ông Belland. Ông Belland ở cách Sài Gòn 1 cây số đã phải tiếp khách tấp nập đến tham quan và phỏng vấn. ở Suối Dầu, Dr.A.Yersin và ông G.Vernet phải ra sức trả lời thư từ thập phương hỏi kinh nghiệm trồng cao su vì trong giai đoạn này, Suối Dầu là cơ sở khoa học và kỹ thuật gần như duy nhất tập hợp được nhiều tài liệu về cây cao su. Mùa mủ 1908 – 1909 Suối Dầu thu được 1.500 kg mủ khô bán được 15.000 Francs, và có lãi. Trước đó ngày 6/7/1908, trong thư gửi cho bà chị Yersin đã báo tin “đồn điền Suối Dầu bắt đầu tự túc được về tài chính”. Ngày 15/5/1910, E. Roụx viết thư cho Dr. A.Yersin: Toàn quyền Klobukowski “lác mắt” vì cao su của Suối Dầu (Klobu est épaté par votre caoutchouc). Mọi việc xem như thuận lợi. Đã có người “mê” cao su. Vốn đầu tư chưa nhiều nhưng đã được rót vào cao su khá hơn trước. Hạt giống đã có từ năm 1903 (Suối Dầu) và từ 1905 (đồn điền Phú Nhuận) và từng năm số hạt giống được nhân lên.

Cần nói thêm rằng mặc dù giá cao su sau cú sốt 1910 giảm dần, nhiệt tình đối với cao su vẫn không giảm. Nhiều người Pháp nhảy ra trồng cao su ở Nam Kỳ…

Năm 1910, diện tích cao su trồng mới khoảng 5.000 ha (theo tài liệu của Nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương). Đến năm 1914, lên đến 14.000 ha, và năm 1918 khi chiến tranh kết thúc diện tích cao su có thể đạt 20.000 ha. Như vậy trong chiến tranh thế giới lần thứ 1, việc mở rộng diện tích cao su vẫn được triển khai nhờ vốn từ chính quốc được khai thông đôi chút và vốn huy dộng trong nước cũng có phần dễ dàng hơn. Nhờ đó mà Công ty Nông nghiệp Suzannah tăng vốn đầu tư với sự giúp đỡ của Công ty Thương mại và Vận tải thủy Viễn Đông (CCNEO), một công ty có nhiều vốn nhờ chiến tranh Nga – Nhật (1904 – 1905) và đang bắt đầu quan tâm đến cao su.

Chúng ta cần xác nhận vai trò tiên phong của Công ty Nông nghiệp Suzannah (hiện nay là Nông trường Cao su Dầu Giây) trên vùng đất đỏ còn hoang vu của tỉnh Biên Hòa lúc bấy giờ, đất tốt nhưng người thưa, thiếu nhân công và nhất là sốt rét nặng nề. Năm 1914, khi chiến tranh thế giới lần thứ 1 bùng nổ, Công ty Nông nghiệp Suzannah đã có 1.500 ha cao su đứng; hai năm trước (1912) Công ty đã bắt đầu mở miệng cạo trên vườn cao su trồng từ năm 1906. Và năm 1915 và năm 1916, Công ty đã bắt đầu chia lãi cho cổ dông, tuy vẫn có nhiều tính chất tượng trưng hơn.

Công ty Cao su An Lộc cũng dựa vào CCNEO để tăng gấp đôi số vốn ban đầu, từ 3 triệu lên 6 triệu Francs. Điều này cũng nói lên rằng các nhà tư bản, trong đó có các cha cố Dòng Thừa Sai (Missions étrangères) đã bắt đầu bén mùi cao su đồn điền.

Từ đồn điền, cao su thành phẩm được đưa xuống tàu thủy trở về Pháp

Ở phía bắc Nam Kỳ, nhóm tài chính Pháp – Bỉ, Rivaud – Hallet tổ chức Công ty Financière des caoutchous. Năm 1916 đồn điền Quản Lợi và năm 1917 đồn điền Phú Riềng được thành lập. Năm 1919, công ty này bắt đầu xây dựng nhóm đồn điền Chúp ở Campuchia.

Chiến tranh thế giới lần thứ nhất không nổ ra trên vùng cao su châu Á – Thái Bình Dương, nhưng cũng gây những thiệt hại nhất định cho các đồn điền cao su Việt Nam. Về mặt quản lý, một số người Pháp như giám đốc, phụ tá đồn điền bị gọi về Pháp để làm nghĩa vụ quân sự. Việc này có gây trở ngại ít nhiều cho các công ty và đồn điền cao su, vì trong đầu óc của giới chủ người Pháp, trong các đồn điền cao su, nhất thiết phải có người Âu (tức là người Pháp) làm nhiệm vụ quản lý. Luôn luôn phải có mặt của người Pháp trong đồn điền.

Và mãi cho đến năm 1939, ông Bimie, Tổng giám đốc Công ty SIPH, vẫn nói rõ ý kiến của mình như vậy. Giới chủ đồn điền cao su suy nghĩ như vậy vì họ không tin người Việt Nam.

Khó khăn thứ hai của các đồn điền cao su là không thể mua phụ tùng và thay thế thiết bị trước chiến tranh lệ thuộc vào nước Pháp. Thuốc trừ bệnh trở nên khan hiếm, nhất là thuốc sốt rét. Và từ năm 1917 khi chiến tranh tàu ngầm trở nên ác liệt, việc xuất khẩu cao su gặp khó khăn. Vào thời điểm này cao su Việt Nam xuất khẩu còn rất ít (năm 1914:194 tấn, năm 1916: 545 tấn, năm 1918:538 tấn) nhưng cũng là nguồn tài chính đáng kể của các đồn điền cao su.

Có thể nói rằng cao su Việt Nam đã bước ra khỏi chiến tranh thế giới lần thứ nhất bình yên.

Nhưng con đường gian khổ đã đến bên chân, sản lượng cao su trên thế giới tăng, cao su xuất khẩu của các nước đều tăng. Riêng cao su Việt Nam xuất khẩu từ 538 tấn năm 1918, trong hai năm tiếp theo đã vọt lên trên 3.600 tấn mỗi năm, góp phần phá vỡ sự cân đối cung/cầu. Giá cao su đã tụt từ năm 1910, đến đầu thập kỷ 20 càng tụt mạnh, và tụt một cách thảm hại. Đến năm 1921, giá cao su chỉ còn 2,40 Francs/ kg (năm 1910: 34,50 Francs). Đối với nhiều cơ sở, giá cao su trên thị trường thấp hơn giá thành.

(còn tiếp)

CSVN

(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)

Vì sao cao su ở Đông Dương phát triển chậm?