Nữ công nhân cao su làm đẹp đón Xuân

CSVN Xuân – Gọi là “Làm đẹp đón Xuân” cho nó có vẻ “thời sự” vậy thôi, chứ thật ra thì cũng như biết bao phụ nữ trên đất nước này, đó là việc bình thường của người nữ công nhân cao su…
Làm đẹp giữa lô cao su.
Làm đẹp giữa lô cao su.

Còn nhớ cách đây lâu lắm rồi, cũng phải trên 20 năm, tôi từng gặp để viết bài giới thiệu về một nữ kiện tướng ở CTCS Krông Buk. Tư liệu ghi xong, tôi đề nghị chụp ảnh để in kèm theo bài thì cô nhất định không chịu, cứ lắc đầu nguầy nguậy. Người Đội trưởng cùng đi với tôi cười, nói: “Cho cổ về tắm táp sạch sẽ, làm mặt rồi lên quần áo đẹp thì anh có mà chụp hết cả cuộn phim cổ cũng ưng”. Cô thợ nghe chừng có người hiểu ý mình, cười toe… Thế là tôi về viết một bài, đành đặt tựa là “Kiện tướng không chịu chụp hình”.
Kỷ niệm trên tôi mãi nhớ để nhắc mình cần biết là với phụ nữ, dù là công nhân cao su hay bất cứ ai khác, đang làm việc ở vùng sâu vùng xa hay phố thị phồn hoa – tất cả đều có nhu cầu làm đẹp.
100% nữ công nhân cao su biết làm đẹp
Dịp cuối năm 2015 này, tôi có chuyến xuống Đội 1, NT Xà Bang (Bà Rịa) đặng tìm hiểu thêm về chuyện làm đẹp của chị em. Cô Tổ trưởng Tổ 1 Đặng Thị Ngần nói chắc như đinh đóng cột:
– Tổ tôi có 56 công nhân, với trên 30 là nữ, và có thể nói 100% đều có nhu cầu làm đẹp. Sau giờ lao động, nhiều chị em đến các cửa hiệu làm đẹp ở các xã Kim Long, Ngãi Giao huyện Châu Đức nằm ven quốc lộ 56 đặng “tút” lại nhan sắc của mình.
– Thế việc làm đẹp thường là gì, thưa chị?
– Thường thì chị em đến chăm sóc da, đắp mặt nạ trị nám trị mụn, làm móng, hoặc là mát xa để tạo sự thư giãn, thon gọn cho cơ thể…

Ảnh: Chủ Spa Mỹ Lan (giữa) đang làm đẹp cho Tổ trưởng Đặng Thị Ngần
Ảnh: Chủ Spa Mỹ Lan (giữa) đang làm đẹp cho Tổ trưởng Đặng Thị Ngần

Trong khi tôi hí hoáy ghi chép, cô Tổ trưởng nói thêm:
– Nhưng việc làm đẹp của chị em thì không chỉ đến các Spa đâu, mà thời trang cũng chiếm vị trí đáng kể. Chị em thường dành dụm tiền thưởng để sắm nữ trang, quần áo.
Tổ trưởng Ngần nói rồi cười tủm tỉm, vẻ đầy thích thú. Nghe vậy, tôi hỏi:
– Thế thì ngoài đồng phục công nhân, chị em ưa thích món thời trang nào nè?
– Thường thì các cô thích quần Jean áo pull mặc khi đi chơi, đồ bộ vải đẹp, may đẹp mặc khi ở nhà, đi họp thì quần tây, áo sơ mi, còn áo dài thì mặc ở dịp đại hội CNVC nông trường, hoặc là vào các ngày lễ, Tết…
– Thế rồi có ai mặc đầm không?
Tôi nêu câu hỏi vui khiến cô Tổ trưởng cười ngặt nghẽo:
– Cũng có nhiều chứ anh… Nói chung thì công nhân ở đây cũng “diện” cũng “điệu” lắm… Thường thì vào dịp 8 tháng 3 hàng năm, nông trường chúng em đều tổ chức cho các chị đi phố biển Vũng Tàu. Nếu anh có dịp ra vào dịp đấy thì sẽ chứng kiến chị em thật rực rỡ trong đủ sắc màu thời trang, mà có thể ví von đó là những bông hoa rừng đang tỏa hương trên phố biển!
Công nhân Lý Thị Phương Thảo, phụ trách nữ công Đội 1 cho biết thêm:
– Có chị có điều kiện thì đến các tiệm làm đẹp, nhưng có chị gặp lúc khó khăn, tuy không đến tiệm nhưng cũng tự túc làm tại nhà.
Tôi nêu câu hỏi hơi… khờ khạo:
– Cũng biết tự làm nữa sao?
Trước câu hỏi của tôi, cô Thảo cô Ngần lại bật cười, nói:
– Thì phụ nữ mà anh! Chị em biết lấy đậu xanh xay nhuyễn trộn sữa tươi làm mặt nạ đắp cho mát da, mịn da nè; hoặc dùng chanh, nghệ hòa với mật ong trị nám; hoặc dùng cây lô hội xay ra, lòng đỏ trứng gà trộn mật ong đắp cho sắc da sáng đẹp tự nhiên…
Thảo ngưng lại một chút sau khi kể ra một “lô’ bí quyết rồi cảnh báo:
– Nhưng mà quan trọng là phải tìm hiểu thêm da mình phù hợp với loại nào. Như em đây cũng có khi dùng không đúng bài làm cho mặt bị nổi mụn, nay qua đắp trái bơ xay nhuyễn thì ổn rồi.
Nhiều ý kiến tán đồng
Việc làm đẹp của chị em được nhiều người tán đồng. Bà Huỳnh Thị Hảo, Ủy viên Thường vụ, Trưởng ban Nữ công Công đoàn Cao su Việt Nam, nói: “Toàn Tập đoàn hiện có 42.000 là nữ, chiếm trên 40% trong tổng số CNVCLĐ, trong đó, nữ sản xuất trực tiếp chiếm đến 90%. Dù ở trong môi trường công tác nhiều vất vả, điều kiện đời sống lắm lúc khó khăn, nhưng chị em vẫn biết làm đẹp bằng nhiều cách. Người khá thì đi Spa, dùng những sản phẩm chăm sóc sắc đẹp có thương hiệu; người có khó khăn thì dùng thảo dược thiên nhiên. Các chị ai cũng thích làm đẹp và đó là điều rất đáng hoan nghênh, cổ vũ. Thật đúng là “Không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp” mà thôi”.
Chị Mỹ Lan, một phụ nữ xinh đẹp, chủ Spa Mỹ Lan ở Kim Long, Châu Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết:
– Ở vùng này có khá nhiều Spa chăm sóc sắc đẹp phụ nữ. Không chỉ cư dân tại chỗ mà nữ công nhân cao su cũng đến khá nhiều.
Chiều chủ nhật hôm đó tôi được dịp “tháp tùng” cô Tổ trưởng Đặng Thị Ngần đến Spa Mỹ Lan. Cô Ngần hôm đó trong “trang phục” khăn choàng trắng trông thật… mát mắt!. Cô đeo hai chiếc khoen bằng vàng khá to “sắm được từ tiền thưởng Tết” rất dễ thương. Tôi được biết cô Ngần là một Tổ trưởng giỏi lại hiếu học, khi cô đã tốt nghiệp Đại học Kinh tế-Luật TP.HCM niên khóa 2008-2013, và vừa tốt nghiệp Trung cấp Kỹ thuật Cao su niên khóa 2014-2015. Cô tươi cười, nói:
– Đừng tưởng chỉ giới trẻ mới thích làm đẹp, mà công nhân mình có nhiều người “sồn sồn” rồi cũng chú trọng chuyện này. Như ở Tổ em có chị Bùi Thị Mai cũng thường chăm sóc da, làm móng, xăm lông mày, ăn mặc đẹp… nên tuổi đã 54 mà nhìn cứ ngỡ 45!
Câu nói của Tổ trưởng Ngần được mọi người vỗ tay tán thưởng, và tôi không thể không dành cho cô một “pô” hình.
Mỗi khi có dịp về công tác ở vùng cao su Bà Rịa, tôi thường ghé thăm nhà thơ Nguyễn Củ Cải. Anh cũng là một công nhân trực tiếp khai thác mủ của NT Xà Bang, thật nổi trội với “tay dao tay bút”. Kỳ này trước câu hỏi đề nghị anh cho biết quan điểm của mình về việc nữ công nhân làm đẹp – anh Nguyễn Củ Cải đã ngẫu hứng trả lời bằng một… bài thơ:
Nàng đi làm đẹp vì ta/ Phụ nữ cũng “tút” chút mà cho xinh/ Nhiều chàng ủng hộ hết mình/ Chị em cứ đẹp cứ xinh ngại gì/ Vợ tôi tính nết nhu mì/ Cho nên mắc cỡ ít khi điệu đà/ Còn tôi ủng hộ tối đa/ Nên động viên vợ cứ mà làm duyên/ Phụ nữ đẹp nhiều người khen/ Chính là hương sắc làm nên cuộc đời.

Sáu Vườn Ươm