“Phải thực sự thương công nhân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với công nhân”

CSVN – Trong hai nhiệm kỳ vừa qua, Công đoàn (CĐ) Cao su Việt Nam tạo ra nhiều dấu ấn quan trọng, đặc biệt là xây dựng được các Nghị quyết, các chương trình chăm lo rất thiết thực đến đời sống đoàn viên, CNVC LĐ. Nhân dịp Đại hội CĐ Cao su Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2023 – 2028, Cao su Việt Nam có dịp trao đổi với ông Phan Mạnh Hùng – Nguyên Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam.

Ông Phan Mạnh Hùng (hàng đứng, thứ hai từ trái qua) thăm hỏi động viên công nhân khai thác Cao su Bình Long

Xin ông cho biết, làm thế nào CĐ Cao su Việt Nam xây dựng và duy trì được các chương trình chăm lo rất thiết thực đến đời sống đoàn viên, CNVC LĐ như vừa qua, thưa ông?

Ông Phan Mạnh Hùng: Ngày về nhận nhiệm vụ tôi có nói với anh em rằng: “Tôi từ trên trời rơi xuống, để làm công tác CĐ. Đây là nhiệm vụ mà Đảng và tổ chức giao, phải chấp hành, phải làm tốt”… “Đối với công việc thì phải bàn vào, không bàn ra…”. Tôi xác định tập trung vào việc phát động các phong trào thi đua trong CNVC LĐ, đi đôi với việc củng cố tổ chức, từ tổ CĐ. Thông qua phong trào thi đua để củng cố tổ chức. Xây dựng tổ chức CĐ vững mạnh để thúc đẩy phong trào. Đích đến của các phong trào thi đua đó là: Tổ chức sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tổ chức tốt đời sống vật chất tinh thần cho công nhân lao động. Cụ thể hóa bằng những phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi”, “Thi đua nước rút về trước kế hoạch năm”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ công nhân lao động. Đi đôi với nó là khen thưởng vinh danh người lao động bằng các danh hiệu: “Công nhân Cao su Việt Nam ưu tú”, “Giải thưởng Cao su Việt Nam”, “Giải thưởng Phú Riềng Đỏ”, “Bàn tay vàng”, “Kiện tướng”, “Cán bộ CĐ xuất sắc”, “Cán bộ nữ công xuất sắc”, “Gia đình tiêu biểu”…Từ những phong trào thi đua đó đã góp phần to lớn vào việc hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh của Tập đoàn và từng đơn vị thành viên, đời sống vật chất tinh thần của công nhân lao động được tăng lên. Vượt qua những khó khăn thách thức. Tạo ra bầu không khí phấn khởi, tin tưởng, sức lan tỏa sâu rộng.

Đi đôi với việc phát động các phong trào thi đua nói trên trong 2 nhiệm kỳ vừa qua, chúng tôi đã xây dựng và triển khai 2 Nghị quyết quan trọng: Nghị quyết 6A “Đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình”, Nghị quyết 6B: “Xây dựng thiết chế văn hóa cơ sở”. Hai nghị quyết này thực sự đi vào cuộc sống công nhân lao động. Kết quả đạt được là thu nhập của công nhân tăng lên từ nguồn lương và kinh tế gia đình. Nhiều mô hình làm kinh tế gia đình hiệu quả từ trồng xen, làm vườn, chăn nuôi gia súc, gia cầm.

Số tiền thu được vài trăm triệu đồng mỗi năm, góp phần cải thiện đời sống khi giá mủ xuống thấp, tiền lương không tăng. Nghị quyết xây dựng các thiết chế văn hóa đi đôi với chương trình “Ánh sáng CĐ” đã thực sự làm thay đổi văn hóa cơ sở từ cấp tổ, đội, nông trường, công ty: Nhà văn hóa công nhân, góc CĐ, sân bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, bóng bàn, tủ sách công nhân, các phương tiện dụng cụ sinh hoạt văn nghệ, tuyên truyền nghe nhìn…

Đặc biệt chương trình “Ánh sáng CĐ” đã đến với công nhân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và các dự án phát triển cao su tại Lào và Campuchia như bể lọc nước, pin mặt trời, sân bóng chuyền, cầu lông trị giá hàng tỷ đồng được trích từ nguồn kinh phí CĐ tiết kiệm được trong hoạt động của các cấp CĐ và các nguồn vận động xã hội hóa.

Chương trình “Mái ấm CĐ” được thực hiện đạt hiệu quả từ 2012 đến nay. Đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động đóng góp cho quỹ, sử dụng đúng mục đích: xây dựng mới, sửa chữa hư hỏng nhà công nhân, hỗ trợ thiên tai bão lũ, hỗ trợ bệnh hiểm nghèo. Trong hơn 10 năm qua đã xây dựng được 719 căn, sửa chữa 67 căn và các hỗ trợ khác trị giá hàng chục tỷ đồng. Từ năm 2012 đến nay “Tháng Công nhân” được phát động và tổ chức thực hiện hiệu quả, đời sống kết hợp với Tháng Hành động vệ sinh an toàn lao động. Từ năm 2016 Tháng Công nhân kéo dài 3 tháng từ tháng 5 đến tháng 7 để các cấp CĐ có nhiều thời gian hơn, làm nhiều việc có lợi cho công nhân hơn. Toàn ngành đã chi hơn 55,6 tỷ đồng.

Hàng năm vào dịp Tết Nguyên đán tổ chức thăm hỏi tặng quà cho công nhân khó khăn toàn ngành, tổ chức Tết Sum vầy cho công nhân khối công nghiệp dịch vụ không có điều kiện về quê ăn Tết với tổng số tiền đã chi: 39,1 tỷ đồng. Tổ chức trại hè cho con em công nhân ở các khu vực, vùng miền mỗi năm 500 cháu, với kinh phí 6,2 tỷ đồng. Tham mưu lãnh đạo Tập đoàn xây dựng vận động thành lập Quỹ khuyến học 28/10, tuyên dương khen thưởng hàng năm học sinh, sinh viên xuất sắc, thi đậu các trường đại học, đạt giải cao quốc tế, quốc gia, học sinh vượt khó học giỏi với nguồn quỹ 36,8 tỷ đồng. Đã tuyên dương 4.203 học sinh, sinh viên với tổng số tiền 17,5 tỷ đồng.

Thiết nghĩ trong hoàn cảnh đời sống công nhân cao su còn khó khăn, thiếu thốn, các chương trình của CĐ cần tiếp tục duy trì và sáng tạo nhiều chương trình mới để chăm lo đời sống công nhân, Trong thời gian tới cần tập trung vào 3 đột phá: Nâng cao thu nhập cho công nhân, nhà ở và các thiết chế văn hóa. CĐ cùng với chuyên môn tìm mọi giải pháp trong tổ chức sản xuất kinh doanh hiệu quả, để nâng cao tiền lương và các thu nhập khác. Huy động mọi nguồn lực để giải quyết vấn đề đất, nhà ở cho công nhân, đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa như: nhà văn hóa công nhân, nhà truyền thống, trung tâm văn hóa thể thao, các phương tiện phục vụ vui chơi giải trí cho công nhân, đặc biệt là các đơn vị vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.

Ông Phan Mạnh Hùng (thứ hai từ trái qua) thăm hỏi công nhân Cao su Bà Rịa – Kampong Thom

Với vai trò là Chủ tịch CĐ Cao su Việt Nam 2 nhiệm kỳ vừa qua, điều để lại cho ông ấn tượng, tâm huyết nhất là gì?

Ông Phan Mạnh Hùng: Tròn 10 năm (2 nhiệm kỳ 2013 – 2018 và 2018 – 2023) làm công tác CĐ đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc về người công nhân cao su, sự nghiệp cao su. Đó là những chuyến đi về với công nhân cao su ở mọi miền Tổ quốc và nước bạn Lào, Campuchia. Được sống, làm việc, tiếp xúc, sinh hoạt, được lắng nghe tâm tình và đón nhận tình cảm chan chứa của công nhân dành cho mình. Được hỗ trợ, sẻ chia với những người công nhân khó khăn trong sản xuất, trong đời sống hàng ngày với bao vất vả lo toan. Công nhân cao su còn nghèo, một nắng hai sương chắt chiu từng giọt mủ, suốt ngày gắn bó với rừng cao su, với nhà máy.

Công nhân cao su bao đời tình nghĩa thủy chung, cho dù khó khăn trong hoàn cảnh nào vẫn kiên trung đoàn kết, chung lưng đấu cật để vượt qua. Là cán bộ CĐ đến với công nhân bằng trách nhiệm, bằng trái tim nhiệt huyết, làm tất cả những gì để động viên, chia sẻ, có lợi cho người lao động, chăm lo việc làm, thu nhập, đời sống, đại diện bảo vệ họ. Từ trái tim đến trái tim, chúng ta được đón nhận tình cảm, sự tin tưởng, gửi gắm niềm tin vào cán bộ và tổ chức CĐ. Rất nhiều điều tâm huyết song điều này có lẽ là tôi tâm đắc nhất vì CĐ đã làm được đó là đổi mới tổ chức và hình thức vinh danh thợ giỏi tại Hội thi “Bàn tay vàng” thu hoạch mủ trong toàn ngành.

Đây là hội thi mang tính truyền thống của ngành cao su và không có ngành nào có được. Hội thi là ngày hội của công nhân cao su, tổng kết phong trào thi đua “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” 2 năm một lần. Thực sự phong trào thi đua này theo tác giả “Một trăm năm cây cao su Việt Nam” – Đặng Văn Vinh thì đã có từ thời cây cao su được trồng tại các nông trường quốc doanh ở phía Bắc giai đoạn 1956-1960 đến khi có thu hoạch mủ thì mới có phong trào. Năm 1980 CĐ Cao su Việt Nam thời đó đã phát động “Luyện tay nghề, thi thợ giỏi” trong toàn ngành. Sau đó các đơn vị thành viên đã tổ chức hội thi cấp ngành mỗi năm 1 lần vào đầu mùa thu hoạch. Cho đến nay đã tổ chức 18 lần Hội thi cấp ngành. Từ năm 2016 trở về trước hội thi được tổ chức 3 môn thi: Lý thuyết, trang bị vật tư và thực hành. Giải thưởng và vinh danh tại hội thi: giải nhất, nhì, ba, khuyến khích cá nhân và đồng đội, một số giải thưởng phụ. Tôi vẫn nhớ về Hội thi năm 2014 tại Cao su Phước Hòa, nhiều thợ giỏi đi thi đạt 100/100 điểm mà không có lấy một giải thưởng nào thật buồn và đã bật khóc.

Thời tôi còn làm Bí thư Đoàn Thanh niên Cao su Bình Long được giao tổ chức Hội thi hàng năm, tôi đã đề xuất danh hiệu “Bàn tay vàng” và “Kiện tướng” dựa trên số điểm đạt được của các thí sinh. Theo đó: Nếu thí sinh đạt 100/100 điểm (tuyệt đối) công nhận “Bàn tay vàng”; thí sinh đạt 85,5 điểm (3 môn thi đạt điểm giỏi) công nhận “Kiện tướng”. Cần phải nói thêm rằng đạt được danh hiệu “Bàn tay vàng”, “Kiện tướng” một kết quả xuất sắc của cả một quá trình phấn đấu, sự khổ luyện hàng ngày trên vườn cây của người thợ, trở thành kỹ năng nghề nghiệp “Vững lý thuyết – Giỏi thực hành”. Được dự thi cấp ngành thí sinh phải vượt qua các vòng thi tuyển chọn cấp tổ, đội, nông trường, công ty. Cả đời thợ vinh dự được đi thi cấp ngành đạt được giải thưởng là niềm tự hào nhất của đời thợ.

Từ năm 2016, trên cơ sở đề nghị của Ban Thường vụ CĐ Cao su Việt Nam, Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức hội thi đã đổi mới tổ chức và vinh danh hội thi. Tại hội thi năm đó, 56 “Kiện tướng” và 23 “Bàn tay vàng” được vinh danh. Sau hội thi chúng tôi đón nhận tình cảm của Bàn tay vàng, Kiện tướng cảm ơn đổi mới của CĐ vì người lao động. Cho đến nay hội thi năm 2022 chúng ta đã vinh danh 149 Bàn tay vàng, 298 Kiện tướng. Đây là điều mà tôi tâm huyết nhất trong thời gian làm cán bộ CĐ. Tôi tâm đắc nhất: làm việc gì vì lợi ích của người lao động khó đến mấy phải gắng sức làm. Niềm vui, sự tự hào được cống hiến, trưởng thành và được vinh danh của người lao động là niềm vui và trách nhiệm của cán bộ CĐ.

Thực hiện nghị quyết Đại hội VII CĐ Cao su Việt Nam nhiệm kỳ 2013 – 2018. Tờ tin “CĐ Cao su Việt Nam” ra mắt bạn đọc ngày 26/3/2014. Từ đó đến nay đã hơn 100 số, một ấn phẩm được Tổng Liên đoàn, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương đánh giá cao về nội dung, hình thức tuyên truyền được công nhân đón chờ, một tài liệu sinh hoạt tổ CĐ. Nội dung bài vở phong phú, phản ánh trung thực phong trào công nhân, hoạt động CĐ trong toàn ngành, gương người tốt việc tốt các mô hình hoạt động, cách làm hay, cổ vũ các phong trào thi đua. Chuyển tải các nghị quyết của Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn, của ngành và của CĐ Cao su Việt Nam đến với công nhân. Đội ngũ phóng viên, cộng tác viên, biên tập viên chủ yếu là anh em và công nhân ở các đơn vị trong ngành. Một tháng 1 số phát hành trên 3000 bản/số miễn phí. Đây là ấn phẩm khẳng định một nỗ lực lớn đầy trách nhiệm của Ban Biên tập. Đội ngũ không chuyên nhưng làm việc chuyên nghiệp, đầy tâm huyết, đúng tôn chỉ mục đích “Đồng hành cùng người lao động”.

Ông bà ta thường nói “An cư mới lạc nghiệp”. Trong nhiệm kỳ 2013-2018, một trong những nhiệm vụ quan trọng mà chúng tôi thực hiện thành công đó là xây dựng trụ sở CĐ Cao su Việt Nam, tọa lạc tại 229 Hoàng Văn Thụ, phường 8, quận Phú Nhuận. Lịch sử phong trào công nhân cao su đã ghi rõ: Sau khi Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập tại Phú Riềng ngày 28/10/1929. Chi bộ đã lãnh đạo cải tổ nghiệp đoàn được thành lập trước đó thành tổ chức Công hội Đỏ, dưới sự lãnh đạo của chi bộ vận động công nhân đứng lên làm nên “Phú Riềng Đỏ” oai hùng. Lịch sử phong trào cách mạng của công nhân cao su phải chăng bắt đầu từ đó với tổ chức Công hội đỏ – tiền thân của CĐ Cao su Việt Nam ngày nay.

Vấn đề này cho đến nay vẫn còn có ý kiến khác nhau, song chúng tôi nghĩ: Lịch sử là sự thật sẽ được làm sáng tỏ. Lịch sử phong trào công nhân cao su đã ghi lại biết bao nhiêu sự kiện, chiến công của các thế hệ công nhân cao su suốt chặng đường dài lịch sử cách mạng của dân tộc xuyên thế kỷ dưới sự lãnh đạo của Đảng. Giàu truyền thống cách mạng và cũng may mắn các thế hệ cha anh chúng ta đã để lại một chút tài sản riêng của CĐ đó là thửa đất rộng hơn 400m2 ở địa chỉ trên. Nhiệm kỳ trước giao lại cho chúng tôi kế tục phải xây dựng trụ sở, đã chuẩn bị đủ mọi điều kiện được Tổng Liên đoàn phê duyệt với tổng kinh phí 73,9 tỷ đồng. Năm 2014 khởi công, năm 2017 khánh thành.

Suốt 3 năm đó, cơ quan với hơn 30 người phải thuê mướn nơi làm việc cơ quan 3 chỗ khác nhau, vô vàn gian khổ, vất vả. Trụ sở được xây dựng 8 tầng nổi, 2 tầng hầm, đầy đủ công năng, hiện đại, chất lượng, bề thế với kinh phí xây dựng hơn 67 tỷ đồng, tiết kiệm 12,2 tỷ đồng, từ kinh phí kết dư của CĐ Cao su. Đây là một tài sản lớn của công nhân cao su, các thế hệ đã để lại, một ngôi nhà chung, một địa chỉ đỏ mà các thế hệ mai sau tiếp tục viết nên những trang sử hào hùng, giữ gìn và phát huy các giá trị truyền thống đó.

Cùng với thời gian này Ban Thường vụ CĐ Cao su Việt Nam đã chủ động thực hiện tái bản bộ sách lịch sử: Lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam (1997-2000) bổ sung giai đoạn 2000-2014. Đây là việc làm có ý nghĩa lịch sử được viết tiếp với một chặng đường đầy gian nan thử thách song rất đáng tự hào của Cao su Việt Nam. Tiếp tục CĐ Cao su Việt Nam xuất bản sách “Anh hùng ngành cao su”, vinh danh 9 đơn vị và 1 cá nhân được tặng danh hiệu: Anh hùng Lực lượng vũ trang; 12 đơn vị, 3 cá nhân được tặng danh hiệu: Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 31 Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Năm 2021 phối hợp với Học viện Chính trị quốc gia và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho ra mắt bộ lịch sử: Lịch sử cao su Việt Nam 2 tập. Tập 1 (1897-1975), tập 2 (1975-2020).

Cũng năm 2021, Kỷ yếu “Bàn tay vàng Cao su Việt Nam” được xuất bản – Công trình chào mừng kỷ niệm 92 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2021). Tất cả các ấn phẩm trên được ghi lại bằng tình cảm và trách nhiệm của thế hệ hôm nay đối với lịch sử cha ông, các thế hệ công nhân cao su để lại cho thế hệ mai sau những giá trị truyền thống trường tồn của một giai cấp công nhân cao su anh hùng, cổ vũ tinh thần và sức chiến đấu cho sự nghiệp phát triển ngành cao su bền vững vì mục tiêu “Tập đoàn mạnh – Công nhân giàu”.

Chúng tôi còn 2 điều trăn trở mà làm chưa xong, xin gửi lại nhiệm kỳ sau, đó là công trình “Làng Công nhân” ở Cao su Sa Thầy – Kon Tum. Mặc dù hết sức số gắng song vướng cơ chế xây dựng cơ bản và nhiều vấn đề khác. Đã khởi công, huy động các nguồn lực: Chủ trương, đất đai, kinh phí, song đến nay chưa tiến triển. Đó là thất hứa. Xin nhận khuyết điểm. Điều thứ 2 đó là: Công trình sách “Ký ức người lính” ngành cao su. Đây là công trình có ý nghĩa lịch sử ghi lại chiến công của những người lính – người thợ cao su trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc – xây dựng ngành cao su. Các nhân chứng là các bác, các chú, các anh đến nay đã về với ông bà, tổ tiên ở thế giới bên kia, nằm lại với cao su thân thương. Tên tuổi còn đó nhưng tư liệu để viết thì thất lạc, đòi hỏi phải có thời gian. Đã đi được 2/3 chặng đường. Hy vọng cố gắng để ra mắt dịp 22/12/2023. Đã hoàn thành album với hơn 40 ca khúc “Tình ca dòng nhựa trắng”. Trong đó có 12 ca khúc truyền thống của ngành và các đơn vị thành viên.

Mùa nước rút. Ảnh: CTV

Xin ông có thể chia sẻ một vài kinh nghiệm mà ông thấy rất cần quan tâm đối với một cán bộ CĐ?

Ông Phan Mạnh Hùng: Câu hỏi này thực sự là khó, bởi đã đi qua 2 nhiệm kỳ, nhận nhiệm vụ làm cán bộ CĐ trong mình không có vốn liếng gì về kinh nghiệm nghề CĐ. Chỉ biết vì trách nhiệm với tổ chức và công nhân phải làm. “Vừa chạy vừa xếp hàng”, vừa làm, vừa học kinh nghiệm của các thế hệ tiền nhân, đặc biệt là học công nhân. Họ cần gì mình làm việc đó để đáp ứng. Với phương châm: “Đã nói thì phải làm, đã đi thì phải đến, đã bàn thì phải xong”. Tận tâm, quyết liệt thực hiện.

Cán bộ CĐ là thủ lĩnh, là người phục vụ công nhân, là máu thịt của công nhân. Họ như những đầu tàu để kéo cả đoàn tàu chạy về đích. Phải thực sự thương công nhân, cùng ăn, cùng ở, cùng làm với công nhân. Đừng bao giờ “làm quan” CĐ với công nhân.

P.V (thực hiện)