Ổn định đời sống, gắn bó lâu dài với vườn cây

CSVN – Dịch bệnh Covid – 19, giá mủ thấp đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập người lao động, trong đó đa số là công nhân (CN) đồng bào dân tộc. Việc tích cực phát triển kinh tế của các hộ gia đình đã góp phần quan trọng vào việc củng cố kinh tế để CN gắn bó lâu dài với vườn cây.

Nhờ có thêm vài trăm cây cà phê mà kinh tế gia đình chị Cham – Nông trường Đoàn Kết, Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang luôn được ổn định
Ổn định cuộc sống từ các mô hình kinh tế

Đến dự buổi lễ trao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho CN Cham ở Tổ khai thác 7, Nông trường Đoàn Kết – Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang, chúng tôi được nghe câu chuyện khá cảm động về những cây cà phê bé nhỏ đã giúp 2 mẹ con chị Cham vượt qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống. Đồng lương của chị Cham trong nhiều năm trở lại đây khá chật vật với một người mẹ đang nuôi con nhỏ, chăm sóc bố mẹ già.

Vài trăm cây cà phê trong khu vườn nhỏ đối với nhiều người chẳng đáng là bao sau mỗi mùa thu hoạch, nhưng nó lại là cứu cánh cho cả gia đình của chị Cham. Chị chia sẻ với chúng tôi: “Làm CN cao su có tháng lương thấp, có tháng lương cao, có tiền để dành là mình chăm sóc cho vườn cà phê, dù không nhiều như những CN khác, nhưng sau mỗi mùa thu hoạch cũng được vài chục triệu để trang trải mọi việc trong nhà như đóng tiền học cho con, sắm sửa đồ dùng cho gia đình”.

Đứng trước căn nhà khang trang, đẹp mắt vào tốp đầu của xóm, chúng tôi không nghĩ đây là của một vợ chồng CN nếu không được giải thích.  Hơn 11 giờ trưa, chúng tôi có mặt ở nhà CN Triệu Thị Nẩy của tổ 4, Nông trường Mo Rai I – Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray. Trong nhà chỉ có một đứa trẻ, đợt một lát, chị Nẩy xuất hiện với lời giải thích: “Đổ xong mủ, em tranh thủ tạt qua rẫy điều xem thế nào chứ vào mùa khô rồi,  dễ cháy lắm”.

Cứ nghĩ vợ chồng chị Nẩy có điều kiện, nhưng thực ra để xây được căn nhà to đẹp này là từ tiền lương làm CN và có sự đóng góp từ 5ha điều. Trao đổi với chị, chúng tôi được biết, trước đây, cuộc sống của gia đình chị rất vất vả bởi tiền lương làm CN chăm sóc chẳng được bao nhiêu.

Ngày đó, 2 vợ chồng phải chịu khó làm thêm lúa, đậu và các loại cây ngắn ngày khác  tại bờ lô, hợp thủy, nơi cao su vừa trồng mới…để có thể đảm bảo cuộc sống. Sau này, tận dụng những hợp thủy 2 vợ chồng đã trồng điều và theo năm tháng diện tích cứ tăng dần lên. Nay, tuy nguồn thu không lớn nhưng cũng là một món tiền tiết kiệm kha khá sau mỗi mùa thu hoạch.

Không chỉ trồng điều, CN của Cao su Chư Mom Ray còn phát triển nhiều mô hình kinh tế khác nhờ tận dụng lợi thế sẵn có như chăn nuôi bò thịt của CN Hà Thị Dân (20 con), Lô Văn Ngữ (22 con), Nông Thị Phương (15 con) của Nông trường Mo Rai I hay mô hình nuôi dê, heo rừng, heo sọc dưa kết hợp trồng cà phê như CN Nguyễn Viết Cường – Nông trường III, Trần Thị Lan của Nông trường II.

Cũng sôi động không kém là phong trào phát triển kinh tế của một số CN đồng bào dân tộc tại các nông trường phía bắc của Cao su Kon Tum, điển hình như chị Y Oanh của tổ khai thác 3, Nông trường Đăk H’rin. Y Oanh vừa làm CN vừa làm thôn trưởng thôn 8 xã Đăk H’rin, không những thế chị còn làm thêm khoảng 3 ha cà phê và 5 sào lúa nước. Công việc rất nhiều nhưng chị luôn hoàn thành tốt những công việc mình chọn.

“Mình phải cố gắng, nỗ lực làm thêm thì mới đảm bảo được cuộc sống. Làm CN cao su lúc tiền lương nhiều, khi tiền lương ít, nhưng nhờ có lúa nước, cà phê mà cuộc sống của gia đình mình đã ổn định và vươn lên là một trong những gia đình khá giả của thôn 8”, Y Oanh cho hay.

Nhờ nguồn thu từ 5ha điều, vợ chồng chị Triệu Thị Nẩy có được căn nhà khang trang
“Hậu phương” tốt để gắn bó lâu dài với vườn cao su

Năm 2020, đời sống CN cao su khu vực Tây Nguyên gặp rất nhiều khó

khăn do dịch Covid -19, giá mủ cao su thấp vào những ngày đầu năm. Vì vậy, kinh tế gia đình đóng vai trò then chốt và cấp thiết hơn bao giờ hết để CN có thể gắn bó lâu dài với cao su. Có thể nói, tuy tiền lương CN có lúc thấp, lúc cao nhưng nhìn chung đều cao hơn mặt bằng chung của mỗi địa phương họ sinh sống. Hầu hết CN cao su đều phát triển kinh tế gia đình, người nhiều thì vài ha cà phê, điều, người ít cũng vài trăm cây và nhiều mô hình kinh tế khác trong chăn nuôi, xen canh…

Chính những mô hình kinh tế gia đình này đã làm “hậu phương” rất tốt để CN yên tâm toàn tâm cho vườn cây su. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để có vườn cây chất lượng, năng suất và tạo nên những Bàn tay vàng tại những kỳ tham dự Hội thi Bàn tay vàng thu hoạch mủ của VRG.

Nói là kinh tế phụ, nhưng gần như đã trở thành nguồn thu nhập chính của CN trong thời gian giá mủ ở mức thấp. Và trong hoàn cảnh hiện nay, đây là nguồn kinh tế vững chắc để CN củng cố niềm tin, tiếp tục gắn bó với đơn vị.

VĂN VĨNH