CSVN – Phần lớn người lao động ở các công ty cao su trên địa bàn Tây Nguyên là đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ nhận thức còn hạn chế, phong tục tập quán còn nhiều hủ tục, đời sống còn khó khăn. Việc giúp bà con thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” để phát triển kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống trở nên cần thiết.
Đời sống ấm no nơi vùng biên
Những ngày giữa tháng 6, chúng tôi có chuyến công tác đến Trung đoàn kinh tế – Quốc phòng 710 thuộc Binh đoàn 15. Đây là đơn vị có nhiệm vụ trồng, chăm sóc và chế biến cao su trên địa bàn 4 xã của huyện biên giới Chư Prông tỉnh Gia Lai. Đến thăm một gia đình công nhân mới được tuyển dụng chừng 3 năm, đang sinh sống trong dãy nhà tập thể ở Đội 7, chúng tôi mới mắt thấy, tai nghe về sự thay đổi trong đời sống của người dân vùng biên khi vào làm công nhân cạo mủ của Trung đoàn 710.
Cả 2 vợ chồng Siu Hơi đều là thanh niên người Jarai và tiêu biểu trong lao động sản xuất. Anh Siu Hơi nói với chúng tôi về sự thay da, đổi thịt trong đời sống gia đình mình kể từ ngày được nhận vào làm công nhân: “Mình vào làm công nhân từ năm 2020, trước đó thì cả 2 vợ chồng đều bôn ba khắp nơi tìm kế sinh nhai với mức lương và thu nhập thấp, không ổn định. Từ ngày làm công nhân cạo mủ cho Đội 7, đời sống gia đình mình đã thay đổi nhiều, cụ thể lương tháng 12/2022 vợ chồng mình được gần 25 triệu đồng, số tiền này đã giúp mình trang trải rất nhiều việc như hỗ trợ cha mẹ già chữa bệnh, cho con đến trường và tích lũy…”. Chia tay Trung đoàn 710, chúng tôi đến Nông trường Ia Lâu thuộc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Sê, nơi có hơn 90 lao động là đồng bào các dân tộc Jarai, H’Mông, Thái…đang sinh sống và làm việc. Trên 746 ha cao su đang khai thác của nông trường đều tập trung ở địa bàn xã Ia Lâu, huyện Chư Prông. Trong cái nắng gay gắt của mùa hè, anh Nguyễn Hồ Phi Dũng – Giám đốc nông trường đưa chúng tôi đến tổ 1, để hiểu rõ hơn về cuộc sống của anh chị em công nhân ở một nông trường vùng biên. Chúng tôi được làm quen với chị Lý Thị Bích, người dân tộc H’Mông đến từ tỉnh Bắc Kạn, làm công nhân của nông trường được vài năm.
Chị Bích chia sẻ: “Gia đình chúng tôi vào vùng biên này lập nghiệp cũng lâu rồi, nhưng công việc và thu nhập bấp bênh lắm. Vì thế, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Năm 2019, khi nông trường tuyển dụng công nhân để khai thác mủ, chúng tôi đã xin vào làm. Ban đầu khổ lắm, nông trường phải cho mượn tạm văn phòng cũ để mọi người có nơi ăn chốn ở. Nay sau 4 năm đi cạo mủ, cuộc sống được cải thiện nhiều, gia đình tôi đã mua được đất, làm được nhà và trồng thêm hơn 2 sào lúa nước”.
Giờ đây, đến với những nông trường cao su vùng biên, hẳn ai cũng không khỏi bỡ ngỡ về sự thay da, đổi thịt trong đời sống của người dân. Những con đường nhựa trải dài, dòng điện lưới quốc gia được kéo đến tận nhà, hàng quán nhộn nhịp với hàng hóa đa dạng. Cao su đã mang đến đời sống ấm no hơn cho bà con vùng biên.
Khuyến khích và tuyên truyền để người lao động phát triển kinh tế gia đình
Làm công nhân của Đội 18, Nông trường Hòa Bình – Cao su Chư Prông nhiều năm, nhưng Kpuih Hmin vẫn chưa biết cách tận dụng lợi thế sẵn có trên vườn cao su tái canh cho đến khi cán bộ nông trường, Công đoàn công ty đi vận động, tuyên truyền bà con tích cực trồng xen lúa để nâng cao thu nhập trong tình hình giá bán mủ cao su ở mức thấp.
Trong bộ quần áo công nhân lấm lem bùn đất do vừa đi bón phân cho cao su xong, Hmin tranh thủ đi xạc cỏ trong đám lúa trồng xen. Vui vẻ tiếp chuyện chúng tôi, anh Hmin cho hay: “Trước nay mình chỉ tập trung đi cạo mủ, đâu biết làm thêm cây lúa, cây đậu trong cao su tái canh. Nhờ có cán bộ Công đoàn nông trường, công ty tuyên truyền về phong trào giúp nhau làm kinh tế gia đình và chỉ mình cách trồng lúa, trồng đậu phụng (lạc), tạo điều kiện, hỗ trợ mình về giống, kỹ thuật chăm sóc nên mình mới biết cách làm kinh tế gia đình. Vì thế, sau 2 năm trồng xen lúa giờ nhà mình lúc nào cũng có sẵn lúa gạo trong nhà”.
Hiện nay, Cao su Chư Prông có khá nhiều mô hình kinh tế gia đình để bà con tăng thu nhập như trồng xen cà phê, lúa, đậu, khai lang, chanh dây hay chăn nuôi bò, dê, lợn, gà, vịt. Mô hình này cho thu nhập khoảng 30 – 50 triệu đồng/năm, tùy thuộc vào quy mô của từng hộ gia đình.
Trong lần đi viết về đời sống người công nhân, chúng tôi được lãnh đạo Nông trường Thống Nhất – Cao su Chư Prông giới thiệu đến thôn Nhân Nghĩa của xã Ia D’răng, một thôn đang trở thành điển hình tiên tiến trong việc làm kinh tế gia đình với mô hình không hề mới nhưng hiệu quả, đó là mô hình vườn ao chuồng với vườn cỏ, ao cá và chuồng nuôi hươu lấy nhung.
Trong lần đi dự buổi trao nhà “Mái ấm Công đoàn” cho công nhân Cham ở Nông trường Đoàn Kết – Cao su Mang Yang, chúng tôi được nghe câu chuyện cảm động về những cây cà phê bé nhỏ đã giúp 2 mẹ con chị Cham vượt qua bao nhiêu khó khăn trong cuộc sống. Vài trăm cây cà phê đối với nhiều người chẳng đáng là bao sau mỗi mùa thu hoạch, nhưng nó lại là cứu cánh tốt cho cả gia đình chị.
Chị Cham chia sẻ với chúng tôi: “Nhờ sự động viên của cán bộ Công đoàn nông trường, Công đoàn công ty nói là phải tận dụng đất dư ở vườn nhà trồng cà phê, hay chăn nuôi thêm con gà, vịt gì cũng được, điều đó sẽ giúp mình có thêm thu nhập, có điều phải cố gắng nhiều hơn. Nghe lời cán bộ, về nhà mình trồng được mấy trăm cây cà phê, mỗi năm cũng thu được vài chục triệu”.
Có thể nói, tuy tiền lương có lúc thấp, lúc cao nhưng nhìn chung hầu hết công nhân cao su đều có kinh tế gia đình, người nhiều thì vài ha cà phê, điều, người ít cũng vài trăm cây cùng các mô hình kinh tế khác như chăn nuôi, xen canh…Chính những mô hình kinh tế này đã làm “hậu phương” tốt để họ toàn tâm lo cho vườn cây. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để các công ty có được vườn cây chất lượng, năng suất và tạo nên những Bàn tay vàng, những kỳ tích ở Hội thi Bàn tay vàng các cấp.
VĂN VĨNH
(Xem tiếp kỳ sau)
Related posts:
- Cao su Phước Hòa thực hiện giải pháp thực tiễn, khoa học để phát triển toàn diện
- VRG tập trung chuyển đổi số toàn diện
- Khu vực Tây Nguyên thực hiện thành công nhất mục tiêu kép
- Tổng Lãnh sự Indonesia thăm và làm việc tại VRG
- Cao su Đồng Nai đề ra chiến lược phát triển đồng bộ khi cổ phần hóa
- Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Vì sao chưa hấp dẫn nhà đầu tư chiến lược?
- Gỗ Thuận An cần tăng cường đào tạo, củng cố nhân lực
- Phấn đấu vượt 3 - 5% kế hoạch sản lượng
- Cơ khí Cao su chia cổ tức 6%
- Cao su Chư Prông quyết tâm đạt thành tích cao nhất