“Xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ vườn cây khai thác khu vực miền núi phía Bắc”

CSVNO – Đó là chỉ đạo của ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG tại Hội nghị nông nghiệp khu vực miền núi phía Bắc với chuyên đề Sơ kết đánh giá chất lượng vườn cao su kinh doanh sau 6 năm đưa vào khai thác, thu hoạch mủ và Định hướng các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng vườn cây và hiệu quả sử dụng đất đến hết chu kỳ kinh doanh, được tổ chức vào ngày 14/4, tại thành phố Lai Châu, tỉnh Lai Châu.

Đại biểu tham quan vườn cây của Nông trường Lùng Thàng, Công ty CPCS Lai Châu

Hội nghị do Công ty CPCS Lai Châu đăng cai tổ chức. Tham dự hội nghị có ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG, đại diện lãnh đạo, cán bộ Ban Quản lý kỹ thuật VRG và đại diện lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG tặng hoa chúc mừng đơn vị đăng cai

Theo báo cáo tại hội nghị, đến hết tháng 2/2023, tổng diện tích cao su khu vực miền núi phía Bắc trên 28.700 ha, trong đó 7.000 ha là diện tích vườn cây kiến thiết cơ bản, 21.000 ha là vườn cây kinh doanh. Các vườn cây cao su của khu vực miền núi phía Bắc bắt đầu khai thác từ năm 2016 cho tới nay, năng suất bình quân tăng dần theo mỗi năm từ 0,1 – 0,15 tấn/ha. Cụ thể năm 2016 năng suất 0,47 tấn/ha, đến năm 2021 năng suất bình quân tăng lên là 1,07 tấn/ha, năm 2022 là 0,97 tấn/ha.

Đại diện Ban Quản lý kỹ thuật VRG báo cáo tại hội nghị

Với diện tích cao su nói trên, các công ty dự kiến khai thác được trên 24.730 ha cho đến hết chu kỳ khai thác (tính từ năm 2023 đến hết năm 2030), năng suất bình quân dự kiến tăng dần từ 1,08 tấn/ha – 1.41 tấn/ha, với năng suất bình quân toàn chu kỳ là 1,28 tấn/ha.  

Tại hội nghị, các đại biểu đã nghe báo cáo sơ kết 6 năm đưa vào khai thác thu hoạch mủ và định hướng các giải pháp kỹ thuật nhằm tăng hiệu quả SXKD trên vườn cây cao su khu vực miền núi phía Bắc của Ban QLKT VRG. Báo cáo tham luận của Phòng nghiên cứu Sinh lý Khai thác, Viện Nghiên cứu Cao su VN về kết quả nghiên cứu chế độ cạo nhịp độ thấp và đề xuất một số phải pháp kỹ thuật tại khu vực miền núi phía Bắc. Các báo cáo tham luận của các công ty cao su đại diện cho khu vực Đông Bắc và Tây Bắc.

Đại diện các đơn vị cũng đã báo tham luận tại hội nghị

Các báo cáo xoay quanh các nội dung nhằm nâng cao nhận thức, năng lực trong quản lý, khai thác và thu hoạch mủ cao su, kỹ thuật khai thác cũng như hiện trạng vườn cây của từng đơn vị trong giai đoạn hiện nay. Các đại biểu đã tập trung chia sẻ kinh nghiệm quản lý thu hoạch mủ trong điều kiện thực tế tại các tỉnh trong khu vực mà công ty đang đóng chân. Đề xuất giải pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất cho vườn cây khai thác, xây dựng lộ trình về năng suất – sản lượng vườn cây trong giai đoạn tới, giải pháp kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý đào tạo lao động nhất là lao động là công nhân khai thác trực tiếp trên vườn cây.

Đại diện Công ty TNHH MTV Cao su Quảng Nam (đơn vị khách mời) trao đổi tại hội nghị

Các công tác quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, xây dựng đầu tư cơ sở hạ tầng, chế độ tiền lương cho NLĐ, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân địa phương, đào tạo tay nghề, đào tạo lại công nhân có tay nghề yếu, tuyển dụng lao động thiếu hụt… cũng đã được các đại biểu thảo luận, trao đổi sôi nổi, hướng đến những giải pháp hiệu quả trước khi bước vào mùa cạo mới.

Ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Lê Thanh Tú – Phó TGĐ VRG đã ghi nhận và đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc trong thời gian qua. Các công ty đã nỗ lực hết mình vì mục tiêu chung của VRG trong việc thực hiện nhiệm vụ trồng và phát triển cây cao su tại khu vực miền núi phía Bắc từ nhiều năm nay. Cây cao su đã và đang mang lại những hiệu quả nhất định trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân địa phương, góp phần tích cực vào công tác an sinh xã hội trên địa bàn các tỉnh.

Ông Lê Thanh Tú cũng lưu ý một số nội dung cụ thể để giải quyết vướng mắc, khó khăn, hướng đến nâng cao hiệu quả SXKD của các đơn vị: “Với chất lượng vườn cây hiện nay được đánh giá thấp, mật độ cây cạo không cao (từ 200 – 280 cây/ha), giống cây mẫn cảm với thời tiết khắc nghiệt của vùng… Các công ty cần nghiên cứu mật độ cạo phù hợp trên từng diện tích khai thác. Quản lý chặt chẽ quy trình kỹ thuật khai thác, đảm bảo cạo đúng, cạo đủ số lượng nhát cạo, nhất là những vườn cây bắt đầu cạo miệng úp, nhằm bảo vệ vỏ cạo, xây dựng chặt chẽ chế độ cạo cho toàn chu kỳ của vườn cây khai thác theo hướng bền vững”.

“Nghiên cứu áp dụng có hiệu quả cách làm lán trại cho công nhân lưu trú tại vườn cây, áp dụng phương pháp cạo choàng, cạo thay nhằm cạo hết cây tận thu hết mủ. Cân nhắc việc trang bị vật tư cho vườn cây cây khai thác, làm sao để trang bị đúng, đủ, tấm che chén, máng che mưa… tránh thất thoát mủ, đảm bảo chất lượng mủ khai thác. Chú trọng công tác đào tạo, nâng cao tay nghề cho công nhân khai thác, nhất là công nhân là người đồng bào, lao động tuyển mới. Chú trọng đào tạo con người, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý kỹ thuật, quản lý khai thác vườn cây” – ông Lê Thanh Tú, chỉ đạo.

“Về những giải pháp pháp khắc phục bệnh hại trên vườn cây, vườn cây bị ảnh hưởng do thời tiết, khí hậu trong khu vực, những khó khăn, vướng mắc trong quá trình quản lý đất đai, nguồn lao động, xây dựng đơn giá tiền lương, giá thành, giá bán… Trên cơ sở đã trao đổi, đánh giá hôm nay, các công ty cần có báo cáo, đề xuất cụ thể để tham mưu với Ban lãnh đạo Tập đoàn có văn bản trong lĩnh vực chuyên ngành để chỉ đạo duy trì công tác tổ chức sản xuất hiệu quả” – ông  Lê Thanh Tú, nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị

Trước đó, Đoàn công tác VRG và các công ty cao su khu vực miền núi phía Bắc đã đến tham quan các vườn cây của NT Lùng Thàng (xã Lùng Thàng, huyện Sìn Hồ); thăm Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ.

Các đại biểu tham quan Nhà máy chế biến mủ cao su Lai Châu tại xã Nậm Tăm, huyện Sìn Hồ
VŨ PHONG