VRG thực hiện phát triển 20.000 ha rừng

CSVN – Với mục tiêu tận dụng quỹ đất chuyển đổi sang cây lâm nghiệp để nâng cao hiệu quả kinh tế, bằng trồng các loại cây lấy gỗ hoặc nguyên liệu và đáp ứng tiêu chí môi trường bằng việc triển khai khoanh nuôi phục hồi rừng, trồng cây gỗ bản địa theo tiêu chuẩn FSC, VRG và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ đã hợp tác chuyển giao khoa học công nghệ, tư vấn trong lĩnh vực lâm nghiệp nhằm mục tiêu phát triển bền vững.
  Trồng keo lai lấy gỗ đem lại giá trị kinh tế cao

Trồng keo lai lấy gỗ đem lại giá trị kinh tế cao
Trồng rừng theo tiêu chuẩn FSC

Ban Quản lý Kỹ thuật VRG đã phối hợp với Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ khảo sát thực tế hiện trạng sử dụng đất nông nghiệp của Tập đoàn. Các công ty đại diện được lựa chọn khảo sát bao gồm: khu vực Đông Nam bộ (Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Nai, Hòa Bình); Tây Nguyên (Chư Sê, Chư Păh, Mang Yang, Chư Momray); Duyên hải miền Trung (Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Trị, Hương Khê – Hà Tĩnh).

Trên cơ sở các loại hiện trạng đất của VRG, Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ đã đưa ra phương án tổng quát cho từng mô hình tương ứng với từng loại đất chuyển đổi, giải pháp thực hiện và khả năng phục hồi rừng đáp ứng mục tiêu rừng bảo tồn, chi phí và thời gian dự kiến thực hiện cho việc trồng cây gỗ bản địa.

Tổng diện tích đất nông nghiệp của VRG hiện nay là trên 492.443 ha. Trong đó, diện tích có thể chuyển đổi sang cây lâm nghiệp, khoanh nuôi tái sinh rừng và trồng cây bản địa là 50.331 ha. Ngoài ra, còn quỹ đất 3.200 ha cao su thiết kế giãn hàng, bao gồm 2.741 ha trồng keo lai và khoảng 459 ha chưa sử dụng tại Đông Nam bộ và Tây Nguyên, Quảng Trị cũng xem xét chuyển đổi.

Ông Hà Văn Khương – TV HĐQT, Trưởng Ban Quản lý Kỹ thuật VRG, cho biết: “Việc chuyển đổi từ đất trồng cao su sang các loại đất khác, trong đó có chuyển sang trồng cây lâm nghiệp đã diễn ra từ 3 – 5 năm trước tại Cao su Bình Long (trồng trên đất chờ thực hiện khu công nghiệp, cao su hàng kép), Bình Thuận, Lộc Ninh, Hòa Bình (trồng xen trên vườn cao su ngưng đầu tư), Quảng Trị (đất hoán đổi)… Nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp có xu hướng tăng lên để thực hiện các chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC, PEFC…”.

Chỉ thực hiện khi phương án thật sự hiệu quả

Ban Quản lý Kỹ thuật VRG và Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ đã đưa ra phương án thống nhất. Các công ty Tây Nguyên có cao trình >700 như Mang Yang, Chư Sê, Chư Prông sẽ trồng cây lâm nghiệp trên diện tích cao su tái canh để nâng cao hiệu quả trên đơn vị diện tích cao su và có tác dụng phòng hộ (chắn gió, hạn chế bệnh) cho cây cao su. 2 phương án thực hiện như sau: thứ nhất, trồng cây lâm nghiệp dưới hình thức trồng xen cây cao su trồng thuần tập trung, thiết kế 7 x 2,5m đảm bảo 500 cây/ha; cây lâm nghiệp theo đai, theo bang, trồng quanh lô. Thứ hai, chuyển đổi hẳn sang trồng cây gỗ lớn (gỗ xẻ).

Các công ty Bình Thuận, Đồng Nai, Lộc Ninh, Bình Long sẽ thực hiện kế hoạch chuyển đổi trồng thuần cây lâm nghiệp trong năm 2020. Các công ty phải có phương án trình Tập đoàn chấp thuận trước khi thực hiện, cần có sự tư vấn kỹ thuật canh tác và giống của Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam bộ. Chỉ thực hiện khi phương án thật sự hiệu quả, cây lâm nghiệp được chọn phù hợp và có lợi thế so sánh với cây cao su trong cùng điều kiện.

“Về loại cây lâm nghiệp được chọn, đối với gỗ xẻ, xem xét các loại cây có chu kỳ kinh doanh trong khoảng 7 – 10 năm, có thị trường tiêu thụ, có giá trị, dễ canh tác như tràm bông vàng, gáo vàng, keo lai. Ưu tiên trồng các khu vực có điều kiện thuận lợi về giao thông, nguồn tiêu thụ như Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Bình Thuận. Các khu vực khác xem xét trồng gỗ nguyên liệu cho công nghiệp gỗ nhân tạo, giấy… với chu kỳ kinh doanh 4 – 5 năm” – ông Khương cho biết.

TUỆ LINH