“Gà mẹ đẻ gà con” – Hướng đi phù hợp cho chương trình phát triển cao su tại Tây Nguyên

CSVN – “Nhìn lại chặng đường 40 năm đưa cây cao su lên Tây Nguyên, có thể khẳng định tầm nhìn chiến lược của lãnh đạo ngành cao su với giải pháp “gà mẹ đẻ gà con” vẫn còn nguyên giá trị. Với giải pháp này, chỉ trong 3 năm (1983 – 1985) Tổng Cục Cao su đã có thêm 5 đơn vị thành viên”. Là người trực tiếp tham gia dự án ngay những ngày đầu, ông Lê Minh Châu – Nguyên Phó TGĐ VRG chia sẻ.

Ngoài Công ty Cao su Krông Buk, Công ty Cao su Dầu Tiếng cũng “đưa quân” lên đặt nền móng cho Công ty Cao su Chư Sê. Trong ảnh: Ông Hồ Văn Ngừng – Giám đốc Công ty Cao su Chư Sê (bìa phải) trên vườn cây năm 1989.
Từ chủ trương đúng đắn

So với các tỉnh khác, mật độ dân số ở các tỉnh Tây Nguyên còn thấp, đất đai phì nhiêu, thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên do tập quán canh tác lạc hậu, du canh du cư, cơ cấu cây trồng không phù hợp… nên đời sống của người dân còn nghèo. Chính vì vậy, đầu năm 1983, ông Võ Văn Kiệt – Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng tổ chức hội nghị rất quan trọng bàn về phát triển cao su trên vùng đất Tây Nguyên tại Dầu Tiếng

Lúc đó, ông Võ Văn Kiệt đánh giá, cao su là ngành kinh tế mũi nhọn trong lĩnh vực nông nghiệp nước ta cho nên ông đã đặt vấn đề với Tổng Cục Cao su (nay là Tập đoàn Công nghiệp Cao su VN) bằng mọi cách, bằng mọi giá phải đưa cho được cây cao su lên Tây Nguyên nhằm mục đích làm cho cuộc sống của đồng bào dân tộc Tây Nguyên đỡ khổ hơn.

Trên tinh thần chỉ đạo của Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt, giữa năm 1983, Tổng Cục Cao su VN đã tổ chức hội nghị bàn về chủ trương đầu tư cao su lên Tây Nguyên tại Nông trường Xà Bang (thuộc Công ty Cao su Đồng Nai lúc bấy giờ). Tại hội nghị này, các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp đưa cây cao su lên Tây Nguyên. Trong đó chú Tư Nguyện đã kết luận thực hiện theo giải pháp “gà mẹ đẻ gà con”. “Tôi cho rằng, kết luận này đã mang tầm chiến lược đặc biệt cho sự thành công của tiến trình đưa cây cao su lên vùng Tây Nguyên chiến lược.

Nội dung giải pháp này nêu rõ, mỗi đơn vị ở khu vực miền Đông Nam bộ phải thành lập 1 hoặc 2 công ty cao su tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai và Kon Tum”, ông Lê Minh Châu chia sẻ.

Ông Lê Minh Châu khi còn làm Giám đốc Công ty Cao su Krông Buk thời kỳ “gà mẹ đẻ gà con”.
Đến cách làm hiệu quả

Nói là làm, theo sự chỉ đạo của lãnh đạo Tổng Cục Cao su, cuối năm 1983 các đơn vị khu vực miền Đông Nam bộ đã thành lập ngay các đoàn công tác lên Tây Nguyên phối hợp với chính quyền địa phương để khảo sát, lập dự án chi tiết và triển khai thực hiện.

Theo đó, Công ty Cao su Phước Hòa triển khai 2 dự án là Công ty Cao su Mang Yang và Kon Tum; Công ty Cao su Dầu Tiếng triển khai 2 dự án là Công ty Cao su Krông Buk và Chư Sê; Công ty Cao su Đồng Nai triển khai 1 dự án là Công ty Cao su Ea H’leo.

Ông Lê Minh Châu vẫn nhớ như in, ngày 25/12/1983, cùng với 16 thành viên khác của Công ty Cao su Dầu Tiếng ông đã lên đường đến xã Phú Lộc, huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk để đặt nền móng cho Công ty TNHH MTV Cao su Krông Buk và Chư Sê (tại Gia Lai) ngày nay. Đến năm 1985, các công ty con đã định hình được quy mô phát triển, bộ khung cán bộ cũng đã được định hình. Chính vì vậy, đến năm 1985, xét thấy các đơn vị tại Tây Nguyên đã ổn định, nên Tổng Cục Cao su quyết định tách khỏi công ty mẹ về trực thuộc Tổng Cục Cao su. Từ đó cho thấy, ý nghĩa của giải pháp “gà mẹ đẻ gà con” đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Gần 40 năm trôi qua, giờ nhìn lại mới thấy tầm nhìn chiến lược của Chính phủ, của lãnh đạo ngành cao su lúc bấy giờ. Và các thế hệ tiếp nối đã và đang thực hiện tốt 2 nhiệm vụ song song là phát triển kinh tế xã hội và đảm bảo an ninh của Tổ quốc nói chung. “Tôi cho rằng, việc đưa cây cao su lên địa bàn Tây Nguyên đã thể hiện rõ vai trò của Tổng Cục Cao su lúc bấy giờ, cụ thể: thứ nhất, cây cao su đã làm cho đời sống đồng bào dân tộc ổn định và khá hơn; thứ 2 là góp phần đảm bảo an ninh quốc phòng trên địa bàn; thứ 3 là góp phần thúc đẩy an sinh xã hội. Có thể nói, cây cao su trồng thành công trên địa bàn này không chỉ giúp người dân có cuộc sống khá hơn, mà ở đó – nơi nào có các công ty cao cao su đóng chân thì ở đó có y tế, có đường giao thông, có trường học và có điện.

NG. CƯỜNG (ghi)