CSVN – Năm 2020, Công ty CPCS Bà Rịa tiếp tục phát triển theo hướng bền vững và toàn diện, đặc biệt chú trọng tăng cường bảo vệ môi trường, xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững.
Tập trung các mục tiêu chiến lược
Năm 2019, công ty gặp nhiều khó khăn do giá bán mủ cao su giảm sâu, khí hậu bất thường, mùa mưa đến muộn và chấm dứt sớm đã ảnh hưởng đến công tác khai thác mủ. Ngoài ra, lao động khai thác mủ cao su khó tuyển dụng do khu công nghiệp trên địa bàn đã thu hút một lượng lớn lao động cũng ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch khai thác nhưng nhờ sự quyết tâm, nỗ lực của toàn thể NLĐ, công ty đã hoàn thành nhiệm vụ SXKD.
Năm 2020, công ty phấn đấu tiêu thụ 11.600 tấn mủ cao su, trong đó xuất khẩu 4.000 tấn, còn lại tiêu thụ trong nước. Dự kiến, tổng doanh thu gần 422 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 54,161 tỷ đồng, nộp ngân sách Nhà nước hơn 33,2 tỷ đồng.
Để phát triển công ty theo hướng bền vững và toàn diện, lãnh đạo công ty đã đưa ra chiến lược phát triển trong tình hình mới, đặc biệt chú trọng 2 đột phá đó là: Tăng cường bảo vệ môi trường, thực hiện xây dựng doanh nghiệp phát triển bền vững (FSC) và tập trung thực hiện mục tiêu đa dạng hóa lĩnh vực sản xuất kinh doanh, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát huy hiệu quả sử dụng đất.
Xây dựng công ty phát triển bền vững
TGĐ công ty Huỳnh Quang Trung cho biết, đến nay việc thực hiện chứng nhận doanh nghiệp bền vững năm 2020, công ty đã tiến hành các thủ tục nộp hồ sơ hoàn tất về VCCI. Công ty đã xây dựng Phương án Quản lý rừng bền vững, hoàn thành việc Xây dựng Bản đồ số hiện trạng rừng để phục vụ cho công tác cấp chứng chỉ rừng bền vững và công tác quản lý rừng bền vững sau này.
Diện tích cấp chứng chỉ rừng và xây dựng bản đồ số là 2.500 ha. Diện tích còn lại công ty xây dựng và quản lý rừng là vùng trồng có kiểm soát. Công ty cùng với các đơn vị tư vấn đang đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện cấp chứng chỉ rừng và cấp chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm theo đúng thủ tục và thời gian quy định.
Nhằm thực hiện có hiệu quả và bền vững diện tích rừng cao su tại công ty đã được các cấp giao quản lý, công ty đã cùng với đơn vị tư vấn là Viện Nghiên cứu Lâm sinh xây dựng phương án và đã được tham vấn cộng đồng của các bên có liên quan đồng tình ủng hộ. Công ty đã có tờ trình gửi Tập đoàn phê duyệt phương án quản lý rừng cao su bền vững giai đoạn 2021-2045, theo đó tổng quản lý đất đai đến 1/1/2020 của công ty là 8.608,81 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp 8.521,37 ha, đất trồng cây lâu năm (cao su) 8.407,72 ha…
Phương án được công ty xây dựng nhằm tăng cường và nâng cao vai trò, trách nhiệm công tác quản lý bảo vệ rừng cao su hiện có, nâng cao năng suất và chất lượng mủ, gỗ cao su, hướng tới quản lý và kinh doanh rừng cao su theo tiêu chuẩn quản lý rừng bền vững của Việt Nam và quốc tế, đồng thời tạo việc làm cho NLĐ và người dân địa phương.
Đặc biệt, nâng cao độ che phủ của rừng, bảo vệ nguồn nước chống xói mòn, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần chống biến đổi khí hậu và phát triển kinh tế xã hội trong khu vực. “Công ty phấn đấu đạt năng suất vườn cây trung bình 1,72 tấn/ha/năm, diện tích trồng tái canh rừng cao su bình quân 290 ha/ năm; Lợi nhuận đạt từ 40 tỷ đồng/năm trở lên từ hoạt động kinh doanh mủ và gỗ cao su. Diện tích xin cấp chứng chỉ quản lý rừng VFCS, chứng chỉ chuỗi hành trình sản phẩm CoC là 2.548,48 ha”, ông Trung thông tin thêm.
BÌNH AN
Related posts:
- Ông Trần Công Kha giữ chức Chủ tịch HĐQT, ông Lê Thanh Hưng giữ chức Tổng Giám đốc VRG
- Cao su Bình Long tuyên dương, khen thưởng 184 học sinh giỏi tiêu biểu
- Cao su Chư Sê: Hình thành dự án nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực rừng khộp Ia Mơr
- "Tập trung củng cố vườn cây và chăm lo cho người lao động"
- Cao su Chư Mom Ray về trước kế hoạch sản lượng 33 ngày
- Indonesia: Nhà máy cao su ngưng hoạt động do chuyển đổi đất đai
- Chuyện làm dân vận ở Nông trường K’dang
- Vượt khó để tăng thu nhập cho người lao động
- Trả lương tối thiểu vùng: Khó khăn trong tổ chức thực hiện
- Cao su Dầu Tiếng góp phần cùng địa phương xây dựng nông thôn mới