MDF VRG Kiên Giang: Nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật làm lợi trong sản xuất

CSVN – Trong số 64 sáng kiến được triển khai trong phong trào sáng kiến sáng tạo của Công ty Cổ phần MDF VRG Kiên Giang, đáng chú ý có 2 sáng kiến của Nhóm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) thuộc Phòng Quản lý chất lượng công ty được đánh giá rất cao trong việc giảm được chi phí tiêu hao nguyên liệu, giải quyết được vấn đề thiếu gỗ nguyên liệu đầu vào cho nhà máy.

Dây chuyền sản xuất tại nhà máy.
Tiết kiệm keo trong sản xuất các dòng ván ép nhân tạo

Nhận thấy xu hướng tiêu dùng của khách hàng mong muốn là giảm giá bán, nhóm R&D đã nghiên cứu và tìm ra các giải pháp nhằm giảm thiểu chi phí sản xuất trong đó nổi bật là kiểm soát mức tiêu hao keo (một loại nguyên liệu không thể thiếu trong sản xuất ván gỗ nhân tạo) dựa trên nguyên lý vận hành của dây chuyền. Tăng độ ẩm ván, kiểm soát sợi thô – mịn ở mức tối ưu, kiểm soát lượng tiêu hao keo với tiêu chuẩn phù hợp cho quá trình vận hành sản xuất. Làm sao giảm giá thành sản xuất, sản phẩm làm ra vẫn đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Điển hình khi áp dụng phương pháp này vào sản xuất các dòng sản phẩm như: HMR E2 17.0mm, HMR 6.0mm, HMR 6.0mm và HMR 9.0mm, HDF HMR 17.0mm HMR 15.0mm, HMR 15.0mm… đã giảm thiểu được lượng tiêu hao keo từ 8 – 10 kg/m3 ván ép, giúp tiết kiệm chi phí sản xuất ván ép từ 100 – 165 nghìn đồng/m3.

Thay đổi công thức gỗ, giải quyết áp lực thiếu nguyên liệu đầu vào

Trong quý II năm 2022, do nhiều nguyên nhân khách quan, khiến nguồn nguyên liệu gỗ keo lai khan hiếm, làm cho việc sản xuất dòng ván HMR E2 17.0mm gặp không ít khó khăn, vì sản xuất dòng sản phẩm chủ lực này cần tỷ trọng lớn gỗ keo lai vốn có đặc tính ổn định về cấu trúc gỗ. Trong khi đó, lượng tràm nước dự trữ tại bãi chứa nguyên liệu của nhà máy còn nhiều, gỗ bạch đàn thì có xu hướng giảm.

Qua ước tính cho thấy tổng lượng keo lai nhập trên tổng nhu cầu sử dụng trong 1 tháng là 9.200/12.000 tấn (chỉ đáp ứng được khoảng 70%). Đối với gỗ bạch đàn thì tổng lượng nhập kho trên tổng nhu cầu trong 1 tháng là 4.000/4.300 tấn (chỉ đáp ứng khoảng 93%). Đứng trước khó khăn trên, nhóm R&D đã đề ra giải pháp là sử dụng phương thức phối trộn 3 loại nguyên liệu gỗ gồm: Bạch đàn, tràm nước và keo lai theo tỷ lệ mới nhằm giảm bớt áp lực do thiếu hụt nguyên liệu cho nhà máy.

Với nhiều thử nghiệm liên tục nhà máy MDF nhóm đã tìm ra giản đồ nhiệt, lực tối ưu cho việc kết hợp 3 loại nguyên liệu trên. Chuyển đổi từ công thức ban đầu là: 75% gỗ keo lai + 25% gỗ bạch đàn sang 50% gỗ keo lai + 50% (theo tỷ lệ 2 gỗ tràm nước + 1 gỗ bạch đàn). Công thức trên cho thấy việc thêm gỗ tràm nước đã đồng thời giải quyết được lượng tồn lưu bãi tương đối lớn, cân đối giữa các loại gỗ. Lượng ván sản xuất ra giảm được độ trương nở của ván ép từ khoảng 5,75% xuống mức 5,2%. Sản phẩm ván làm ra mang đặc tính cơ lý tương đối ổn định, đáp ứng rất tốt nhu cầu của khách hàng.

Với việc áp dụng có hiệu quả những sáng kiến cải tiến kỹ thuật kịp thời trong sản xuất, công ty đã vượt qua khó khăn, đạt được những kết quả SXKD khả quan trong năm 2022. Năm 2023 công ty sẽ tiếp tục nghiên cứu áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong công tác sản xuất các dòng sản phẩm mới như: HDF CARB 20.0mm sợi siêu mịn, ván chống ẩm mới LMR E2 17.0mm. Nâng cao hơn nữa công suất, năng lực chế biến của nhà máy, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ, hoàn thành mọi chỉ tiêu được giao.

PHONG VŨ