Phải xây dựng thương hiệu gỗ cao su Việt Nam

CSVNO – Đó là kết luận của TGĐ VRG Trần Ngọc Thuận tại Hội nghị “Thực trạng và giải pháp phát triển ngành gỗ cao su” được Ban Công nghiệp VRG tổ chức ngày 30/3.
Chủ trì hội nghị
Lãnh đạo VRG chủ trì hội nghị

Theo ông Thuận, ngành gỗ là ngành có tiềm năng phát triển rất lớn của thế giới và Việt Nam. Nhưng thời gian qua, gỗ cao su tinh chế của VRG chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ là làm thuê, gia công các đơn hàng với lợi nhuận thấp. “Ngay sau hội nghị này, lãnh đạo VRG giao cho Ban Công nghiệp đề xuất xây dựng thương hiệu gỗ cao su VN, cùng với việc tham mưu chứng nhận chứng chỉ rừng bền vững. Nếu có chứng chỉ này, giá bán cao hơn ít nhất 5% và không có chứng chỉ không thể mở rộng thị trường. Đề nghị Hiệp hội Cao su VN kết nối cho các công ty gỗ tham gia các hội chợ ngành gỗ quốc tế hàng năm để mở rộng thị trường tiêu thụ”, TGĐ chỉ đạo..

Thanh lý gỗ cao su. Ảnh: Kim Chi.
Thanh lý gỗ cao su. Ảnh: Kim Chi.

Ông Thuận còn cho biết, nguồn nguyên liệu gỗ sẽ có xu hướng giảm dần, đến giai đoạn 2020 – 2025 chỉ còn khoảng 50% so với hiện nay (VRG thanh lý khoảng 10.000 – 12.000 ha cao su mỗi năm, tương đương 1 triệu – 1,2 triệu ster gỗ). Do vậy, lãnh đạo VRG giao Ban Kế hoạch Đầu tư nghiên cứu, điều phối giải quyết để các đơn vị có nguồn nguyên liệu ổn định. Dựa vào hiệu quả sử dụng gỗ của các đơn vị trong ngành để phân bổ cho hợp lý.

Bên cạnh đó, các công ty gỗ cần tăng cường liên kết với các công ty cao su để đảm bảo nguồn nguyên liệu gỗ trong thời gian sắp tới, khi diện tích cao su thanh lý ngày càng hạn hẹp. Đồng thời đẩy mạnh tìm kiếm quỹ đất để trồng xen canh cây nguyên liệu để đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu gỗ, điển hình như Công ty CP Gỗ MDF VRG Dongwha đã được UBND tỉnh Bình Phước thống nhất tạo điều kiện về quỹ đất 2.000 ha nhằm phát triển vùng nguyên liệu cho nhà máy đảm bảo ổn định và bền vững.

Quang cảnh Hội nghị ngành gỗ
Quang cảnh Hội nghị 

Được biết, Việt Nam có hơn 4.000 doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gỗ ra thị trường thế giới, nhưng chỉ có 7% doanh nghiệp tiếp cận được với những đơn hàng lớn từ các khách hàng Mỹ, Nhật Bản, Châu Âu… Hiện tại, VRG có 15 công ty sản xuất gỗ, với 18 nhà máy sản xuất trải dài ở Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung và Đồng bằng Sông Cửu Long, với tổng công suất 927.680 m3/năm. Gồm các chủng loại: MDF (555.000 m3/năm), sơ chế (320.000 m3/năm), ghép tấm (33.360 m3/năm), tinh chế (18.720 m3/năm).

Năm 2016, ngành chế biến gỗ đạt doanh thu 5.060 tỷ đồng, đem về lợi nhuận cho VRG 418,1 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận từ sản phẩm MDF chiếm tỷ lệ khá cao đạt 349,8 tỷ đồng (chiếm 80%), phần còn lại là gỗ phôi và ghép tấm, lợi nhuận từ sản xuất gỗ tinh chế là rất thấp do chưa tạo được thương hiệu nên không xuất bán trực tiếp ra thị trường, chủ yếu là gia công cho các đơn hàng của các công ty nước ngoài.

Chế biến sản phẩm gỗ cao su. Ảnh: Ngô Thị Thu Ba.
Chế biến sản phẩm gỗ cao su. Ảnh: Ngô Thị Thu Ba.

Ông Lê Xuân Hòe – Phó TGĐ VRG, nhận xét: “Trong thời gian qua, sự liên kết và hợp tác của các công ty gỗ trong ngành khá rời rạc để mở rộng thị trường, năng lực cạnh tranh của các công ty gỗ trong tập đoàn còn yếu. VRG chưa làm tốt công tác hỗ trợ liên kết giữa các công ty sản xuất gỗ trong công tác định hướng sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, đánh giá xu hướng mở rộng thị trường cho các công ty. Tháng 1/2017 vừa qua, lãnh đạo VRG đã giao cho Ban Công nghiệp chủ trì tổ chức cho các công ty gỗ ở khu vực Đông Nam bộ tham quan, học tập, đến từng công ty trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau”

Theo ông Hòe, để mở rộng thị trường gỗ của VRG, trong thời gian tới ngoài việc chủ động nguồn nguyên liệu cần phát triển mạnh ngành công nghiệp gỗ theo hướng cơ cấu lại ngành chế biến gỗ, tập trung phát triển những mặt hàng trọng điểm. Đặc biệt, phải triển khai xây dựng thương hiệu cho ngành gỗ cao su tinh chế của tập đoàn.

Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe phát biểu tại hội nghị
Phó TGĐ VRG Lê Xuân Hòe phát biểu tại hội nghị

Trên cơ sở định hướng kế hoạch năm 2020, giai đoạn 2016 – 2020 sản lượng gỗ phôi từ 355.000 m3 giảm xuống còn 330.000 m3. Gỗ ghép tấm từ 23.700 m3 tăng lên 29.500 m3. Gỗ tinh chế từ 10.500 m3 tăng lên 13.238 m3. Gỗ MDF từ 568.500 m3 tăng lên 910.000 m3. Tổng doanh thu ngành gỗ trong giai đoạn này từ 5.510 tỷ đồng tăng lên 7.860 tỷ đồng, lợi nhuận ngành gỗ đến năm 2020 ước đạt 1.201 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện các công ty sản xuất gỗ tỏ ra lo lắng khi cho rằng, theo hiệp định FLEGT-VPA đã được ký kết ngày 18/11/2016 giữa Việt Nam và EU, từ năm 2017, các sản phẩm gỗ nhập khẩu vào EU phải được chứng nhận về nguồn gốc. Ngoài ra, tại một số thị trường lớn tại Mỹ, Canada, Úc… đều có yêu cầu xác nhận nguồn gốc gỗ hợp pháp. Các sản phẩm gỗ hợp pháp sẽ xâm nhập nhiều thị trường tiềm năng và có xu hướng giá trị gia tăng. Vì vậy, sản phẩm gỗ được xác nhận nguồn gốc là điều kiện cần thiết trong xu thế mở rộng thị trường hiện nay.

Về vấn đề này, ông Trần Minh – Trưởng Ban Công nghiệp VRG, cho biết, bộ tiêu chuẩn rừng bền vững VN sẽ ban hành vào năm 2018, trước mắt Ban Công nghiệp VRG sẽ tìm hiểu và hỗ trợ các công ty trong việc thực hiện các quy định của Nhà nước về quản lý rừng bền vững và thực hiện các chứng chỉ về CoC (chuỗi hành trình sản phẩm), FM (rừng bền vững) và chứng chỉ PEFC (chương trình phê duyệt các quy trình chứng chỉ rừng)…

Tiến tới xây dựng chương trình để được cấp chứng chỉ PEFC-CoC dành cho các công ty chế biến gỗ nhằm gia tăng giá trị sản phẩm. Các công ty cao su là một bộ phận quan trọng trong chuỗi hành trình sản phẩm, do đó cần quan tâm thực hiện tốt các yêu cầu về chuỗi hành trình sản phẩm để được cấp chứng chỉ PEFC-FM dành cho các đơn vị trồng và khai thác rừng (cao su) nâng cao giá trị nguyên liệu gỗ cao su, tăng lợi nhuận cho công ty.

Ngọc Cẩm