Sản xuất chế biến gỗ: Tiềm năng tăng trưởng vẫn còn nhiều

CSVN – Cũng như những ngành nghề khác, các đơn vị sản xuất và chế biến gỗ trực thuộc VRG đã xây dựng nhiều giải pháp phục hồi sau đại dịch để tăng sức cạnh tranh với thị trường, sản phẩm gỗ trong và ngoài nước. Tiềm năng tăng trưởng của ngành gỗ được xác định vẫn còn nhiều. Do vậy, VRG tiếp tục tăng cường đầu tư cho hoạt động sản xuất ngành gỗ trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Sản xuất gỗ tại Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An
Xây dựng các chỉ tiêu tăng trưởng hơn so với năm 2021

Trong vài năm trở lại đây, ngành gỗ đã đóng góp vào doanh thu, lợi nhuận của VRG với tỷ lệ ngày càng quan trọng. Cụ thể năm 2021, ngành gỗ đã đóng góp 17% doanh thu và khoảng 16% lợi nhuận toàn VRG. Là 1 trong 5 ngành nghề chính và có nhiều lợi thế để phát triển mạnh hơn nữa, năm 2022 tuy được dự báo còn vô vàn những khó khăn, thách thức, nhất là diễn biến của dịch bệnh Covid – 19 còn phức tạp, tuy nhiên trên những nền tảng hiện có, VRG đã xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển ngành gỗ có tăng trưởng so với năm 2021. Dự kiến tổng doanh thu ngành gỗ năm 2022 là 8.357 tỷ đồng (tăng 15% so với 2021), lợi nhuận trước thuế phấn đấu đạt 824 tỷ đồng (tăng 6% so với năm 2021).

Về khối lượng, năm nay, VRG xây dựng chỉ tiêu của ngành gỗ sản xuất được 1,39 triệu m3 sản phẩm gỗ các loại. Trong đó, có 293.260 m3 gỗ phôi (tăng 22% so với năm 2021), gỗ ghép tấm là 12.200 m3 (tăng 42% so với 2021), gỗ tinh chế là 12.340 m3 (tương đương năm 2021) và MDF – MFB là 1.071.792 (tăng 7% so với năm 2021).

Hiện nay, VRG đã có 12 công ty trồng cao su có chứng chỉ VFCS/PEFC –FM và 2 công ty đang thực hiện CoC PEFC là Công ty Gỗ Dầu Tiếng và Công ty Gỗ Tây Ninh (dự kiến tháng 6 hoàn thành đánh giá cấp chứng chỉ). Với các chứng nhận đó trong thời gian tới VRG sẽ tạo được chuỗi giá trị cao su từ khâu trồng, chăm sóc và sản xuất đồ gỗ có chứng chỉ rừng bền vững theo tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế, đáp ứng các yêu cầu về các hiệp định thương mại cũng như việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và chứng minh nguồn gốc gỗ hợp pháp….

Ông Trương Minh Trung – Phó TGĐ VRG cho biết: “Để thúc đẩy ngành gỗ phát triển, trong thời gian tới VRG sẽ tổ chức hội nghị đánh giá công tác hoạt động của ngành gỗ và đề ra những giải pháp để tái cơ cấu ngành gỗ. Trong đó sẽ tập trung các giải pháp để nâng cao hiệu quả hoạt động các nhà máy sản xuất gỗ, nhất là các nhà máy sản xuất gỗ phôi, ghép tấm và tinh chế, cơ cấu lại các công ty kém hiệu quả… VRG sẽ hỗ trợ công tác quản lý điều hành, công tác phối hợp với các đơn vị trực thuộc về kỹ thuật, công nghệ, thị trường cho các công ty gỗ thành viên. Bên cạnh đó, các công ty cần phải chủ động xây dựng chiến lược và giải pháp để thực hiện nhằm đảm bảo thực hiện đạt mục tiêu đề ra”.

“Các công ty cần tăng cường chào bán sản phẩm, giữ chân những khách hàng truyền thống, phát triển thêm khách hàng mới thông qua đẩy mạnh marketing, quảng cáo trên các trang website chuyên ngành và tạp chí, chỉnh sửa và cập nhật thường xuyên website và catalogue của công ty. Để nâng cao năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng đều trong ngành, dự kiến sắp tới ngành gỗ sẽ tổ chức các đợt tham quan học hỏi lẫn nhau, tạo sự liên kết của các công ty, làm cầu nối xây dựng thương hiệu của các công ty gỗ thành viên trên thị trường Việt Nam và quốc tế”, ông Trung chia sẻ thêm.

Vườn keo lai của Công ty CP MDF VRG Kiên Giang trồng nhằm chủ động nguồn nguyên liệu trong sản xuất
Xây dựng các giải pháp để chủ động trong mọi tình huống

Xác định năm 2022 là một năm vẫn còn nhiều khó khăn cho ngành chế biến gỗ, tuy nhiên không phải vì khó khăn mà các đơn vị e dè khi xây dựng kế hoạch chỉ tiêu thực hiện. Các đơn vị không thể thụ động chờ điều kiện thuận lợi để hoạt động mà buộc phải thích ứng trong tình hình mới, xây dựng nhiều giải pháp cụ thể trong từng lĩnh vực, từng tình huống để có thể “xuôi chèo mát mái” trong hoạt động SXKD, thực hiện tốt mục tiêu kép.

Năm 2021 khó khăn là vậy, có những thời điểm bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid – 19 khiến xí nghiệp chế biến tại Thuận An, Bình Dương phải tạm ngưng sản xuất nhưng vượt lên trên hết là sự đồng lòng và linh hoạt, năng động trong việc áp dụng các giải pháp đã giúp cho Công ty CP Chế biến Gỗ Thuận An đã thực hiện tốt nhiệm vụ. Năm 2022, kế thừa những thuận lợi hiện có và năng lực của đơn vị, công ty đã xây dựng doanh thu gần 570 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 21,7 tỷ đồng, tỷ lệ tăng lần lượt so với năm 2021 là 7% và hơn 10%. Tỷ lệ chia cổ tức năm 2022 được xây dựng là 11%, cao hơn 30% so với năm 2021.

Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ công ty chia sẻ: “Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong năm 2022, công ty đã xây dựng các nhóm giải pháp, trong đó tập trung vào việc nghiên cứu ứng dụng công nghệ 4.0 vào quản lý sản xuất, bán hàng và phát triển sản phẩm. Ứng dụng công nghệ 3D vào giới thiệu sản phẩm với khách hàng. Duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001- 2015 và hệ thống chuỗi hành trình sản phẩm FSC – CoC. Kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm đáp ứng với nhu cầu của khách hàng, đồng thời duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của dự án Score với đề tài nghiên cứu “Sản xuất tinh gọn”, “Loại bỏ lãng phí trong ngành gỗ” và chương trình 5S của Nhật Bản”.

Để chủ động nguồn nguyên liệu trong điều kiện dự báo cạnh tranh nguyên liệu ngày càng gay gắt, các đơn vị ngành gỗ cũng lên kế hoạch và bắt tay vào việc thực hiện hợp tác với các công ty cao su, các đối tác khác để thực hiện trồng xen cây nguyên liệu trên diện tích không phù hợp với cây cao su. Các đơn vị ngành gỗ trong toàn VRG cũng sẽ tăng cường hợp tác trao đổi thông tin thị trường, hỗ trợ kỹ thuật giữa các đơn vị MDF, thống nhất chia sẻ thị trường để giảm cạnh tranh lẫn nhau.

Công ty CP MDF VRG Kiên Giang xây dựng kế hoạch sản xuất năm 2022 là 100.000m3, tiêu thụ 99.000m3. Lãnh đạo công ty cho biết, năm 2021 công ty gặt hái được những kết quả rất khả quan nên năm nay công ty tiếp tục quyết tâm thực hiện đạt và vượt các kế hoạch đề ra, nhất là kế hoạch về sản lượng sản xuất phấn đấu vượt từ 5 – 10%. Về mặt tiêu thụ, công ty sẽ tăng cường quảng bá sản phẩm và tìm kiếm các khách hàng mới thông qua các kênh thương mại điện tử và các kênh bán hàng truyền thống, tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để đẩy mạnh tiêu thụ, đặc biệt các đối tác sử dụng trực tiếp sản phẩm của công ty.

MDF VRG DongWha là một đơn vị lớn trong ngành gỗ của Việt Nam và thị trường châu Á, tận dụng những thế mạnh sẵn có trong những năm qua, năm 2022, công ty đã xây dựng chỉ tiêu về sản xuất và tiêu thụ đều vượt khá cao so với năm 2021. Cụ thể, sản xuất gỗ MDF vượt 10%, gỗ MFB vượt 9% so với năm trước. Công ty cũng xây dựng kế hoạch tiêu thụ gỗ MDF tăng 13%, gỗ MFB tăng 6% so với năm trước. Trong đó, đẩy mạnh sản lượng sản phẩm xuất khẩu qua nước ngoài. Để đạt được lợi nhuận tối đa, công ty tiến hành tối ưu hóa từng khâu, từng công đoạn sản xuất, bố trí lao động hợp lý, kiểm soát giá thành trong tình hình chi phí sản xuất tăng do nguyên vật liệu sản xuất tăng cao, logistic bị gián đoạn.

MINH NHIÊN – Ảnh: VŨ PHONG