Không thể nói “không” với chuyển đổi số

CSVN – Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, sự phát triển như vũ bão của Internet đã tạo điều kiện thuận lợi cho các lĩnh vực, ngành nghề hoạt động với nhiều ưu điểm như công nghệ hiện đại, kết nối nhanh hơn, hiệu quả hơn. Do vậy, để thích ứng và bắt kịp với thời đại, các doanh nghiệp không thể nói “không” với chuyển đổi số. Đây là một xu thế tất yếu buộc các đơn vị, tổ chức phải hòa vào dòng chảy chung của thời đại.

Đội ngũ Phóng viên Tạp chí Cao su Việt Nam đang chuẩn bị thiết bị cho buổi livestream dây chuyền chế biến mủ phát trực tuyến cho khách hàng Nhật Bản của Công ty CP VRG Nhật Bản. Ảnh: Vũ Phong.
Chuyển đổi số: Chuyển đổi tư duy

Theo Gartner (Là thành viên chính thức của S&P 500 và là một công ty tư vấn, nghiên cứu toàn cầu) thì chuyển đổi số (digital transformation) là việc sử dụng các công nghệ số để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích to lớn cho doanh nghiệp như: cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận nhanh và nhiều khách hàng, giúp lãnh đạo đơn vị điều hành quản lý dễ dàng, chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo, thông tin đồng bộ, xuyên suốt. Nhờ đó, hiệu quả hoạt động của đơn vị ngày càng được nâng cao.

Chuyển đổi số dần len lỏi và trở thành chiến lược, mục tiêu phát triển của doanh nghiệp trong vài năm trở lại đây. Nhiều doanh nghiệp xem đây là vấn đề sống còn của đơn vị. Ở nước ta, quá trình chuyển đổi số đã diễn ra trên tất cả các ngành nghề, nhất là trong những ngành như du lịch, tài chính, giao thông…

Chính phủ và chính quyền các cấp đang nỗ lực xây dựng Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số. Hơn 30 thành phố cũng định xây dựng Smart City với các nền tảng công nghệ mới… Tuy nhiên, các tổ chức, doanh nghiệp cũng gặp không ít rào cản trong quá trình chuyển đổi số như lãnh đạo đơn vị chưa nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số, thiếu nguồn nhân lực trình độ cao, thiếu nền tảng công nghệ, thiếu vốn đầu tư cho công nghệ thông tin…

Chuyển đổi số tạo ra nhiều cơ hội để phát triển nhưng đi kèm với đó là vô số thách thức buộc các đơn vị phải thích ứng kịp thời, có giải pháp để nhanh chóng đổi mới. Bài toán đặt ra lớn nhất mà các doanh nghiệp, đơn vị, tổ chức cần phải giải quyết đó không đơn thuần về việc thay đổi các công nghệ cũ kỹ từ lạc hậu sang hiện đại. Đó không chỉ là việc mua các nền tảng công nghệ, big data, điện toán đám mây… mà vấn đề cốt lõi, gốc rễ cần được giải quyết đầu tiên là chuyển đổi tư duy. Đặc biệt là tư duy của người đứng đầu phải nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số để thay đổi cách thức vận hành doanh nghiệp khác với trước đây. Khi tư duy được “thông thoáng” thì vấn đề tiếp theo cần giải quyết đó là cần sự tham gia của cả tổ chức, cả tập thể để tạo nên sự thay đổi. Các đơn vị cần phải đào tạo và phát triển nhân sự đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi số. Sẵn sàng về phương diện công nghệ…

Nhân tố quan trọng để xây dựng VRG phát triển bền vững

Đảng ủy VRG xác định chuyển đổi số là nhân tố quan trọng, giữ vai trò quyết định trong thực hiện mục tiêu hiện đại hóa công tác quản trị, điều hành, góp phần vào việc xây dựng VRG phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Trong những năm qua, VRG đã ứng dụng công nghệ số vào quản trị, vận hành hoạt động SXKD đạt được những thành tựu đáng kể. Chuyển đổi số tại VRG bước đầu đã tạo sự phát triển chung của VRG như: tăng doanh thu, sự kết nối nhanh chóng giữa các bộ phận cũng như giữa các đơn vị thành viên trong toàn VRG trong việc xử lý và giải quyết công việc; thị trường trong nước và quốc tế được mở rộng…

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ VRG cho biết: “Chuyển đổi số là xu thế tất yếu để doanh nghiệp hội nhập và phát triển, do đó trong thời gian qua VRG đã đẩy mạnh chuyển đổi số ở một số nội dung trọng tâm như: Hoàn thiện và chuẩn hóa hồ sơ, chương trình văn phòng điện tử và sử dụng chữ ký số. Thực hiện các chương trình quản lý tài nguyên doanh nghiệp (ERP) ở các doanh nghiệp thành viên, trước mắt là các công ty công nghiệp, nhà máy gỗ, thực hiện thí điểm ở công ty nông nghiệp có quy trình quản lý chặt chẽ… theo hướng cho chương trình chuẩn cho từng nhóm ngành…”.

Hiện nay, các lĩnh vực ngành nghề, các doanh nghiệp trực thuộc VRG đã có những bước khởi động với chuyển đổi số. Trong đó, lĩnh vực nông nghiệp được xem là tích cực trong hoạt động chuyển đổi số với việc triển khai những dự án thiết thực, hiệu quả. Cụ thể, Ban Quản lý kỹ thuật đã xây dựng chương trình quản lý vườn cây, đất đai qua vệ tinh (chương trình GIS kết hợp sử dụng ảnh viễn thám), quản lý trên bản đồ số toàn bộ diện tích, cấp nhật biến động đất đai, vườn cây theo thời gian thực, tích hợp các yêu cầu quản lý nông nghiệp như mật độ, tăng trưởng, năng suất, dịch bệnh để có thể truy cập và có giải pháp xử lý kịp thời.

Viện Nghiên cứu CSVN tiếp tục phát huy vai trò trong việc bảo tồn gien cây cao su và phát triển các giống mới phù hợp với yêu cầu tăng năng suất mủ, tăng sản lượng gỗ, tham gia các nghiên cứu, chuyển giao về công nghệ sơ chế mủ để sản xuất sạch hơn như tiết kiệm năng lượng, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng nước thải để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các đơn vị thành viên dần chuẩn hóa tiêu chuẩn về khoa học kỹ thuật đối với công nhân kỹ thuật, quản lý cấp thấp (trưởng ca, tổ, đội) thông qua các chương trình đào tạo, huấn luyện của Viện Nghiên cứu CSVN, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su.

Tại Hội thi Bàn tay vàng lần thứ XIII, lần đầu tiên Ban tổ chức triển khai cho các đơn vị đăng ký hồ sơ thí sinh tham dự bằng hình thức trực tuyến. Cùng với đó, việc chấm thi thực hành được thực hiện trên app song song với cách chấm thủ công trước đây. Việc này giúp thống kê kết quả nhanh chóng, chính xác và đáp ứng được quy mô Hội thi ngày càng lớn như hiện nay.

Do đặc thù của VRG có địa bàn hoạt động trải rộng tại 34 tỉnh, thành phố và hai nước bạn Lào, Campuchia nên việc ứng dụng công nghệ thông tin cũng như thực hiện chuyển đổi số tại một số đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, do thiếu cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho ứng dụng…

Đảng bộ VRG xác định chuyển đổi số là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, có ý nghĩa chiến lược quan trọng đối với VRG. Là công cụ để thực hiện đổi mới toàn diện trên tất cả các lĩnh vực SXKD với mục tiêu hội nhập quốc tế, mở rộng thị trường, nâng cao uy tín, thương hiệu, xây dựng VRG phát triển bền vững và hiện đại, góp phần thành công vào chủ trương của Đảng, Nhà nước về chuyển đổi số quốc gia. Do vậy, VRG quyết tâm đến năm 2030 sẽ trở thành một trong những Tập đoàn kinh tế có những thành công nổi bật trong ứng dụng công nghệ số.

Trong hoạt động, lĩnh vực nào cũng vậy, những bước đi đầu tiên luôn có những khó khăn, trở ngại. Chuyển đổi số cũng không là ngoại lệ, tuy nhiên khi giải quyết được bài toán về nhận thức, chuyển đổi tư duy thì các đơn vị sẽ đặt từng viên gạch đầu tiên, từng bước đạt được thành công trong hành trình chuyển đổi số.

LÂM KHANH