Tích cực hỗ trợ các công ty khắc phục thiệt hại sau bão số 9

CSVNO – Đó là kết luận của ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG tại cuộc họp với Ban Lãnh đạo Tập đoàn, vào ngày 2/11.

Lãnh đạo Cao su Quảng Nam theo dõi khắc phục thiệt hại sau bão số 9

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Thái Bình – Chánh Văn phòng VRG đã báo cáo tổng hợp tình hình mưa bão, lũ lụt từ tháng 10 đến nay. Theo thống kê sơ bộ vườn cây cao su thiệt hại do cơn bão số 9 ở các công ty thành viên ở miền Trung và Tây Nguyên cho thấy 3 công ty bị ảnh hưởng nặng nhất là: Quảng Ngãi, Quảng Nam và Nam Giang – Quảng Nam.

Cụ thể, Cao su Quảng Ngãi có 431,27 ha cao su bị thiệt hại trên 80%; 252,26 ha thiệt hại từ 50 – 70%; 110 ha thiệt hại ở mức 30 – 40% và 82,23 ha thiệt hại 15 – 20%. Ngoài ra, còn 155,38 ha chưa kiểm kê. Tại Cao su Quảng Nam, toàn bộ vườn cây nằm trong khu vực cách tâm bão từ 50 – 100 km, gió giật cấp 10 – 11. Có 840,67 ha cao su bị thiệt hại trên 50%; 472,17 ha thiệt hại ở mức độ 30 – 50%; 1.661 ha thiệt hại từ 20 – 30% và 1.222,66 ha thiệt hại dưới 20%. Ngoài ra còn 1.207,63 ha chưa kiểm kê.

Các công ty cao su tập trung khắc phục thiệt hại để tổ chức sản xuất

Ở Cao su Nam Giang – Quảng Nam, vườn cây thiệt hại nặng nề trên diện tích 553 ha, gồm 91.222 cây cao su KTCB và 62.156 cây cao su kinh doanh gãy ngang thân, bật gốc không thể phục hồi (số liệu thống kê chưa đầy đủ do một số khu vực bị sạt lở nặng, đứt liên lạc).

VRG Phú Yên thiệt hại 17,5 triệu đồng do 34 cây bật gốc, 16 cây gãy ngang thân cách gốc 2 – 3 mét không thể phục hồi. Có 28 cây gãy cành có thể khắc phục. Cao su Hà Tĩnh có 690 cây gãy đổ không thể phục hồi, 861 cây nghiêng. Cao su Hương Khê – Hà Tĩnh bị gãy đổ, bật gốc 534 cây không thể phục hồi. Cao su Nghệ An có hơn 200 ha cao su bị ngập từ 1 mét trở lên (trong đó có 100 ha đang khai thác mủ).

ĐTN Cao su Hà Tĩnh đến từng nhà hỗ trợ CNLĐ sau bão

Tại Cao su Mang Yang, gió làm gãy đổ, rụng lá trên vườn cây kinh doanh và KTCB, cụ thể có 121 cây bật gốc, 2.708 cây gãy ngang thân, 1.843 cây gãy ngọn, 6.673 cây gãy cành, 37 cây nghiêng. Ở Cao su Kon Tum có 468 cây bật gốc, 1.053 cây gãy ngang thân, 1.891 cây gãy cành và ngọn, 459 cây nghiêng. Cao su Sa Thầy có 866 cây cao su kinh doanh gãy đổ, bật gốc và gãy ngọn.

Tất cả NLĐ tại các công ty an toàn, chưa ghi nhận thiệt hại về người. Tại Cao su Quảng Ngãi có 1 trường hợp do làm nhiệm vụ phòng, chống bão số 9 nên bị gãy 2 chân phải bó bột. Ngoài ra còn 3 công nhân mất thông tin liên lạc, chưa biết tình hình. Có trên 60% nhà cửa của NLĐ Công ty bị tốc mái. Bên cạnh đó, bão số 9 làm sạt lở đường lô, liên lô, đường dự án; nhiều cầu cống, ngầm tràn bị cuốn trôi…

Các công ty tích cực hỗ trợ dựng lại nhà cho CNLĐ

Các công ty đã thực hiện các giải pháp khắc phục thiệt hại sau bão số 9, cụ thể: tiến hành cưa cắt dọn đường để kiểm kê; tìm đối tác thanh lý cây gãy đổ; cho công nhân ở vườn cây bị ảnh hưởng nặng tạm nghỉ; thăm hỏi hỗ trợ NLĐ. Khẩn cấp khắc phục các đoạn đường giao thông thiết yếu phục vụ khai thác mủ…

Tập đoàn đã hỗ trợ kinh phí khẩn cấp khắc phục thiệt hại do bão số 9, cụ thể: Cao su Quảng Ngãi 250 triệu đồng, Cao su Quảng Nam 500 triệu đồng,Cao su Nam Giang – Quảng Nam 300 triệu đồng. Ngoài ra, Tập đoàn còn đóng góp ủng hộ tỉnh Quảng Ngãi 200 triệu đồng, huyện Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) 100 triệu đồng và tỉnh Quảng Nam 300 triệu đồng.

Kết luận cuộc họp, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG chỉ đạo các công ty có kế hoạch triển khai khắc phục thiệt hại sau bão trước mắt, trung hạn, dài hạn để ổn định sản xuất. Các công ty phải báo cáo và kết hợp với địa phương để đem lại hiệu quả cao trong việc khắc phục thiệt hại, tổ chức sản xuất phù hợp với tình hình thực tế.

Nhiều diện tích vườn cây đang khai thác bị thiệt hại nặng nề

“Tập đoàn và Công đoàn CSVN sẽ phối hợp hỗ trợ cho các công ty theo qui mô thiệt hại. Theo dự báo, từ đây đến cuối năm, bão số 10, 11, thậm chí là bão 12… sẽ diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng lớn đến các công ty cao su miền Trung và Bắc Trung bộ. Các đơn vị phải tích cực, chủ động xây dựng phương án ứng phó” – ông Thuận chỉ đạo.

Chủ tịch HĐQT VRG cũng thống nhất với kiến nghị của các công ty, cụ thể: kịp thời hỗ trợ, động viên NLĐ bị ảnh hưởng do bão (mất tài sản, mất việc làm…). Tập đoàn cử Ban chuyên môn giúp công ty khắc phục vườn cây và định hướng xử lý vườn cây bị thiệt hại; hỗ trợ kinh phí khắc phục. Tập đoàn và Công đoàn CSVN hỗ trợ 1 phần kinh phí khắc phục sau lũ; xem xét điều chỉnh kế hoạch sản lượng do mưa bão kéo dài không thể khai thác…

TRẦN HUỲNH