Lãnh đạo VRG tăng cường chỉ đạo, nắm bắt tình hình các đơn vị

CSVN – Trong tháng 9 vừa qua, Ban lãnh đạo VRG đã tổ chức làm việc với các công ty cao su thành viên nhằm nắm bắt hoạt động của các đơn vị một cách sâu sát và toàn diện; đồng thời chia sẻ khó khăn, động viên các đơn vị nỗ lực vượt khó. Với tinh thần “vướng ở đâu, giải quyết ở đó”, lãnh đạo Tập đoàn đã lắng nghe đề xuất, kiến nghị và kịp thời đưa ra giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp, quyết liệt để “tiếp sức” cho các đơn vị vượt khó.

>> Kinh nghiệm và bản lĩnh sẽ giúp vượt qua khó khăn

Các CTCS đang  nỗ lực hoàn thành KH sản lượng  năm 2015
Các CTCS đang nỗ lực hoàn thành KH sản lượng năm 2015
Nỗ lực trong công tác khai thác

Về sản lượng khai thác, Cao su Lộc Ninh là một trong những đơn vị thực hiện chỉ tiêu kế hoạch (KH) khá cao. Công ty đã khai thác 6.604 tấn, đạt 60,04% KH, cao hơn 2,89% so với cùng kỳ năm 2014. Tiền lương bình quân đạt 5,7 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Đức Tín – Tổng Giám đốc công ty, cho biết: “Với tiến độ thực hiện sản lượng như vậy, công ty dự kiến vượt trên 10% KH VRG giao. Giá bán bình quân cả năm dự kiến 30,3 triệu đồng/tấn. Doanh thu ước cả năm 264,6 tỷ đồng, lợi nhuận ước tính 5,33 tỷ đồng”.

Dù diễn biến thời tiết không thuận lợi và gặp nhiều khó khăn, Cao su Đồng Phú khai thác 7.720 tấn, đạt 53,2% KH. Ban lãnh đạo công ty cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành sản lượng VRG giao. Giá thành cả năm dưới 30 triệu đồng/tấn; lợi nhuận năm nay ước đạt 155 tỷ đồng.

Tính đến ngày 15/9, Cao su Bình Long khai thác được 11.080 tấn, đạt 60,02% KH. Dự kiến sản lượng khai thác cả năm đạt 19.200 tấn, vượt 4%. Công ty đã chế biến thêm chủng loại sản phẩm mủ latex LA đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, mở thêm được thị trường.

Trong khi đó, Cao su Phước Hòa đã khai thác 10.124 tấn, đạt 57,52% KH. Dự kiến cả năm công ty khai thác được 18.500 tấn, vượt 900 tấn. Công ty đã tiêu thụ trên 14.000 tấn, doanh thu đạt 500 tỷ đồng, giá bán bình quân 33,7 triệu đồng/ tấn. Ngoài ra, công ty tiêu thụ các loại mủ tận thu khác thu được 3,65 tỷ đồng. Vườn cây của công ty đạt năng suất bình quân 2 tấn/ha và sẽ đạt trên 2 tấn/ha trong những năm tới.

Ông Lê Thanh Hưng – TGĐ Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, cho biết đến ngày 31/8, công ty khai thác được trên 15.660 tấn mủ/27.200 tấn KH, đạt 57% KH năm, tăng hơn 8,7% so cùng kỳ năm 2014. Đến hết năm, công ty phấn đấu khai thác vượt KH khoảng 1.500 tấn mủ. Tiền lương bình quân của công ty đạt 4,4 triệu đồng, thu nhập 4,8 triệu/người/tháng.

Công ty đã thu mua 4.481 tấn/7.000 tấn KH, đạt 64% KH năm, tăng 17% so cùng kỳ năm ngoái (8 tháng năm 2014 thu mua 2.782 tấn). Theo KH, công ty phấn đấu thu mua cả năm đạt 10.000 tấn mủ và kinh doanh có lãi. Đến 31/8, doanh thu của công ty đạt 879 tỷ đồng/1.173 tỷ đồng KH, đạt 74% KH năm, tăng 4,2% so cùng kỳ năm trước. Giá bán bình quân đạt 34,6 triệu đồng/ tấn, giảm hơn 20% so cùng kỳ (8 tháng năm 2014 là 43,6 triệu đồng/tấn); giá thành bình quân 33,5 triệu đồng/tấn; tổng lợi nhuận trên 201 tỷ đồng, đạt 55% KH năm (giảm 45% so cùng kỳ năm trước).

Tình hình biến động lao động, nhất là lực lượng CN khai thác có thời gian đóng BHXH trên 20 năm xin nghỉ việc nhiều đã ảnh hưởng đến công tác thu hoạch của công ty. Tính đến 31/8, công ty có 1.252 người xin thôi việc, nghỉ hưu, số tiền giải quyết chế độ trên 25 tỷ đồng. Lũy kế 8 tháng qua, công ty đã trích nộp BHXH trên 72 tỷ đồng, giải quyết hàng chục tỷ đồng cho CN nghỉ việc. Thực hiện đề án tái cơ cấu, 8 tháng đầu năm 2015, công ty đã thoái vốn hơn 11 tỷ đồng.

Tại Công ty CPCS Tây Ninh, 8 tháng qua, công ty đã tiêu thụ 6.024 tấn; giá bán bình quân 32,8 triệu đồng/tấn; giá thành bình quân 31,7 triệu đồng/tấn; tiền lương 4,4 triệu đồng/người/tháng. Ban lãnh đạo công ty đã chủ động xây dựng nhiều kịch bản để ứng phó. Theo phương án công ty đưa ra, năm 2015 tiền lương của CNLĐ nếu bằng 95% tiền  lương năm 2014 thì bình quân tiền lương của công ty sẽ là 5,7 triệu đồng/người/tháng, đạt 110% KH. Còn phương án 85% tiền lương năm 2014, thì năm 2015 tiền lương chỉ đạt khoảng 5 triệu đồng, bằng 97% KH năm.

Tình trạng CN có tay nghề giỏi xin thôi việc là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng khai thác của công ty giảm so cùng kỳ năm trước
Tình trạng CN có tay nghề giỏi xin thôi việc là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng khai thác của Công ty CPCS Tây Ninh giảm so cùng kỳ năm trước. Ảnh: Tùng Châu

Tình trạng CN có tay nghề giỏi xin thôi việc là một trong những nguyên nhân khiến sản lượng khai thác của công ty giảm so cùng kỳ năm trước. Ông Lê Văn Chành – TGĐ công ty cho hay, từ đầu năm đến nay công ty có trên 600 người xin thôi việc, số tiền giải quyết chế độ trên 16 tỷ đồng. Hiện nay, công ty đã chuyển khoảng 1.600 ha từ chế độ cạo D3 sang D4, dự kiến diện tích chuyển đổi chế độ cạo còn tăng lên cho đến cuối năm. “Công ty phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu khai thác 10.350 tấn mủ trong năm nay, cố gắng phấn đấu hoàn thành KH, có vượt thì sản lượng cũng không cao như năm trước”, ông Chành cho biết.

8 tháng đầu năm 2015, Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên khai thác 4.973 tấn/9.600 tấn KH, đạt hơn 51% KH giao; thu mua 1.195 tấn mủ, đạt gần 40% KH; tiêu thụ 5.375 tấn; doanh thu hơn 181 tỷ đồng; giá bán 33,6 triệu đồng/tấn (giảm 9 triệu so cùng kỳ); lợi nhuận kinh doanh cao su trên 14 tỷ đồng; tiền lương bình quân 4,3 triệu đồng/ người/tháng.

Thực hiện kế hoạch cổ phần hóa, đến nay Công ty TNHH MTV Cao su Tân Biên đã hoàn thiện số liệu và ra bản dự thảo Báo cáo xác định giá trị doanh nghiệp (DN) để CPH thời điểm 0 giờ ngày 1/1/2015. Vào đầu tháng 9/2015, tổ thường trực CPH DN Tập đoàn đã tiến hành thẩm tra báo cáo xác định giá trị DN. Công ty đang lập phương án sắp xếp lại lao động sau khi CPH. Đồng thời, phối hợp đơn vị tư vấn hoàn thiện hồ sơ để triển khai tuyên truyền và cho CBCNV đăng ký mua cổ phần của công ty theo quy định.

Nhiều giải pháp khắc phục khó khăn

Trước tình hình khó khăn như hiện nay, tùy vào điều kiện thực tế của mình, các đơn vị đã năng động, sáng tạo trong việc tìm ra những giải pháp khắc phục khó khăn, giảm giá thành, quản lý suất đầu tư chặt chẽ, tăng cường trồng xen canh trên diện tích vườn cây KTCB, cố gắng đảm bảo mức lương cho NLĐ.

Ông Đỗ Hữu Phước – Trưởng Ban Xây dựng Cơ bản VRG, nhận định: “Hầu hết đầu tư của các đơn vị trong năm nay tập trung phục vụ tái canh – trồng mới vào những công trình hạng mục thực sự cần thiết trong sản xuất, phù hợp với chủ trương của VRG ngay từ đầu năm”.

Tại Phước Hòa, từ đầu năm, Ban lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ chi phí của từng bộ phận phụ trách nhằm thực hiện tiết kiệm để giảm giá thành sản phẩm, rà soát các chi phí ngoài lương và tính toán lại cụ thể giá thành năm nay, phấn đấu giá thành dưới 30 triệu đồng/tấn. Cụ thể như: Thực hiện chuyển đổi xông sấy mủ từ nhiên liệu dầu F.O sang sử dụng nhiệt từ nguyên liệu Biomas giúp giảm chi phí xông sấy 25%, giảm chi phí xông sấy bằng gas xuống 16%; giảm sử dụng Amoniac trong công tác vận chuyển mủ để giảm chi phí axit đánh đông. Công ty đã trồng xen canh 193 ha dó bầu, 292 ha hoa màu, mè, bắp, đậu. Thực hiện chế độ cạo D4 trên 55% diện tích vườn cây.

lãnh đạo công ty đã chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ chi phí của từng bộ phận phụ trách nhằm thực hiện tiết kiệm để giảm giá thành sản phẩm,
Lãnh đạo Công ty CPCS Phước Hòa chỉ đạo các đơn vị rà soát toàn bộ chi phí của từng bộ phận phụ trách nhằm thực hiện tiết kiệm để giảm giá thành sản phẩm.

Tại Lộc Ninh, công ty đã trồng xen trên diện tích 300 ha với mật độ 500 cây cao su và 1.000 cây lâm nghiệp trên 1 ha theo quy trình hướng dẫn của Ban Quản lý Kỹ thuật VRG. Đến nay đã thiết kế hàng kép trên diện tích 340 ha và trồng xen cây lâm nghiệp được 250 ha. Bên cạnh đó, trong chế biến, công ty tăng cường sản xuất mủ ly tâm đạt 52,65%, sản phẩm này có giá bán cao để tăng thêm lợi nhuận.

Đối với Bình Long, trước tình hình giá mủ liên tục giảm mạnh, công ty đã chào bán theo các hợp đồng chuyến (ngoài các hợp đồng dài hạn) và tiêu thụ hết sản lượng chế biến từ khai thác và thu mua, tiêu thụ 16.144 tấn, đạt 71% KH, giá bán bình quân 32,7 triệu đồng/tấn.

Năm 2015, Dầu Tiếng đã trồng xen canh keo lai, dó bầu, chuối được trồng trên diện tích 290 ha, còn những cây ngắn ngày như bắp, đậu, dưa hấu, mè… trồng xen từ 1 đến 2 vụ trên diện tích hơn 2.197 ha, thu được hơn 3 tỷ đồng. Để có diện tích xen canh lâu dài, mùa tái canh trồng mới năm nay, công ty đã thiết kế trồng hàng kép trên 290 ha. Lãnh đạo VRG đã đồng ý chủ trương cho công ty nghiên cứu và tham gia đầu tư các dự án khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao tại NT Long Hòa với diện tích khoảng 2.000 ha và đầu tư các dự án chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Ứng phó tình trạng CN xin nghỉ việc với số lượng lớn, công ty đã chủ động sắp xếp lại lao động, phân chia phần cây cạo hợp lý, thay đổi chế độ cạo. Năm nay, công ty đã triển khai chế độ cạo D4 với tổng diện tích hơn 6.015 ha, chiếm 32% trên tổng diện tích vườn cây kinh doanh. Dự kiến năm 2016, cạo chế độ D4 trên toàn bộ diện tích vườn cây nhóm I, một phần diện tích vườn cây nhóm II và III và cây quá tuổi.

Minh Nhiên-Phan Thắng