(tiếp theo kỳ trước)
CSVN – Từ năm 1922, chính quyền thuộc địa càng siết chặt các cơ sở người nước ngoài (trừ Pháp). Các cơ sở này phải đặt “đại bản doanh” ở Pháp hoặc ở một thuộc địa Pháp. Một điều kiện ngặt nghèo khác là bắt buộc ba phần tư thành viên của Hội đồng Quản trị là người Pháp hay là quốc tịch Pháp; hai trong ba vị trí cao nhất của công ty phải do người Pháp nắm.
Ông A. Hallet, một nhân vật quan trọng trong ngành cao su và một nhà doanh nghiệp lớn của nhóm Rivaud – Hallet là nạn nhân của luật lệ mới. Ông A. Hallet là một kiều dân Bỉ, đã có công xây dựng đồn điền Xã Cam và thành lập nhóm tài chính Rivaud Hallet, là người có công lớn trong nhóm này. Theo tuyên bố của ông A. Hallet ngày 9/5/1924, thì Chính quyền thuộc địa gây sức ép để ông ra khỏi Hội đồng Quản Trị của Công ty tài chính Rivaud – Hallet để ông bán phần hùn trong đồn điền Xã Cam cho các “bạn hữu”người Pháp. Và cũng trong thời điểm ấy công ty đồn điền Đất đỏ (SPTR) ra đời, hoàn toàn là tài sản của người Pháp, và ông A. Hallet bị gạt ra khỏi Công ty du Cambodge (chủ các đồn điền Chup, Tapao, Peam Cheang…) và Công ty Financière des caoutchoucs mà ông đã cùng anh em Rivaud xây dựng và kinh doanh có hiệu quả.
Vào cuối năm 1923, chính quyền thuộc địa càng đẩy mạnh việc xây dựng các luật lệ cấm đoán các kiều dân nước ngoài trở thành sở hữu chủ ruộng đất vì sợ họ chiếm hết đất của Đông Dương (và Việt Nam). Phải là người Pháp hay có quốc tịch Pháp mới được có đất ở Nam Kỳ (Hồ sơ Thống đốc Nam Kỳ gởi Toàn quyền Đông Dương, ngày 30/1/1920 và 23/9/1923). Một không khí bài ngoại bao trùm lên ngành cao su Việt Nam vừa ra khỏi chiến tranh thế giới lần thứ nhất và trong lúc giá cao su đang tụt vì cung cao hơn cầu. Kiều dân nước ngoài không được mua đất để làm đồn điền cao su, như vậy cũng có nghĩa là vốn của nước ngoài (không phải vốn của Pháp) không được vào Đông Dương và Việt Nam.
Như vậy phải chăng là để mở cửa cho đồng vốn từ các “bít tất len” của người dân Pháp chạy sang Đông Dương và nhảy vào cao su Việt Nam, một nơi đầu tư vô cùng béo bở? Hay là để cho các nhóm tài phiệt ở Paris tha hồ thao túng thị trường tài chính của các nước thuộc địa Đông Dương và Việt Nam? Người ta chỉ thấy các nhóm tư bản tài chính ở Đông Dương và nhất là ở Việt Nam chống đối nhau vì “tranh ăn”. Sau lưng chúng có các quan chức cai trị không phải là những người đứng cửa giữa mà thường ngả về phe này hay phe kia. Người ta kể rằng vào những năm 20, đã xảy ra chuyện Toàn quyền Đông Dương muốn bảo trợ cho một nhóm tư bản Pháp vào làm ăn ở Việt Nam trong khi các khối tư bản nằm ở Nam Kỳ lại bảo trợ cho một nhóm tư bản khác, cũng là của Pháp. Kết cuộc là vốn của Chính quốc tìm đường “lủi” sang nước khác. Vốn của nước Pháp vào Việt Nam vẫn gặp khó khăn, còn vốn nước khác thì cấm đoán, như vậy cao su dù là món mồi ngon cũng vẫn là một món hàng không ai được “sờ đến”!
Mặc dù chính quyền thuộc địa ra sức bảo vệ cho kiều dân Pháp trong việc làm ăn, nhất là về cao su nhưng cuối cùng chính sách thuộc địa và các biện pháp “sô vanh” và phản động phủ nhận quyền lợi của người bản xứ, đã đưa đến một kết quả không tốt đẹp: diện tích cao su của các đồn điền lớn ở Việt Nam hoàn toàn là của các Công ty Pháp chỉ đạt khoảng trên dưới 70.000 ha, một diện tích không tương xứng với điều kiện thiên nhiên ưu việt của Việt Nam!
Chính quyền thuộc địa không khuyến khích người bản xứ trồng cao su, mặc dù đó là kinh nghiêm sáng tạo của Indonesia, Malaysia, Ceylan là những nước đi đầu trong việc trồng cao su ở Đông Nam Á. Ở Malaysia năm 1914 diện tích cao su tiểu điền của người bản xứ đã đạt 42% diện tích cao su toàn quốc. Ở Indonesia, năm 1929, diện tích cao su tiểu điền đã vượt diện tích cao su đại điền.
Cũng có thể người ta dẫn chứng rằng chính quyền thuộc địa luôn luôn sẵn sàng cấp đất tô nhượng (concession) cho bất cứ ai muốn xây dựng đồn điền, để nói rằng Nhà nước cũng khuyến khích dân bản xứ xin cấp đất để trồng cao su. Giá phải trả rất thấp, xem như là cho không! (0,20 đồng Đông Dương 1ha). Nhưng sự việc diễn ra lại khác, vì đất phải để dành cho các ông Tây (người Pháp) chứ rất ít người Việt được hưởng cái ân huệ ấy, trừ một số rất nhỏ người Việt đã vào dân Tây hay có quyền thế như ông Lê Phát Tân, ông phủ Võ Hà Thanh, quan tòa Đỗ Hữu Trí, ông Đốc phủ sứ Đoàn Hữu Tùng, ông Nguyễn Văn Yên chủ sở kho bạc Thủ Dầu Một…
Trong tập thống kê năm 1931 của nghiệp đoàn các nhà trồng cao su Đông Dương có khoảng 60 chủ sở cao su người Việt Nam có dưới 100 ha đất trồng cao su. Trong số này có 12 sở trồng trước 1924, thuộc những người nắm bắt cây cao su được sớm và cũng là những người có thế lực như quan tòa Đỗ Hữu Trí (với 50 ha), nhà kinh doanh công nghiệp Trương Văn Bền (với 80 ha) … Đại bộ phận chủ sở nhỏ người Việt Nam đều bắt đầu trồng cao su từ năm 1925 đến 1928, trong thời kỳ hưng thịnh của cao su Việt Nam, nhờ có tác động của kế hoạch Stevenson. Một số khá lớn sở nhỏ ra đời trong tỉnh Tây Ninh, có sở chỉ được vài hécta. Lúc đầu người dân không được tự do trồng cao su có người phải trồng lén như ở Tây Ninh, người dân thấy đồn điền Vên Ven, Hiệp Thạnh làm ăn đạt hiệu quả cao, nên ai cũng “ham”. Ông Mười Đâu, Thượng đẩu sư Tòa thánh Cao đài Tây Ninh, một chủ sở cao su có trên 50 ha ở chân núi Bà, nhắc lại: Trước Cách mạng Tháng 8, theo lệnh của Tây, bọn tề xã bắt dân phải nhổ cao su, vì chính phủ không cho người Việt Nam trồng cao su vì sợ trước mắt sẽ ăn cắp giống và kỹ thuật, về sau sẽ ăn cắp mủ các đồn điền của Tây. Nhưng giấu gì thì giấu, cấm gì thì cấm ở Tây Ninh, các sở vài ba hecta đến vài chục hécta cứ mọc lên và giống thì người ta trồng đại bộ phận là PR 107, cũng “xoáy” của đồn điền. Ở Tây Ninh, dân ở ngoài và công nhân trong đồn điền có quan hệ dây mơ rễ má với nhau. Vì vậy một số sở nhỏ có những vườn cao su đẹp và năng suất cao không kém đồn điền, mặc dù trong đồn điền đều có Tây quản lý.
Trên đây chúng ta hiểu một cách khái quát những lý do làm cho cao su Việt Nam (và Đông Dương) phát triển muộn màng và chậm chạp, trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XX trong đó thủ phạm chính là Chính phủ thực dân Pháp và bọn quan lại cai trị thuộc địa ở Đông Dương và Việt Nam.
(còn tiếp)
CSVN
(trích từ sách “100 năm cây cao su ở Việt Nam”)
Chính quyền thuộc địa và việc trồng cao su ở Đông Dương
Related posts:
- Công ty CPCS Phước Hòa đang dẫn đầu sau 3 phần thi
- Nguồn gốc giống cao su do ông E. Rauol đưa vào Việt Nam
- Nông nghiệp công nghệ cao: Thận trọng trong triển khai thực hiện
- 250 tác phẩm tham gia Giải Báo chí khu vực Tây Nguyên lần thứ I
- Quy trình kỹ thuật cây cao su năm 2020 được chứng nhận cấp Quốc gia: Khẳng định vai trò chủ lực của ...
- Thế nào là cách mạng "công nghiệp 4.0"?
- "Chất lửa" tại hội diễn văn nghệ cao su Bình Long
- Cao su Chư Păh giành giải nhất Hội diễn khu vực II
- Văn hóa bình luận bóng đá
- Mời tham gia bình chọn Bài hát truyền thống ngành cao su