Chúc xuân

Tập đoàn Công nghiệp Cao su

Cánh chim lướt gió băng mù chúc xuân

Miền Đông đất đỏ kế gần

Mai vàng rực rỡ trong ngần trời xanh

Xin chào các bậc đàn anh

Tấm gương truyền thống đầu ngành nêu cao

Xuân về xóm thợ vui sao

Mùi thơm bánh tét ngạt ngào nếp hương

Chia tay, chim vội lên đường

Tây Nguyên trực chỉ mây nhường cánh bay

Đông Dương nóc mái là đây

Cao su lá đỏ bừng say đại ngàn

Cồng chiêng lễ hội ngân vang

Vui về đích sớm rộn ràng đón xuân

Nắm tay kinh thượng quây quần

Xin trao lời chúc hương xuân, món quà

Miền Trung Duyên hải bay qua

Khó khăn dải đất ruột rà thân thương

Thiên nhiên khắc nghiệt đủ đường

Nóng thiêu bão lũ kiên cường vượt qua

Hoàn thành nhiệm vụ đề ra

Chăm lo đời sống nhà nhà công nhân

Mọi người có Tết vui xuân

Câu hò, điệu lý vang ngân tiễn chào

Đây rồi Tây Bắc vùng cao

Núi non hùng vĩ mận đào rừng hoa

Xin mừng vượt khó năm qua

Hoàn thành nhiệm vụ, đón quà mừng xuân

Hoa ban khoe sắc trắng ngần

Vút cao tiếng sáo, vang ngân điệu khèn

Cao su nay đã thành quen

Hai miền Nam Bắc nối liền chẳng xa

Lượn vòng sang xứ Chăm Pa

Quà xuân gửi đến Công ty Việt – Lào

Chỉ tiêu kế hoạch vượt cao

Công nhân thu nhập hạng sao xứ này

Lăm tơi điệu múa mê say

Chung vui Tết Việt nắm tay nối vòng

Mê Kông chim lướt theo dòng

Xứ sở Chùa tháp một vòng nghiêng chao

Cao su xanh ngắt đẹp sao

Biển hồ lấp lánh, xin chào Ăng Ko

Đầu tư Việt khá quy mô

Trải dài bảy tỉnh đã cho trái đều

Chúc mừng đồng nghiệp thân yêu

Việt- Cam hữu nghị góp nhiều công lao

Nông Pênh, tạm biệt xin chào

Cánh chim không mỏi bay vào Việt Nam

Thành phố tên Bác rộn ràng

Đường hoa Nguyễn Huệ ngập tràn sắc xuân

Chúc mừng lãnh đạo, công nhân

Xuân sang năm mới mọi phần thành công.

ĐỖ VĂN TÂN

Hình tượng rồng trong văn hóa Việt

Trong tâm thức của người Việt,  hình tượng rồng đã đồng hành cùng loài người hàng nghìn năm, biểu trưng cho quyền lực và uy danh tuyệt đối. Qua những hình ảnh, hình tượng rồng, chúng ta có thể phần nào hình dung được một nền văn hóa dân tộc phong phú, giàu bản sắc.

Với mỗi người Việt Nam, hình tượng rồng gợi lại bóng dáng cha Lạc Long Quân – Với sức mạnh phi thường của thần Rồng – thần Nước và lòng yêu thương nhân dân, Lạc Long Quân đã diệt trừ những loài yêu quái hiểm ác, rồi dạy dân biết cách trồng lúa, ăn ở, đem lại cuộc sống yên ả, thanh bình.

Rồng hiện diện trong mọi sinh hoạt của người đứng đầu đất nước thời quân chủ. Dung mạo vua gọi là “long nhan”, thân thể vua gọi là “long thể”, áo vua mặc được định danh “long bào”, giường vua nằm là “long sàng”, chỗ vua ngồi gọi là “long ngai”, vua chẳng may băng hà gọi là “long ngự tân thiên”…

 Trong thành ngữ, tục ngữ, rồng được khắc họa phong phú và đa dạng. “Trong lưng chẳng có một đồng/Dẫu nói như rồng cũng chẳng ai nghe” là “mượn” rồng để nói đến thế lực ghê gớm của đồng tiền trong xã hội. Câu “Ăn như rồng cuốn, nói như rồng leo, làm như mèo mửa” phê phán đối tượng thích hưởng thụ mà lười biếng, khoác lác. “Cá chép hóa rồng” nói về người học hành đỗ đạt sau chặng đường dài sôi kinh nấu sử. “Rồng đến nhà tôm” là sự khiêm cung của gia chủ khi có khách quý tới thăm. “Rồng bay phượng múa” diễn đạt khí thế hùng tráng. Hay “Bao giờ cá chép hóa rồng/ Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa” là ước vọng của các đấng sinh thành về ngày con cái vinh hiển. “Trứng rồng lại nở ra rồng/ Liu điu lại nở ra dòng liu điu” chỉ những dòng họ danh gia thế phiệt có được người tiếp nối xứng đáng, còn người “bình dân” thì mãi chịu thấp kém…

Rồng còn đi vào trong ca dao với nhiều cung bậc tình cảm. Khi là nỗi nhớ của tình yêu da diết: “Nhớ chàng như vợ nhớ chồng/ Như chim nhớ tổ như rồng nhớ mây”; là ước mơ, khát vọng về hạnh phúc gia đình của người phụ nữ: “Phận gái lấy được chồng khôn/ Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng”. Khi vợ chồng son sắt yêu thương, rồng góp phần tô điểm nghĩa tình chồng – vợ: “Lỗ mũi mười tám gánh lông/ Chồng yêu chồng bảo râu rồng trời cho”. Lúc vợ chồng bất hòa, có điều hờn trách… rồng thật bệ rạc, mỉa mai: “Rồng nằm bể cạn, phơi râu/ Những điều anh nói giấu đầu hở đuôi”…

 Hình tượng rồng đi vào thơ ca hiện thân cho tinh thần lạc quan và niềm tin vào tương lai của người chiến sĩ cách mạng trong hoàn cảnh bị gông cùm xiềng xích. Trong tập “ Nhật ký trong tù”,  dù phải chịu những đày ải khủng khiếp cả về thể chất lẫn tinh thần trong lao tù nhưng lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh vẫn ung dung với những hình tượng rồng đầy ý vị : “Mơ thấy cưỡi rồng lên thượng giới/ Tỉnh ra trong ngục vẫn nằm trơ!”; “Rồng quấn vòng quanh chân với tay/ Trông như quan võ đủ tua, đai/ Tua của quan võ bằng kim tuyến/Tua của ta là một cuộn gai”…

NHÂN VĂN (ST)

Bị rầy…

Ngày đầu năm mới chúng tôi được phân công trực lô phòng chống cháy vườn cao su ở Bàu Rùa. Lúc 7 – 8h sáng lá cao su khô trên vườn còn đọng sương nên khó bén lửa cháy lô. Tận dụng thời gian rảnh rỗi này chúng tôi tụ họp nhóm lại ăn bánh tét, củ kiệu… tám chuyện năm cũ. Bà Hồng khơi màu “so cựa” thành tích cạo vượt sản lượng, còn điểm tên từng đồng nghiệp về nhất, nhì, ba… rồi còn đổ thừa lý do này nọ nên bả về nhì sau ông Bình. Mọi người lại bênh vực cho ông Bình về nhất vượt mủ là xứng đáng.

Bác Tám phu công- tra có mặt lúc nào chẳng hay. Có lẽ, khi chúng tôi tranh luận bác tới và đã nghe hết mọi việc. Chúng tôi bắt đầu bỏ tranh luận mà dồn cái sự nhao nhao hào hứng về phía bác, đòi bác kể chuyện vui năm mới cho bằng được. Bác sà ngồi xuống cái võng của ông Tâm vừa cột vắt hai đầu thân cây cao su mời bác ngồi. Bà Hà thì rót nước trà, lấy dĩa bánh tét củ kiệu mời bác ăn cho vui. Bác vừa nhâm nhi miếng bánh tét xong, hớp ngụm trà ấm cái ực thiệt thoải mái. Bác cũng giọng điệu chậm rãi:

– Mỗi thời mỗi khác, thời của bây cạo vượt được thưởng bằng khen, tiền thưởng… lại còn được xét chọn tên cho đi du lịch, tham quan miễn phí khắp nơi thiệt là sướng quá trời quá đất hà!

– Thời nào mà người cạo giỏi chẳng được ưu đãi chứ?

Bác cười khì khì:

– Thời bây làm mới được ưu đãi thôi. Còn thời của bác, bác cạo vượt chẳng được gì hết. Ngược lại còn bị người làm cai rầy nữa đó!

– Cạo vượt đã không được thưởng, được khen… mà cai còn rầy. Sao kỳ vậy bác?

– Gì đâu mà kỳ…

Chúng tôi tiếp tục phản đối:

– Thời của bác chẳng những kỳ, mà còn quá kỳ cục và lạ đời nữa chứ. Nếu là thời bây giờ còn kiểu rầy hổng giống ai như vậy, thì sẽ đem đến tác dụng ngược: Làm nhụt chí nhân tài, sẽ không ai muốn cạo giỏi cạo vượt nữa đâu!

– Vậy sao?

– Chắc chắn luôn bác ơi!

Bác lại cười:

– Bác nói nhỏ bây nghe thôi nghen: Cuối năm đó, bác gái bây sinh em bé, bác vừa cạo mủ phần cây sao cho thật nhanh xong sớm, lại tất bật chạy về nấu cơm nấu nước, pha sữa… và đi chợ mua sữa sùng, tã lót… đồ ăn cho bà đẻ nữa. Vậy là, bác tăng tốc cạo mủ nhanh hơn để còn làm việc khác mới ra cớ sự. Mà quy trình kỹ thuật

cạo mủ nó không có ưu ái cho ai hết, bác chỉ được phép cạo đúng quy trình mỗi miệng cạo là một nửa cây cao su thôi (tức được cạo 50% của vỏ cây vòng thân). Khi đó, bác cạo nhanh sủi miệng hậu bị lố góc. Bác cạo hơn miệng cạo nửa cây, chắc cũng cỡ 60% vỏ cây vòng thân. Lỗi này không còn gọi là không vuông góc nữa, mà bị liệt vô lỗi cạo vượt… ranh hậu làm hư, nát bét cả quy hoạch vỏ cạo cho phần vỏ mặt cạo sau này…

– Trời! Bác cạo vượt… ranh. Hèn gì bị rầy phải rồi!

– Thì đó, bây cạo vượt được thưởng. Bác cạo vượt bị rầy mới đau chứ!

Chúng tôi bật cười theo điệu bộ hài hước, tếu táo… từ từ chậm rãi của bác đến khi bác đi khuất dần về phía xóm Bàu Rùa. Và mãi cho đến tận bây giờ câu chuyện cạo vượt bị rầy của bác vẫn còn âm ỉ trong chúng tôi những trận cười vui nhộn, giòn giã… mỗi khi có đồng nghiệp cạo sai phạm lố góc vượt ranh hoặc các dịp gặp gỡ ngồi lại với nhau nhâm nhi… vào mùa Tết đến, Xuân về.

NGUYỄN CỦ CẢI