Cần hoàn thiện ca – múa – nhạc “chuyên” ngành cao su

CSVN Xuân – Hội diễn Tiếng hát công nhân cao su năm 2017 VRG diễn ra tại 5 khu vực đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Với những nét đặc sắc riêng, các khu vực đã góp phần tạo nên sự thành công chung của Hội diễn. Nhân dịp chào Xuân 2018, Tạp chí Cao su VN có dịp trò chuyện với nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn – Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật về chất lượng nghệ thuật của Hội diễn.
Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn (thứ 2 từ trái qua) nhận hoa từ BTC hội diễn. Ảnh: Tùng Châu
Nhạc sỹ Phạm Minh Tuấn (thứ 2 từ trái qua) nhận hoa từ BTC hội diễn. Ảnh: Tùng Châu
  • Ông đánh giá như thế nào về Hội diễn Tiếng hát công nhân cao su năm 2017 so với những lần trước đó, thưa nhạc sĩ ?

Hội diễn năm 2017 có quy mô tổ chức và số lượng các đơn vị tham gia nhiều hơn, được đầu tư dàn dựng tốt hơn những lần trước. Đặc biệt, có nhiều chương trình đạt đến đẳng cấp nghệ thuật. Những chương trình, tiết mục tại Hội diễn của các khu vực đều toát lên nội dung ca ngợi Đảng, quê hương đất nước, Bác Hồ, và đặc biệt không có chương trình nào là không ca ngợi công nhân cao su – những người trực tiếp sản xuất, đang hăng say lao động của các đơn vị trực thuộc VRG, cả trong nước và nước ngoài.

Tại khu vực I được tổ chức ở Hà Giang, các tiết mục chân chất, nhiều màu sắc, ngôn ngữ âm nhạc mang âm hưởng đặc trưng của dân tộc rẻo cao, tôi nghĩ các đơn vị cần tiếp tục phát huy chất liệu quý này để trở thành bông hoa tiêu biểu trong phong trào VHVN của các đơn vị trực thuộc VRG tại miền núi phía Bắc.

Còn tại khu vực II gồm các đơn vị Tây nguyên và Duyên hải miền Trung, tổ chức tại Nghệ An thì nghệ thuật đặc trưng là ngôn ngữ âm nhạc của Tây Nguyên, sức sống với vốn liếng người xưa để lại và được các đơn vị tiếp tục phát huy. Khu vực này có nhiều giọng hát hay, nhiều ngôn ngữ, nhiều nhạc cụ dân tộc là thế mạnh, kết hợp với các đơn vị Duyên hải miền Trung – những điệu nhạc mang tính nghệ thuật dân gian là hát ví dặm, với nhiều tiết mục ca cảnh nói về cao su nhưng mang hơi thở của vùng đất lam lũ, chịu nhiều mưa bão, khó khăn nhưng tiếng hát của họ vẫn ngời sáng.

Đến khu vực III gồm có các đơn vị Lào, Campuchia thì Ban giám khảo và khán giả được thưởng thức những điệu múa của đồng bào dân tộc Lào và những điệu nhạc rất hay của bà con vùng biên giới Việt Nam – Campuchia. Có thể nói sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ âm nhạc ba nước anh em láng giềng đã để lại nhiều dư vị ngọt ngào cho người thưởng thức.

So với Hội diễn những năm trước thì năm nay, các đơn vị công nghiệp, dịch vụ, hành chính sự nghiệp đã có sự tiến bộ, đầu tư rõ nét. Số lượng đơn vị tham gia nhiều hơn, tiết mục chất lượng hơn. Chúng tôi cũng đánh giá cao tinh thần tham gia Hội diễn của các đơn vị này bởi anh chị em đều rất bận rộn, nhưng họ vẫn tích cực tham gia để có tiếng hát, góp vào thành công của Hội diễn.

Miền Đông Nam bộ vốn là cái nôi truyền thống của phong trào văn hóa văn nghệ. Khu vực này quy tụ anh tài hào kiệt, các đơn vị vốn có tiềm lực âm nhạc, tiềm lực nghệ thuật được bồi dưỡng và lớn mạnh cùng với sự phát triển của đơn vị. Trong Hội diễn năm 2017 khu vực Đông Nam bộ, sức mạnh tổng hợp về giọng ca, dàn dựng, phối khí, biểu diễn… đã được phát huy rõ nét. Và có thể nói, các chương trình dự thi đã đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật.

  • Đã nhiều năm góp mặt tại Hội diễn với vai trò là Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật, theo nhạc sĩ trong những Hội diễn lần tới, các đơn vị phải tập trung vào những yếu tố nào để Hội diễn ngành cao su ngày càng đạt chất lượng nghệ thuật hơn?

Ngành cao su đã có truyền thống về phong trào văn hóa văn nghệ. Trong các đơn vị trực thuộc VRG có rất nhiều hạt nhân, có triển vọng thường xuất hiện ở các hội thi, hội diễn các cấp cơ sở và Tập đoàn. Bên cạnh đó, cũng có những tiềm năng, năng khiếu về âm nhạc chưa có điều kiện thể hiện. Tôi nghĩ, các đơn vị cơ sở phải tạo điều kiện để những nhân tố này có cơ hội phát huy năng lực.

Riêng đối với hội diễn cấp ngành, theo tôi những năm tới nếu có điều kiện cần mở rộng các loại hình nghệ thuật khác như độc đấu, song tấu, tam tấu hoặc solo múa, cũng như phát huy những giá trị nghệ thuật tiềm năng còn nhiều trong các đồng bào dân tộc anh em vùng đồng bằng sông Cửu Long và các vùng khác để tạo ra không khí âm nhạc không chỉ có hát mà có múa ít người, hoàn thiện ca múa nhạc ở góc độ chuyên của ngành cao su, phấn đấu yếu tố nghệ thuật gắn liền với nội dung, phát huy mạnh hơn, nhiều hơn trong những năm tiếp theo.

  • Xin cảm ơn nhạc sĩ!

Minh Nhiên (thực hiện)