“Sống chậm” ngày cách ly

CSVN – Tôi trở thành F0, đón nhận thông tin “hai vạch” trong một tâm thế bình tĩnh, không quá lo lắng vào ngày đầu tuần khi đến bệnh viện khám sàng lọc. “Vị khách không mời” cũng “ghé thăm” sau 6 tháng “phòng thủ chặt” trong bao cung bậc cảm xúc: Lo lắng, sợ hãi, bất an… khi khu phố xuất hiện ca dương tính đầu tiên cho đến khi TP. HCM mở cửa bước vào cuộc sống bình thường mới.

Ảnh minh họa

Cũng đã lâu rồi, từ ngày thành phố thực hiện việc giãn cách xã hội khi dịch bệnh lây lan ngoài cộng đồng, ca nhiễm bệnh tăng vọt, khu xóm vắng hẳn tiếng nói cười mỗi khi chiều xuống, bộ bàn đá dành cho cánh đàn ông “trà dư tửu hậu” bám phủ rêu xanh, và cả khoảng trời trong xanh vắng bặt tiếng động cơ máy bay trước khi hạ cánh xuống sân bay Tân Sơn Nhất…

Thành phố dần mở cửa thích ứng an toàn với dịch Covid – 19, tôi lại có được cảm giác háo hức ngồi đếm những chuyến bay đêm trên bầu trời đầy sao. Một cái gì đó thật lạ, thấy xốn xang khi nghe tiếng động cơ ầm ầm ù ù từ xa

– đến gần – khuất hẳn. Cứ 15 – 30 phút trên bầu trời yên tĩnh những chiếc máy bay ngang rồi thấp dần để hạ cánh, những chuyến bay tần suất dày hơn của các hãng hàng không là tín hiệu vui của sự giao lưu thông thương các vùng miền, dấu hiệu tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát.

Miệng khô đắng, trong người bứt rứt khó ngủ, trở dậy lấy ly nước ấm uống, nhìn đồng hồ hơn ba giờ sáng. Qua ô cửa sổ nhìn xuống đường, chiếc xe bán hủ tiếu gõ của vợ chồng chị Thu người Bình Định đã phủ bạt hơn 7 tháng, im lìm phơi sương dưới bóng đèn đường vàng vọt; xa hơn dưới lề đường xe ô tô bốn chỗ chạy Grab của chú Công quê Phú Yên, thuê phòng trọ mới chạy lại được 2 tuần cũng tạm nghỉ cách ly vì dính Covid; vợ chồng chị Lan quê Ninh Bình bán thịt heo đang loay hoay chặt phân loại, cho kịp trời sáng dọn ra đầu ngõ để bán.

Từ khi dịch bùng phát, anh chị cũng mất việc do công ty đóng cửa. Chật vật với những khoản tiền vay ngân hàng mua nhà chưa trả hết, một đàn cháu 7 đứa chộn rộn tập trung về “nhà nội” tránh dịch, anh chị chuyển hẳn sang bán rau củ, rồi bán thịt heo bởi “có lời mà không sợ bị hư thối”…

Trăng thượng tuần vằng vặc, tiếng chó sủa xa xa, tiếng gà gáy eo óc, tiếng động cơ nổ giòn của chiếc xe lấy rác cà tàng của chú Tư vang vọng, phá tan sự tĩnh lặng, chợt dừng, rồi đi và mất hút xa dần… Trời chuyển dần về sáng, đôi chim gù tìm nhau râm ran trong không gian yên bình. Các căn nhà cao tầng vẫn im lìm “cửa đóng thên cài”, chỉ trong gió thoảng mùi hương ngọc lan phảng phất.. .

Hít vào, thở ra…Bài tập thở dành cho các “ép không” cách ly tại nhà bị đứt quãng bởi tiếng lạch cạch của ổ khóa mở cửa, tiếng chú Thắng hàng xóm mệnh danh “siêu nhơn” (từng bị F0 và đã chích hai mũi vaccine phòng dịch) văng vẳng: “Công ơi, sao rồi, âm chưa, đồ ăn treo ở cửa nhé. Hôm nay ăn gì, anh nấu đưa sang…”. Kể từ khi dịch bùng phát lần thứ 4, cuộc sống của những người lao động nghèo sống trong dãy nhà trọ trở nên chật vật và bức bối. Có người trụ lại thành phố để mong có được việc làm, có kẻ tìm đường về quê tránh dịch, có người phải chuyển hướng mưu sinh…

14 ngày cách ly “sống chậm” “chờ âm”, đó là khoảng thời gian có dịp “lắng lòng” trước những sự việc, những thanh âm vui buồn của cuộc sống nơi xóm phố. Cố hít thật sâu khí trời căng đầy lồng ngực, một ngày mới lại bắt đầu. Bất chợt văng vẳng những ca từ của bài hát Hãy yêu nhau đi của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cứ ngân nga: “Hãy trao cho nhau muôn ngàn yêu dấu/Hãy trao cho nhau hạnh phúc lẫn thương đau…”.

MINH KHÔI