CSVN – Sau hơn 10 tháng phát động cuộc thi (01/12/2021 – 01/10/2022). Ban tổ chức đã nhận được hơn 225 bài dự thi gồm các thể loại Thơ – Văn – Nhạc – Video clip và hơn 400 ảnh của các tác giả trong và ngoài ngành mọi miền Tổ quốc và NLĐ các đơn vị nước bạn Lào và Campuchia; với nhiều lứa tuổi và ngành nghề, bộc lộ nhiều cung bậc tình cảm, thể hiện cá tính sáng tạo thông qua cách chọn đề tài, hình ảnh, nhân vật và cách diễn đạt…
Điều đáng trân quý tại cuộc thi là sức lan tỏa, thu hút đông đảo NLĐ trong ngành tham gia, chủ thể các tác phẩm dự thi phản ánh là vẻ đẹp của người lao động – đó là tài sản quý, là nền tảng quan trọng để ngành cao su vượt qua khó khăn, có bước tiến vững chắc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
BTC ghi nhận ở thể loại văn xuôi, số lượng tác phẩm gởi về khá phong phú về đề tài và đa dạng về cách thức thể hiện. Đó là sự khẳng định “Trên bản đồ Việt Nam hôm nay có bao nhiêu diện tích cây cao su hiển hiện là bao nhiêu thước đo của tính cần cù, siêng năng, chịu thương chịu khó của lớp lớp người trước, người sau; của triệu triệu công nhân cùng góp sức chung tay làm nên một VRG và thương hiệu Việt” (Công nhân tự sự – Đoàn Thị Thùy trang). Chiến tranh đi qua và “đất đã hóa tâm hồn”, đươm hoa từ những bàn tay khai hoang trồng mới.
Ở đó chúng ta bắt gặp anh giám đốc Nông trường K’Dang “tuổi đời chưa nhiều nhưng gần 20 năm qua đã có sự đóng góp đáng kể đối với sự phát triển của công ty. Một lãnh đạo trẻ có năng lực, tâm huyết và đặc biệt là rất đam mê với công việc mà mình đã chọn là gắn bó với cây cao su trên vùng đất Bazan” (Trần Thanh Trung, Giám đốc trẻ cháy bỏng tình yêu cây cao su – Hà Đức Thành); đó còn là nỗi niềm của người lao động xa quê, 8 năm trên đất bạn “một quãng thời gian không quá dài, nhưng đó là cả thanh xuân của bản thân tôi. Sống ở nơi xứ người, để có cái cảm giác thanh bình mà nó mang lại như chính quê hương mình. Gần gủi, yên bình, chắc hẳn không phải nơi nào cũng có thể mang lại cảm giác như thế” (Đất lưu dấu chân người – Cẩm Ly); đó còn là cảm xúc của cô công nhân mới vào nghề “đơn độc giữa rừng cao su trong màn đêm tĩnh mịch, vẫn không sợ hãi. Mà trái lại, sự tồn tại của rừng cao su, của dòng mủ trắng dần dà trở nên thân quen với tôi…tin rằng, ở khắp mọi cánh rừng cao su trên Tổ quốc vẫn đang có những người công nhân đang miệt mài thu hoạch dòng sữa trắng, với niềm hi vọng cháy bỏng về một tương lai tươi sáng” (Cao su và tôi – Phương Anh); là hình ảnh thân thương của chị Hoàng Thị Hồng – Tổ 4, Đội cao su Ea Wy ngồi ngóng chờ mưa tạnh để ra lô cạo mủ, vì “đối với người công nhân sợ nhất là những cơn mưa đêm. Mưa không ra lô được ngày nào thì sản lượng mủ sẽ mất đi ngày đó” (Mưa đêm – Tống Trường Ngữ)…
Mỗi nhân vật được khắc họa với vẻ đẹp riêng nhưng đều gởi gắm thông điệp tinh thần trân quý 125 năm cây cao su di nhập vào Việt Nam và lòng tự hào lịch sử 93 năm vẻ vang ngành cao su Việt Nam của người lao động trong và ngoài ngành. Bởi tất cả là di sản tinh thần vô giá – là nền tảng, là bệ phóng để ngành cao su vượt qua khó khăn trong các giai đoạn đối mặt với cơn sóng dữ.
“Tia nắng mới thắp lên ngàn khát vọng/ Nghe hào hùng dòng chảy chín ba năm”.
Gần một thế kỷ “phát triển song hành cùng truyền thống cách mạng” với biết bao thăng trầm, người công nhân cao su từ thân phận làm thuê đã trở thành người chủ thực sự. Chính sự trưởng thành và kỹ năng của người công nhân phát triển qua bao năm tháng là sức mạnh nội lực, đem đến vẻ đẹp đặc thù về ngành, trở thành sợi dây kết nối bền chặt giữa Đất và Người để ngành cao su VN phát triển bền vững.
Cuộc thi khép lại, nhưng hình ảnh thân thương của người lao động “một nắng hai sương” vẫn hiển hiện trên từng trang viết, có sức sống lâu bền trong lòng bạn đọc tinh thần yêu lao động, lòng tự hào về truyền thống vẻ vang, niềm tin vào tương lai của “Cao su – Dòng chảy cuộc sống”, tạo sức lan tỏa và hiệu ứng tích cực cho các cuộc thi mà Cao su Việt Nam sẽ phát động trong thời gian tới.
MINH NGUYÊN
Related posts:
- Gìn giữ điệu xòe Thái Sơn La
- Đảo Lý Sơn níu chân du khách
- Tình người trong mưa bão
- “Tiếng nói công nhân cao su Dầu Tiếng” lan tỏa đến từng khu phố
- Rèn tay dao
- Cây cao su thật diệu kỳ!
- Độc đáo “Lễ cúng mừng lúa mới” của người Bahnar ở huyện Đăk Đoa – Gia Lai
- 100 em tham gia trại hè ngành cao su tại Sapa
- "Vàng trắng" thấm tình yêu, tình người
- Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc