CSVN – Ngày 30/3, VRG và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức Hội thảo khoa học Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019), để góp ý nâng cao chất lượng bản thảo lần 1 sách Lịch sử ngành cao su Việt Nam.
Hội thảo do ông Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG chủ trì. Nhiều góp ý tâm huyết tại hội thảo của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo ngành cao su, các đơn vị thành viên khu vực Đông Nam bộ là cơ sở để hoàn thiện sách sử ngành cao su trong thời gian tới.
Phản ánh chân thực lịch sử phát triển ngành cao su
Trải qua một thời gian làm việc hết sức khẩn trương, nghiêm túc, đến nay, Ban Biên soạn đã hoàn thành bản thảo lần 1 công trình Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019). Tại hội thảo, ông Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã phát biểu phần Đề dẫn: “Với lịch sử 90 năm hình thành và phát triển của ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019) – đó là cả một chặng đường dài gian nan, vất vả, chông gai. Biết bao thế hệ lãnh đạo và công nhân cao su đã đóng góp cả về xương máu và mồ hôi cho sự phát triển của ngành.
Vì vậy, ngành cao su Việt Nam rất cần thiết được nghiên cứu, biên soạn thành một công trình lịch sử công phu. Việc nghiên cứu lịch sử ngành cao su Việt Nam sẽ khẳng định trang sử vàng truyền thống của ngành. Qua đó, góp phần vào việc bồi dưỡng truyền thống yêu nước, cách mạng, khơi dậy niềm tự hào cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức ngành cao su nói riêng và nhân dân nói chung. Từ đó, đẩy mạnh các phong trào thi đua nhằm xây dựng ngành phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều vào sự phát triển của đất nước.
Với ý nghĩa to lớn như vậy, nhân kỷ niệm 90 năm truyền thống ngành cao su Việt Nam (28/10/1929 – 28/10/2019), VRG đã hợp tác với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tiến hành nghiên cứu, biên soạn công trình Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019), với mục đích phản ánh chân thực lịch sử phát triển, khẳng định những thành tựu và đóng góp của ngành đối với sự phát triển của đất nước qua các thời kỳ”.
Tài liệu lịch sử được tập hợp công phu cả trong nước và quốc tế
Tại hội thảo, ông Nguyễn Danh Tiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã báo cáo tóm tắt kết quả nghiên cứu, biên soạn Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019): Sau 5 tháng triển khai, đến nay bản thảo lần thứ nhất công trình Lịch sử ngành cao su Việt Nam giai đoạn 1929 – 2019 đã cơ bản hoàn thành và được tổng hợp thành 2 tập.
Công trình “Lịch sử ngành cao su Việt Nam, tập I (1929 -1975)” gồm 5 chương: Chương I (Sự ra đời của ngành cao su Việt Nam). Chương II (Ngành cao su Việt Nam trong thời kỳ đấu tranh giành độc lập dân tộc 1930-1945). Chương III (Ngành cao su Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 1945-1954). Chương IV (Ngành cao su trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1954 – 1965). Chương V (Ngành cao su trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước giai đoạn 1965 – 1975).
Công trình “Lịch sử ngành cao su Việt Nam, tập II (1975-2019)” gồm 5 chương: Chương I (Ngành cao su Việt Nam trong những năm đầu cả nước quá độ lên chủ nghĩa xã hội 1975-1985). Chương II (Ngành cao su Việt Nam trong những năm đầu thực hiện đường lối đổi mới 1986-1995). Chương III (Ngành cao su Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa 1996 – 2005). Chương IV (Ngành cao su Việt Nam tiếp tục đổi mới toàn diện theo hướng hội nhập và phát triển bền vững 2006-2019). Chương V (Định hướng và phát triển của ngành cao su Việt Nam đến năm 2030).
Nhiều góp ý tâm huyết cho bản thảo
Đánh giá về bản thảo, ông Trần Ngọc Thuận – Chủ tịch HĐQT VRG, cho biết: “VRG rất trân trọng khi được lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đặc biệt là đ/c Nguyễn Duy Bắc – Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Học viện và đ/c Nguyễn Danh Tiên – Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng đã trực tiếp tham gia công trình Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019). Với khối lượng nguồn tư liệu lịch sử đồ sộ, rất nhiều nguồn tư liệu quý giá từ nguồn của cao su, của Viện lịch sử Đảng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và nhiều nguồn khác. Trong bộ phận biên soạn có cả Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cụ thể là TS Trần Xuân Trí – Khoa Lịch sử đã có quá trình dài nghiên cứu về lịch sử Pháp, trong đó có phần lịch sử ngành cao su. Đ/c Trí đã có nhiều nguồn tư liệu trực tiếp từ Pháp rất quý giá về cao su”.
Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG, góp ý: “Chủ đề Lịch sử ngành cao su VN rất rộng không gói gọn trong Tập đoàn, nên chăng cần có thêm đề dẫn, có mạch… VRG là hình mẫu đóng vai trò dẫn dắt khoa học công nghệ và nhiều lĩnh vực. VRG có trình độ công nghệ, quản lý hiện đại và chuyên môn hóa cao. VRG gắn kết chặt chẽ giữa trồng trọt, khai thác, sản xuất kinh doanh với khoa học công nghệ, đào tạo; làm nòng cốt thúc đẩy ngành phát triển, hội nhập quốc tế.”
Ông Trần Công Kha – Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ VRG nhận định, biết bao thế hệ lãnh đạo và công nhân cao su đã đóng góp cả về xương máu và mồ hôi cho sự phát triển của ngành. Tôi thấy công trình khoa học Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019) được nghiên cứu, biên soạn thành một công trình lịch sử công phu, tâm huyết và bản thảo cần được mở rộng góp ý để bổ sung hoàn thiện, đầy đủ, chính xác.
Góp ý cho bản thảo, ông Trần Ngọc Thành – Nguyên Chủ tịch HĐQT VRG đề nghị bổ sung, làm rõ thêm về vai trò của Ban Cao su Nam bộ. Đặc biệt, về việc sử dụng lại cán bộ cũ như quản lý, kỹ thuật… Đó là chủ trương sáng suốt cần làm rõ thêm. Còn ông Võ Sỹ Lực – Nguyên Chủ tịch HĐTV VRG nêu ý kiến về việc bổ sung một số chi tiết như đưa cao su vào trồng ở Việt Nam năm 1897, cụ Nguyễn Sinh Sắc làm thư ký tại nhà máy chế biến Cao su Lộc Ninh, nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh về Lộc Ninh thành lập chi bộ đầu tiên tại Làng 2 và lãnh đạo công nhân cao su đấu tranh giành chính quyền, hình ảnh tờ 20 xu do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phát hành có hình vườn cây cao su…
Góp ý tại hội thảo, ông Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su VN, cho biết: Đây là công trình khoa học lịch sử giai đoạn 1929 – 2019. Trước đây chúng ta có quyển Lịch sử phong trào đấu tranh của công nhân cao su. Còn nhiều sự kiện vẫn còn thảo luận nhưng chúng ta phản ánh đúng, làm sáng tỏ nhiều vấn đề. Nên bổ sung các Nghị quyết ngành cao su Việt Nam trải qua 5 lần mở đất: Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc, Lào, Campuchia… “Công trình Lịch sử ngành cao su Việt Nam (1929 – 2019) là tài liệu quý nhằm giáo dục truyền thống, bồi dưỡng tình cảm và nâng cao tinh thần trách nhiệm, phẩm chất đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên, công nhân viên chức lao động Tập đoàn. Đồng thời là sự tri ân đối với các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, công chức đã có những đóng góp công lao vào sự ra đời, phát triển của ngành cao su” – ông Hùng chia sẻ.
TUỆ LINH
Related posts:
- VRG đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội Campuchia
- Cần khai thác hiệu quả dự án phát triển cây cao su miền núi phía Bắc
- Đ/c Nguyễn Văn Cường giữ chức Bí thư Chi bộ VRG Bảo Lộc
- 5 cán bộ Công ty Mang Yang – Ratanakiri được nhận Huân chương Hữu nghị Campuchia
- Người "giữ lái" Tập đoàn
- Cao su Mang Yang: Mừng công hoàn thành sản lượng sớm
- 21 đồng bào dân tộc thiểu số Cao Su Chư Sê hiến máu tình nguyện
- “Các công ty cao su tại Lào có nhiều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ đề ra”
- Tổ chức lễ khai thác mủ tại Lai Châu trang trọng, tiết kiệm
- Chi tiết vườn cây trường thi Bàn tay vàng cấp ngành năm 2022