Nhiều giải pháp ổn định lao động khai thác cao su

CSVNO – Ngày 21/3, VRG đã tổ chức Hội nghị đánh giá và đào tạo tay nghề công nhân khai thác khu vực miền Đông Nam bộ năm 2023, tại Tổng Công ty Cao su Đồng Nai. Các công ty cao su đã chia sẻ, trao đổi nhiều giải pháp tuyển dụng và ổn định lao động, đảm bảo sản xuất.

Lãnh đạo VRG, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai thăm hỏi công nhân người đồng bào Đội 1, NT Cẩm Đường
Khu nhà ở tiện nghi giúp công nhân đồng bào gắn bó với đơn vị

Trong khuôn khổ chương trình, đoàn công tác đã tham quan khu nhà ở công nhân người đồng bào tại NT Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai.

Chia sẻ với đoàn công tác, ông Phan Quang Bá – GĐ NT Cẩm Đường, cho biết: “Những năm 2016 – 2019, NT đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động, dẫn đến không hoàn thành kế hoạch sản lượng được giao. Nhờ chủ trương tuyển dụng lao động người đồng bào miền núi phía Bắc của Tổng Công ty, đến nay NT có 251 lao động người đồng bào tỉnh Hà Giang và Lào Cai tại 4 đội khai thác. Bên cạnh các chế độ chính sách đầy đủ, lương thưởng ổn định, đơn vị còn tích cực chăm lo cho NLĐ, với khu nhà ở đầy đủ tiện nghi giúp NLĐ yên tâm công tác, gắn bó với đơn vị”.

Đoàn công tác tham quan khu nhà ở công nhân người đồng bào tại NT Cẩm Đường

Hơn 3 năm làm công nhân khai thác tại Tổ 5, Đội 1, NT Cẩm Đường, vợ chồng anh Tẩn Seo Thể và chị Lừu Thị Chư (đồng bào H’Mong), tâm sự: “3 năm trước thấy em họ làm công nhân cao su ở NT Cẩm Đường có thu nhập ổn định, vợ chồng tôi khăn gói từ Hà Giang vào làm công nhân. Lúc mới vào, chúng tôi được đơn vị hỗ trợ nhà ở tiện nghi, được tặng tiền, quần áo, thực phẩm. Hiện tại thu nhập của vợ chồng tôi bình quân 10 triệu đồng người/tháng. Sắp tới, chúng tôi sẽ đưa đại gia đình vào làm công nhân cao su để có cuộc sống ổn định”.

Vợ chồng anh Tẩn Seo Thể và chị Lừu Thị Chư chia sẻ về công việc khai thác mủ cao su

Nhận xét về mô hình khu nhà ở người đồng bào ở Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa, chia sẻ: “Đây là lần thứ 2, Cao su Phước Hòa đến tham quan học tập mô hình của Tổng Công ty. Trước đây công ty đã cử đoàn công tác đến học hỏi và áp dụng hiệu quả. Chuẩn bị mùa cạo mới năm 2023, công ty thiếu hơn 200 công nhân khai thác, chủ yếu ở NT Bố Lá và Nhà Nai. Công ty cũng đã chủ động có những giải pháp thu tuyển lao động để đảm bảo sản xuất”.

Lãnh đạo các công ty thăm hỏi công nhân người đồng bào Đội 1, NT Cẩm Đường
Khu vực Đông Nam bộ thiếu 4.229 lao động

 Báo cáo tại Hội nghị đánh giá và đào tạo tay nghề công nhân khai thác khu vực miền Đông Nam bộ, ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG, cho biết, năm 2023, tổng số lao động theo định mức của Tập đoàn là 72.260 người, tổng số lao động hiện có là 69.221 người. Trong đó, khối khai thác cao su là 63.920 người, nhu cầu thiếu 8.340 lao động. Khu vực trọng yếu và khó thu tuyển nhất là Đông Nam bộ thiếu 4.229 người (chiếm 15,38%), bình quân một công ty thiếu 302 lao động.

Ông Trần Khắc Chung – Trưởng Ban Lao động Tiền lương VRG báo cáo tại hội nghị

Các công ty thiếu lao động nhiều nhất là Dầu Tiếng 1.581 người (30,6%), Phước Hòa 538 người (27,6%); Hòa Bình 234 người (38%), Bà Rịa 361 người  (24,6%) và Tân Biên 171 người (16,6%); các công ty còn lại vẫn thiếu, tuy nhiên tỷ lệ thấp dưới 10% nên có thể chủ động bố trí cạo choàng hoặc thay thế chế độ cạo khác bù đắp được.     

Chủ trì hội nghị

Hiện nay đa số các đơn vị thành viên khu vực cao su đều tổ chức mô hình quản lý sản xuất theo 3 cấp: Công ty – Nông trường (Đội), Nhà máy xí nghiệp – Tổ sản xuất.

Triển khai đồng bộ các giải pháp ổn định lao động

Theo ông Trần Khắc Chung, tại khu vực Đông Nam bộ, để giữ chân và thực hiện công tác thu tuyển lao động có tính thống nhất, mang tính lâu dài, các đơn vị thành viên cần triển khai đồng bộ các giải pháp tùy theo khả năng và nhu cầu của từng đơn vị.

Toàn cảnh hội nghị
Ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG phát biểu chỉ đạo tại hội nghị
Ông Võ Việt Tài – Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su VN trao đổi tại hội nghị

Cụ thể, cần chú trọng công tác tuyển dụng tại chỗ những lao động vì nhiều lý do đã xin nghỉ trước đây. Giải pháp này giúp đơn vị tiết kiệm đáng kể cả thời gian và chi phí tuyển dụng và chi phí xây dựng nhà ở thấp hoặc không có. Hơn nữa, những thông tin về lao động hoặc năng lực, kinh nghiệm của họ đáng tin cậy hơn.

Ông Phan Quang Bá – GĐ NT Cẩm Đường, Tổng Công ty Cao su Đồng Nai trình bày tham luận tại hội nghị

Thứ hai, tuyển dụng nhân sự từ bên ngoài. Tuy nhiên dùng giải pháp tuyển dụng này doanh nghiệp phải tốn chi phí quảng bá cho nhiều kênh, hơn nữa mất nhiều thời gian chờ ứng viên mới vào thay thế. Khi đã tuyển dụng thành công doanh nghiệp còn mất thời gian đào tạo, thử việc, bàn giao công việc mà chưa chắc giữ chân được lao động khi thu nhập không như kỳ vọng so với các đơn vị khác.

Ông Lưu Minh Tuyến – Phó TGĐ Công ty CPCS Đồng Phú báo cáo tham luận tại hội nghị

Thứ ba, thực hiện công tác khoán hộ cho công nhân. Giải pháp này giúp đơn vị tiết kiệm đáng kể cả thời gian và chi phí tuyển dụng, chi phí khác như BHXH, ATVSLĐ… và chi phí xây dựng nhà ở.

“Bên cạnh đó, cần trao đổi thống nhất về chi phí tuyển dụng, các cam kết khi tuyển dụng và không tranh chấp lao động giữa các đơn vị thành viên lẫn nhau. Tiết giảm chi phí khác trong giá thành, giảm bớt tỷ lệ lao động gián tiếp. Công khai minh bạch đơn giá tiền lương và chế độ chính sách cho NLĐ. Thường xuyên đối thoại định kỳ để lắng nghe tâm tư nguyện vọng của NLĐ. Tranh thủ sự ủng hộ từ Công đoàn các cấp và sử dụng các quỹ khen thưởng, phúc lợi đúng mục đích nhằm nâng cao thu nhập cho NLĐ” – ông Trần Khắc Chung, cho biết.

Ông Trần Bá Lợi – Trưởng Phòng Tổ chức Lao động Tiền lương, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng trình bày tham luận tại hội nghị

Tại hội nghị, 4 đơn vị (Tổng Công ty Cao su Đồng Nai, Công ty CPCS Đồng Phú, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Công ty CPCS Bà Rịa) đã báo cáo tham luận chia sẻ về những giải pháp thu hút và ổn định lao động, đảm bảo cho sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Tược – TGĐ Công ty CPCS Phước Hòa trao đổi tại hội nghị

Hội nghị cũng nghe chia sẻ kinh nghiệm của Công ty CPCS Phước Hòa, Công ty CPCS Hòa Bình, Công ty TNHH MTV Cao su Bình Thuận, Công ty CPCS Tân Biên, Công ty CPCS Tây Ninh.

Phát biểu kết luận hội nghị, ông Huỳnh Kim Nhựt – Phó TGĐ VRG, chỉ đạo: “Với kinh nghiệm thực tiễn, các công ty cao su cần chủ động, có nhiều kênh trong việc tuyển dụng lao động tại chỗ, lao động ngoại tỉnh, lao động là người đồng bào phù hợp với chế độ cạo của đơn vị và tiếp tục thực hiện tốt hoạt động khoán thu hoạch mủ. Bên cạnh đó, quan tâm đến công tác đào tạo tay nghề, ý thức kỷ luật cho NLĐ để đảm bảo không thiếu lao động và lao động có tay nghề đáp ứng được yêu cầu khai thác mủ. Đẩy mạnh các chế độ chính sách chăm lo cho NLĐ, để NLĐ yên tâm gắn bó với đơn vị”.

TUỆ LINH – VŨ PHONG