Chuyển đổi số: Công cụ thực hiện đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động doanh nghiệp

CSVN – Ngày 7/6, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương ban hành Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK về thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Tạp chí Cao su VN trích giới thiệu một số nội dung của Nghị quyết.

Phần mềm quản lý vườn cây Map Info áp dụng tại Công ty TNHH MTV Cao su Phú Riềng.
Mục tiêu đến năm 2025: 100% doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản trị

Các doanh nghiệp trong Khối đạt mức trung bình trong thực hiện chuyển đổi số của khu vực ASEAN, có 10 doanh nghiệp trong Khối đạt mức của nhóm dẫn đầu chuyển đổi số của ASEAN trong ngành, lĩnh vực của mình, có 20 doanh nghiệp trong Khối nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp dẫn đầu chuyển đổi số trong ngành, lĩnh vực của mình tại Việt Nam, trong Khối có 1 doanh nghiệp công nghệ số có năng lực vươn tầm khu vực và dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia, đảm bảo Internet băng thông rộng phủ 100% các xã.

100% các Đảng ủy trực thuộc có nghị quyết chuyên đề, lãnh đạo triển khai chuyển đổi số và có ban chỉ đạo chuyển đổi số; đến hết năm 2022 có 100% các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối có chiến lược, kế hoạch, chương trình thực hiện chuyển đổi số, có đội ngũ nhân lực CNTT cơ bản đủ năng lực và cơ quan chuyên trách triển khai chuyển đổi số.

100% các doanh nghiệp thực hiện ứng dụng công nghệ số trong quản trị; thực hiện số hoá 80% dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh; năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm.

Đến năm 2025 đạt 70% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng của doanh nghiệp có thể thực hiện trên môi trường số; trong Khối có 10 doanh nghiệp cơ bản hình thành hệ sinh thái số của doanh nghiệp, có khả năng dẫn dắt ngành.

100% các doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; các doanh nghiệp bán lẻ phát triển các nền tảng thương mại riêng phục vụ cả chuỗi cung ứng và phân phối, không chỉ dừng ở người tiêu dùng.

Các ngân hàng thương mại trong Khối có trên 75% các tài khoản thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử; cơ bản hoàn thành chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng (front-end) và nghiệp vụ nội bộ (back-end); tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 35%. 100% doanh nghiệp sản xuất nông, lâm nghiệp có triển khai ứng dụng công nghệ số phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị để tự động hóa quy trình sản xuất, quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn.

NHÓM NGÀNH NÔNG, LÂM NGHIỆP: CẦN ƯU TIÊN PHÁT TRIỂN MÔ HÌNH SẢN XUẤT CÔNG NGHỆ CAO

Nhóm ngành nông, lâm nghiệp là 1 trong 6 nhóm ngành ưu tiên thực hiện chuyển đổi số trong Khối. Theo đó, các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp (VRG, Vinacafe, Vinafood 1, Vinafood 2, Vinapaco, Vinataba) cần ưu tiên phát triển mô hình sản xuất nông, lâm nghiệp công nghệ cao theo hướng thông minh, chính xác, tự động.

Thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu đã được số hóa. Thực hiện xây dựng các hệ thống dữ liệu lớn về đất đai, cây trồng, điều kiện môi trường, thời tiết… tiến tới việc sử dụng dữ liệu phục vụ công tác trồng trọt, chăm sóc, khai thác, thu hoạch.

Ứng dụng công nghệ số để tự động hóa các quy trình sản xuất, kinh doanh; quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm, bảo đảm nhanh chóng, minh bạch, chính xác, an toàn, vệ sinh thực phẩm.

Mục tiêu đến năm 2030: 100% các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối cơ bản hoàn thành chuyển đổi số

Đến năm 2030, 100% các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối cơ bản hoàn thành chuyển đổi số, được quản trị và vận hành trên nền tảng công nghệ số. Có ít nhất 2 doanh nghiệp công nghệ số đủ năng lực vươn ra thị trường toàn cầu và tham gia vào dẫn dắt quá trình chuyển đổi số quốc gia.

Thực hiện số hoá 90% dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ, quy trình sản xuất kinh doanh. Năng suất lao động tăng bình quân 8%/năm.

Đạt 90% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng của doanh nghiệp có thể thực hiện trên môi trường số. Có 15 doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái số có khả năng dẫn dắt ngành. Các ngân hàng thương mại trong Khối có trên 90% các tài khoản thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử; tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 55%.

Nghị quyết còn nêu các giải pháp: Từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số phù hợp; Xây dựng và triển khai chiến lược về dữ liệu, quyết liệt thực hiện số hóa dữ liệu và quy trình nghiệp vụ; Tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, gia tăng trải nghiệm khách hàng; Phát triển các nền tảng dùng chung để phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt của các doanh nghiệp trong Khối nhằm tối ưu hóa nguồn lực và góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, Chính phủ số; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường chuyển đổi số.

Chú trọng công tác hoạch định chiến lược chuyển đổi số

Nghị quyết đã đưa ra 8 nhiệm vụ và giải pháp để triển khai thực hiện. Trong đó, thống nhất nhận thức về chuyển đổi số và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng. Cấp ủy các cấp tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các chủ trương của Trung ương, Chính phủ, Đảng ủy Khối về chuyển đổi số.

Đặc biệt chú trọng công tác hoạch định chiến lược chuyển đổi số và công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai. Cấp ủy chỉ đạo việc xây dựng chiến lược chuyển đổi số gắn liền với chiến lược kinh doanh, chiến lược phát triển doanh nghiệp, phù hợp với mục tiêu cơ cấu lại DNNN và bối cảnh cuộc CMCN 4.0. Doanh nghiệp có kế hoạch, lộ trình, chương trình triển khai cụ thể; thiết lập mục tiêu rõ ràng về chuyển đổi số và tuyên truyền phổ biến đến từng tập thể, cá nhân người lao động trong đơn vị.

Thành lập ban chỉ đạo chuyển đổi số nhằm đảm bảo sự lãnh đạo triển khai thông suốt trên toàn hệ thống doanh nghiệp, đơn vị, trong đó trưởng ban chỉ đạo là bí thư Đảng ủy, người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị. Các doanh nghiệp thành lập bộ phận chuyên trách về chuyển đổi số/CNTT để giúp việc cho ban chỉ đạo, đồng thời tổ chức thực hiện quá trình chuyển đổi số, quản lý tập trung các hệ thống công nghệ thông tin trong doanh nghiệp.

Nghị quyết còn yêu cầu tập trung chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và tài chính cho chuyển đổi số; xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp, đơn vị. Theo đó tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, người lao động, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, tạo sự thống nhất, quyết tâm chính trị cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.

Lựa chọn, bồi dưỡng, thu hút và trọng dụng nguồn nhân lực có đủ năng lực, phẩm chất, tư duy đổi mới, sáng tạo. Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thu hút nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao để tham gia vào quá trình chuyển đổi số. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công nghệ thông tin hiện có, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên sâu để đội ngũ này trở thành các chuyên gia nòng cốt tham mưu về chuyển đổi số của doanh nghiệp, đơn vị.

Thực hiện chuyển đổi số 100% cơ sở giáo dục, đào tạo trực thuộc doanh nghiệp. Chủ động liên kết với các viện, trường, trung tâm nghiên cứu và các đối tác trong và ngoài nước để đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Đổi mới nội dung và chương trình đào tạo nhân lực của doanh nghiệp; số hóa tài liệu, giáo trình và xây dựng nền tảng chia sẻ dữ liệu phục vụ công tác giảng dạy; tổ chức đào tạo theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Thực hiện cân đối đảm bảo bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai chuyển đổi số theo kế hoạch lộ trình đã đề ra. Tỷ lệ tăng trưởng hàng năm kép (CAGR) đối với chi phí đầu tư cho quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp phấn đấu đạt tối thiểu 20%/năm.  

P.V