Tập thơ Thanh Hiếu – Những miền yêu dấu: Thấm đượm tình đất, tình người

CSVN – Hàng năm, Ban biên tập Tạp chí Cao su VN lại nhận được một số các bài thơ của anh em cán bộ trong ngành, và thơ của tác giả Thanh Hiếu bao giờ cũng là những bài thơ được giới thiệu đậm hơn một chút.

Bởi lẽ, trong thơ của Thanh Hiếu là những câu chuyện về  tình cây, tình đất và tình người cao su. Thêm một chút nữa, chất nghệ thuật, chất nhạc trong thơ anh khó làm người đọc quên. Những tưởng “năm thì mười họa”, đầu xuân cuối hạ, Thanh Hiếu mới có cảm hứng  để  sáng tác một vài bài cho vui. Ai dè khi được cầm trong tay khoảng hơn 50 bài thơ của Thanh Hiếu mới thấy thật bất ngờ.

Nếu là một người chuyên làm thơ hoặc chăm chú để làm thơ thì là chuyện bình thường, nhưng biết Thanh  Hiếu  thì  lại là bất ngờ. Bởi Thanh Hiếu không thích khoe thơ, những câu chuyện, những đề tài khi tiếp xúc với Thanh Hiếu lại là chuyện của Mái ấm Công đoàn, chuyện về những chuyến đi, về các phong trào thi đua, chuyện của sản xuất kinh doanh trong Tập đoàn,… Hiếm lắm lúc có chút men say, Thanh Hiếu mới chịu đọc một vài câu thơ của mình. Có vẻ như Thanh Hiếu không để ý đến những bài thơ của mình “rơi rụng” ở đâu. Mà cũng đúng thật, anh còn đâu thời gian để chuyên chú vào thơ.

Thế mà bây giờ, khoảng 50 bài thơ lại được tập hợp lại, sinh động, cảm xúc, phong phú đề tài, thế mới lạ!

Nhà thơ Chế Lan Viên có nói: “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép”. Điều này đúng với Thanh Hiếu. Thơ của Thanh Hiếu là thơ được làm trong những chuyến đi và gắn liền với những địa danh. Chỉ một chuyến ra Trường Sa mà Thanh Hiếu đã có khoảng 10 bài thơ. Riêng con số và những xúc cảm mà Thanh Hiếu dành cho mảnh đất thiêng và những người chiến sĩ canh giữ biển khơi của Tổ quốc đã có thể làm cho nhiều nhà thơ phải kính nể! Khi đọc những bài thơ của Thanh Hiếu, người đọc có cảm giác là bất cứ một điều gì ở Trường Sa đều có thể đụng chạm đến nỗi niềm, tâm tư trong đó  lẫn lộn cảm xúc thiêng liêng, yêu thương, trân trọng, nghẹn uất, như muốn gào thét trong hờn căm

“Đất nước ơi! Những người lính không về

Sống giữ đảo, chết xây thành đảo” 

(Tưởng niệm các anh ở Côlin – Gạc Ma)

“Thắt tim khắc khoải Gạc Ma

Thù này phải trả, con à chớ quên”

(Với con – Nơi ấy  –  Gạc Ma)

Những câu thơ chùng xuống, thắt lại

“Nén hương thơm trầm mặc,

Cứ loanh quoanh quay quắc đảo chìm

Lời tưởng niệm là lời đất mẹ

Âu yếm từng tên: Liệt sĩ anh hùng”

(Tưởng niệm các anh ở Côlin – Gạc Ma)

Hình như những bài thơ của Thanh Hiếu viết về Trường Sa là viết cho riêng mình: “Trường Sa chiều em đến”, “Lục bát Trường Sa”, “Tiếng chuông chùa ở Trường Sa”, “Nồng nàn Trường Sa”,… Chính là tiếng lòng, tiếng của sóng, tiếng của biển, tiếng của những người lính, những cô văn công, tiếng chuông chùa trên đảo,… Đó là âm thanh của hồn thiêng, của dữ dội, hào sảng mà Thanh Hiếu cảm nhận được trong một chuyến đi. Nếu không có   sự tập hợp số lượng những bài thơ của Thanh Hiếu thì không thể biết được Thanh Hiếu đã dành cho Trường Sa những cảm xúc trọn vẹn như vậy. Nếu đoán không nhầm thì đó là chuyến đi ra khơi để đời của Thanh Hiếu? Hầu hết những bài thơ của Thanh Hiếu là những bài thơ gắn liền với những địa danh, đọc là biết Thanh Hiếu đã đi đến đâu. Từ “Một đêm KamPong Thom” ở một dự án cao su nước bạn đến một Sìn Hồ, Hà Giang – Dự án cao su ở Tây Bắc, đến một Tây Nguyên với Krông Buk, Chư Sê – dự án cao su ở Tây Nguyên. Chỗ nào cũng thấm đậm tình đất, tình người cao su. Những câu chuyện về cuộc sống của những người công nhân cao su, sự đổi thay ở những vùng đất mới

“Gió mênh mang ru cao su bạt ngàn

Đất trở dạ, cây giăng hàng kín lối 

Ai nhuốm xanh một màu huyền thoại

Nghe ngọn nguồn dòng nhựa chảy miên man”

(Đêm Kampong Thom)

“Em gói mùa đông trong chiếc khăn phiêu

Cho rừng cao su không còn chiều run rẩy

Tiếng khèn ai vắt qua đồi bên ấy

Xuân đang về trong điệu xòe đêm nay”

(Xuân Sìn Hồ)

Với lịch trình dày đặc đến với các công ty, nông trường, những cuộc họp, buổi làm việc nhiều đến thế, không hiểu vì sao mà những câu thơ của Thanh Hiếu viết về những vùng đất mới lại lãng mạn, say mê và tinh tế đến vậy

“Đêm Kampong Thom như miền cổ tích

Mảnh trăng trôi huyền ảo cuối làng

Mùa khốc khô tiếng nai rừng khát nước

Gõ vào đêm nhịp thủa đồng hoang”

(Đêm Kampong Thom)

“Krông Buk một lần anh đến

Hoa dã quỳ giấu nắng để vàng hơn 

Đường về buôn khói lam chiều buông sớm

Suối tóc khỏa trời ngây ngất hoa cà phê”

(Krông Buk một lần anh đến)

Và hình như khi có một chút men với những đêm cùng những “chàng trai chân đất”, “cùng với rượu ngô” thì thơ Thanh Hiếu lại say say. Bởi thế mà tâm hồn thi sĩ của Thanh Hiếu mới trỗi dậy giữa bộn bề công việc, trỗi dậy trong một góc khuất nào đó cố tình che giấu giữa đời thường.

“Đêm Sìn Hồ bếp lửa hồng  se  sắt

Xuân nỡ lòng nào cho anh trở về xuôi”

(Xuân Sìn Hồ)

“Nắng phây phây khỏa tròn lưng

Cái gùi nằng nặng xin đừng ngó lơ

Em Gia Rai mắt hoang sơ

Đây miền đăm đắm đôi bờ miên man”

(Lang thang chiều Chư Sê)

“Điệu lăm vông rượu uống chung

Chỉ tay ai buộc em từng buộc ai”

(Em là miền nắng Ba Chiêng)

Trọn tình cho cây, cho người, cho đất, cho những địa danh cao su, Thanh Hiếu ít viết riêng một mình. Thảng hoặc mới có một vài bài “tự tình”: “Một lần Đà Lạt”, “Bằng lăng ngoài ngõ”, “Vĩ Dạ xưa”,… Với những câu thơ thuộc về quá khứ, những hồi ức ngọt ngào lắng đọng, dỗi hờn của kỷ niệm bất chợt nhưng không phải là sự chú tâm để dành cho ký ức

“Nghe trong tiếng gió hanh hao

Vĩ Dạ xưa cứ cồn cào trông trênh”

(Vĩ Dạ xưa)

Đâu đó sự khắc khoải, nuối tiếc cũng là lẽ thường, càng làm cho thơ Thanh Hiếu, đời hơn, thật hơn, dễ thương hơn:

“Tôi gom tím biếc vấn vương

Ngõ ngoài một lối đoạn trường người ơi

Chỉ còn tôi với tôi thôi

Tím đời bạc tóc vơi ngõ ngoài”

(Bằng lăng ngoài ngõ)

Phải thừa nhận rằng, thơ Thanh Hiếu có một sức cuốn hút kì lạ, đó là cách mà Thanh Hiếu sử dụng từ và các cụm từ láy. Đọc rồi không quên được.

“Đường trơn phố núi chênh chao

Môi hồng em thắm lạc vào thôi miên”

(Mưa Pleiku)

Từ “chênh chao” để viết về mưa Pleiku thật lạ, độc đáo, không phải ai cũng biết sử dụng ở địa hình này. Thế mà Thanh Hiếu đưa vào câu “gọn lất, gọn lơ”.

Viết về Đồng Tháp với những “miền nổi nênh sen hồng lung liêng thắm”…

“Xuồng ba lá chơi vơi tìm ai chiều hoang hoải

Bông súng tím chờ duềnh cuối tràng giang

Về bưng biền say ngả nghiêng trời nước”

Chỉ cần những từ láy đó thôi đã thấy một Đồng Tháp với những mùa nước nổi, lung liêng của sen hồng, của bông súng duềnh lên trong chiều hoang hoải là không cần phải nói nhiều nữa. Đó là sự phóng khoáng, không gò bó của miền Tây đã làm say đắm lòng người khi đến đó.

Nói về tiếc nuối, trong những cánh bằng lăng Thanh Hiếu chỉ cần:

“Nhặt lên mong mỏng thơi lơi

Tím nguyên dĩ vãng bời bời còn thương”

(Bằng lăng ngoài ngõ)

“Nghe trong tiếng gió hanh hao

Vĩ Dạ xưa cứ cồn cào trông trênh”

(Vĩ Dạ xưa)

“Mượn chiều thê thiết lỡ làng

Duyên đầu khúc lặng lang thang tìm người”

(Với Phú Riềng)

Chỉ từng đó thôi, những từ láy đã nói hết sự mong manh, nuối tiếc của duyên phận, lỡ làng.

Dấu phía sau những hăm hở, nhiệt huyết cho những chuyến đi, những bộn bề của công việc và những bận tâm của cả trách nhiệm, ta tìm thấy một Thanh Hiếu với những trải nghiệm của tri thiên mệnh, của những nỗi niềm, nhân tình nhưng rất hiếm khi thấy Thanh Hiếu nói về điều này

“Thế à! Rượu đắng lẫn cay

Ngu ngơ nông nổi rủi may cũng đành

Thu vàng chanh. Thu vàng chanh 

Còn ta phải vậy hết xanh lại vàng”

(Đoản khúc thu)

Khúc nhân tình buồn một chút, nuối tiếc một chút nhưng đã làm say đắm lòng người

“Ta chờ ai nụ heo may

Ngọt ngào đến phận một ngày nhân duyên

Ta chờ đau đáu mắt huyền

Thinh không ai liếc an nhiên cuối trời”

(Đoản khúc thu)

Với “Đoản khúc thu”, mặc dù cố giấu nhưng Thanh Hiếu đã trở về đúng với một tâm hồn nhạy cảm, dễ bị tổn thương, cũng dễ mong manh, chơi vơi của kiếp nhân sinh. Và đó cũng chính là yếu tố để Thanh Hiếu mới có thể viết được nhiều đến thế mặc dù không chủ đích để làm thơ, và cũng vì thế mà thơ Thanh Hiếu giàu nhạc điệu đến vậy!

Tình đất, tình người đã là nguồn cảm hứng của rất nhiều nhà thơ, và cũng không hiếm những người thợ cao su làm thơ. Nhưng tập hợp được một số lượng bài thơ nhiều như Thanh Hiếu viết về cao su thì lại hiếm. Đọc thơ Thanh Hiếu có cả đời thực và có cả nghệ thuật thơ. Nhưng cảm hứng xuyên suốt của Thanh Hiếu về cuộc sống, về con người, về những vùng đất mà Thanh Hiếu đã đi qua thì luôn tràn đầy niềm tin, lạc quan, giống như dòng sữa của đất, của cây cao su ngọt ngào tuôn chảy, bất chấp thời gian, bất chấp nắng mưa và thăng trầm nghiệt ngã của đổi thay, vần xoay lịch sử.

Nếu có đi qua những miền đất cao su, ta sẽ nghe những bài thơ có nhạc của Thanh Hiếu. Giữa những bài thơ về mùa xuân, thơ Thanh Hiếu cuốn hút bởi sự trong sáng, niềm tin về cuộc sống, về con người lao động. Và nếu cầm trên tay tập thơ của Thanh Hiếu, ta sẽ không bất ngờ khi hiểu về Thanh Hiếu: Một chủ tịch Công đoàn cao su làm thơ mà lại làm thơ hay, để ta thấm thía thêm sự đúc rút, giản dị mà nhà thơ Tố Hữu đã nói “Thơ chỉ tràn ra khi trong tim ta cuộc sống đã tràn đầy”. Và có lẽ thế mà Thanh Hiếu có thơ.

UYÊN KHANH