20 năm sống cùng đồng bào

CSVN – Thấm thoát đã 10 năm trôi qua, kể từ ngày anh đưa chúng tôi đến nơi đồng bào đang gùi từng bầu cao su vượt đồi để trồng mới. Gặp lại anh Dương Viết Công – Nguyên Phó GĐ Nông trường (NT) Hà Tây (Công ty TNHH MTV Cao su Chư Păh) trong căn nhà khang trang ở thôn 3 của thị trấn Phú Hòa, Chư Păh, Gia Lai, chúng tôi vẫn ấn tượng về một con người chuyên làm công tác dân vận, vận động bà con đồng bào dân tộc trồng cao su.
Anh Dương Viết Công (bên phải) kiểm tra sức sinh trưởng cây cao su cùng bà con đồng bào
Anh Dương Viết Công (bên phải) kiểm tra sức sinh trưởng cây cao su cùng bà con đồng bào

“Khi tôi nghỉ hưu rồi, vẫn còn rất nhiều anh em CN, già làng đến nhà mời tôi về làng dự khi có ma chay, cưới hỏi…Những tình cảm đọng lại trong tôi nhiều nhất là hình ảnh của 2 lần mở miệng cạo đầu tiên tại vùng B2 và Hà Tây. Bà con, CN rất vui mừng, họ rơi nước mắt nói với tôi rằng: “Cám ơn Công nhiều lắm, anh đã mang đến cho bà con công việc mới, có tiền mua gạo, có tiền cho con đi học cái chữ”…Tôi xúc động lắm, 30 năm làm cao su tôi cũng chỉ cần có thế!”.

Vẫn cái bắt tay thân thiện như ngày nào, vẫn lời chào vui vẻ thuở làm cao su, anh nói ngay: “Giờ nghỉ hưu rồi, tham gia công tác cùng địa phương cho vui. Hiện nay, tôi đang là tổ trưởng tổ 7, bí thư thôn 3 và là đại biểu hội đồng nhân dân của thị trấn”. Thiết nghĩ đây là điều đương nhiên, bởi những ngày anh làm cao su đã được rất nhiều người tin tưởng, quý mến và tôn trọng, nhất là công nhân (CN) người đồng bào dân tộc.

Anh tâm sự: “Tính ra, tôi làm cao su đến ngày nghỉ hưu cũng tròn 30 năm, trong đó có đến 20 năm sống cùng đồng bào”. 10 năm sau ngày vào làm CN chăm sóc của NT Hòa Phú, trên cương vị là trợ lý kế hoạch anh được điều động vào vùng B2 để xây dựng các tổ đội và tuyển dụng lao động là người địa phương đi trồng cao su.

“Phải nói thêm là vùng B2 lúc bấy giờ hoàn toàn là người Jrai, họ chưa biết về cao su và tình hình an ninh trật tự cũng hết sức phức tạp. Trước hoàn cảnh ấy, tôi chỉ biết mình sẽ bắt đầu công việc bằng lòng yêu nghề và thương đồng bào vì cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn. Rất nhiều lần phải chấp nhận để cho người ta tát vào má mình để chứng tỏ lòng chân thật khi đến làm việc với bà con. Sau vài lần như thế, tôi dần chiếm được cảm tình của đồng bào 9 làng trong vùng B2”, anh kể.

6 năm ăn, ở cùng bà con Jrai anh cũng thuộc làu những từ ngữ thông dụng, giao tiếp của họ. Chính điều này đã giúp anh rất nhiều trong việc tuyển dụng lao động trồng mới cao su, sau đó là đào tạo tay nghề, tuyên truyền cho bà con biết về những nội quy, quy định của công ty, nông trường để từng bước đi vào nề nếp trong công việc.

Năm 2002, khi NT Hà Tây được thành lập, lãnh đạo Công ty Cao su Chư Păh hiểu rằng để phát triển cao su thuận lợi trong các làng thì phải cần có con người như thế. Vậy là anh được điều động về làm phó giám đốc phụ trách dân vận và chịu trách nhiệm chính trong việc trồng mới cao su ở địa bàn này. Kinh nghiệm trồng cao su thì có, lòng nhiệt tình cũng có nhưng vẫn ngại tiếp cận văn hóa của một dân tộc khác, một ngôn ngữ khác.

Anh Công chia sẻ: “Khi được điều động mình cũng lo lắng, nhưng vào đến nơi cũng may là có vài người Jrai ở vùng B2 lấy vợ, lấy chồng người Bana trong vùng mình chuẩn bị phát triển cao su. Hơn nữa, người Bana ở vùng này dùng ngôn ngữ phổ thông nhiều hơn vùng B2 nên cũng không phải là việc quá khó. Thế là, tôi lại tiếp tục những ngày sống cùng đồng bào…”.

Hơn 10 năm tại NT Hà Tây, anh cứ ngỡ mình sẽ gắn bó với nơi này cho đến ngày nghỉ hưu. Ấy vậy, khi công ty phát triển cao su ở Ia Mơr lại gặp phải hoàn cảnh tương tự với những bản làng người Jrai. Thế là “người dân vận” Dương Viết Công lại tiếp tục khoác ba lô vào vùng biên giới ăn ở cùng đồng bào với nhiệm vụ tìm kiếm và tuyển dụng lao động tại chỗ.

Vốn là người giỏi trong công tác dân vận, anh được rất nhiều CN là đồng bào dân tộc quý mến. Hỏi anh có bí quyết gì để thuyết phục đồng bào? Anh khiêm tốn nói rằng: “Có bí quyết gì đâu, chỉ cần mình thật lòng với họ, đừng thất hứa, nói cái gì phải làm được cái đó, phải giữ chữ tín là họ nghe mình thôi”.

Văn Vĩnh