Nhiệt huyết của người thầy trên cao su miền núi phía Bắc

CSVN – Nước da ngăm đen, dáng người gầy gây và đôi chân thoăn thoắt leo đồi nhanh không kém người đồng bào. Đó là ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp thầy Nguyễn Văn Ân – giảng viên Khoa nông học, Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su.
Bà con đồng bào đang chăm chú xem thầy Nguyễn Văn Ân hướng dẫn kỹ thuật khai thác cao su.
Bà con đồng bào đang chăm chú xem thầy Nguyễn Văn Ân hướng dẫn kỹ thuật khai thác cao su.

Chúng tôi gặp thầy Nguyễn Văn Ân trong một chuyến công tác tại Tây Bắc. Với chất giọng Huế đặc trưng, thầy Ân chia sẻ: “Hình như mình có duyên với vùng miền núi phía Bắc, năm nào cũng vậy, đều đặn ít nhất là 1 chuyến công tác đến với nơi đây”.

Tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế, cầm tấm bằng đại học trên tay với bao ước mơ hoài bão của tuổi trẻ, nhiều dự định cho tương lai, thây Ân quyết định Nam tiến để lập nghiệp và rồi duyên số đưa thầy gắn bó với ngành cao su bằng quyết định xin vào Trường Cao đẳng Công nghiệp Cao su.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông tại vùng đất miền Trung, lần đầu đặt chân vào vùng đất Đông Nam bộ bạt ngàn cao su, một cảm giác bỡ ngỡ và lạ lẫm. Nhưng rồi bằng quyết tâm và lòng nhiệt huyết, thầy đã vượt qua để quen dần với cánh rừng cao su bạt ngàn xanh mướt.

[cow_johnson general_float=”center”]Thầy Ân tâm sự: “Những dịp Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam tôi lại được thưởng thức những món đặc sản của đồng bào miền núi phía Bắc, xuất phát từ tấm lòng dành tặng cho “người thầy của núi rừng”. Công sức và tấm lòng của đồng bào chính là nguồn động viên to lớn, tiếp thêm sức mạnh cho tôi, khiến tôi thêm yêu mến ngành cao su, yêu mến đồng bào nơi địa đầu Tổ quốc.”[/cow_johnson]

Khi cây cao su được Bắc tiến thì đó cũng là lúc thầy bắt đầu cái duyên của mình với đồng bào miền núi phía Bắc, những năm đầu là lớp học về kỹ thuật trồng, chăm sóc cao su. Thầy Ân kể lại: “Những ngày đầu khi theo cây cao su ra với đồng bào quả thật rất gian nan vất vả. Bà con mình vốn chỉ quen phát nương làm rẫy hoặc canh tác lúa trên ruộng bậc thang, nay phải làm quen với một loại cây trồng mới lạ, làm việc thì phải theo quy định của công ty nên gặp nhiều khó khăn”. Nhưng rồi cùng với sự cố gắng của bà con, sự nhiệt tình của thầy giáo, “cái cây cao su ấy” đã chịu ở lại với bà con và bà con cũng bắt đầu “ưa cái bụng” đối với cây cao su.

Trồng cây chỉ mong đến ngày hái quả, rồi thì ngày cây cao su cho những giọt mủ đầu tiên cũng tới. Và đó cũng là chuỗi ngày với những chuyến công tác phía Bắc kéo dài cả tháng đối với thầy Nguyễn Văn Ân. Thầy lại về với đồng bào, với những lớp học về kỹ thuật khai thác cao su. Thầy tâm sự: “Cái khó nhất của việc dạy khai thác cho đồng bào đó chính là bất đồng ngôn ngữ. Hầu như toàn bộ phụ nữ ở đây không biết tiếng Kinh, khi dạy phải nhờ chồng hoặc học viên nam khác phiên dịch thì mới hiểu. Có người phiên dịch tốt thì đồng bào làm đúng còn nếu phiên dịch không tốt thì đồng bào lại không làm được. Ở đây có những lớp học đặc biệt không có chữ viết, chỉ có… hành động”.

Không chỉ gắn bó với đồng bào miền núi phía Bắc mà trong quá trình công tác, thầy Nguyễn Văn Ân cũng đạt được nhiều thành tích như: Danh hiệu Chiến sỹ thi đua cấp cơ sở, Gương điển hình tiên tiến giai đoạn 2010 – 2015, Giải nhì Hội thi Giáo viên dạy giỏi cấp Bộ Nông nghiệp năm 2017.

Thầy Ân chia sẻ, “ Có lẽ, cái bấu víu, níu kéo tôi ở lại với miền núi phía Bắc chính là tình người, những học viên thật thà, chân thành, mộc mạc, dễ thương ham học”. Chính vì thế mà đến nay hầu như tất cả các công ty cao su tại miền núi phía Bắc, từ Đông Bắc cho đến Tây Bắc đều in dấu chân của thầy Nguyễn Văn Ân.

                                                                                        DUY KHÁNH