“Nhiều thế hệ đã tiếp nối, kề vai sát cánh, đoàn kết đưa nông trường ngày càng phát triển”, ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên GĐ nông trường An Lập, Cao su Dầu Tiếng chia sẻ.
38 năm trải qua thời gian xây dựng và phát triển, Nông trường An Lập đang từng ngày đổi mới, góp phần vào phát triển SXKD của Cao su Dầu Tiếng nói riêng và địa bàn nơi nông trường trú đóng nói chung. Ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên GĐ nông trường (giai đoạn 1995 – 2008), đã chứng kiến, dõi theo từng bước đi của nông trường để có một vị thế như hôm nay.
Những ngày tháng 12/2019, chúng tôi ghé thăm Nông trường An Lập, Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng. Được sự giới thiệu của lãnh đạo nông trường, chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Thắng, nguyên GĐ Nông trường An Lập giai đoạn 1995 – 2008.
Ông Nguyễn Văn Thắng sinh năm 1958, quê gốc An Lập, Dầu Tiếng, Bình Dương. Trải qua 27 năm “hữu duyên” gắn bó với ngành cao su, gắn bó với nông trường An Lập, đến nay mặc dù đã nghỉ hưu nhưng các thông tin về tình hình phát triển của nông trường, của công ty và ngành ông đều nắm bắt và dõi theo.
27 năm gắn bó, ông Thắng đã có nhiều kỷ niệm vui, buồn theo sự thăng trầm, phát triển của nông trường, công ty và của ngành. Ông trầm ngâm, đôi mắt nhìn xa xăm, như hồi tưởng lại quãng thời gian đã qua vẫn còn in dấu trong tâm trí ông như những thước phim quay chậm.
Trò chuyện với chúng tôi, ông Thắng kể lại: Nông trường An Lập được thành lập ngày 7/6/1982. Thời kỳ 1995-2008 là giai đoạn nông trường gặp nhiều khó khăn, vừa ổn định phát triển sản xuất, đặc biệt năm 2007, 2008 nạn trộm cắp mủ cao su xảy ra thường xuyên, gây bất ổn và thất thoát nghiêm trọng cho nông trường, cũng như ảnh hưởng đến kế hoạch sản lượng của công ty và ngành.
Đứng trước tình hình khó khăn đó, ban lãnh đạo nông trường đã chấn chỉnh, thống nhất trong toàn thể nông trường, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống NLĐ, cũng như chú trọng nâng cao nhận thức về công tác bảo vệ tài sản, quản lý vườn cây trong NLĐ toàn nông trường.
Ban lãnh đạo và các đoàn thể bám sát, chỉ đạo từ nông trường đến các tổ, tuyên truyền công nhân tận thu các loại mủ, giao nộp, nâng cao đời sống NLĐ. Nông trường cũng phối hợp tốt với công an xã, chính quyền địa phương, thu tuyển công nhân, chấn chỉnh ổn định sản xuất, các lực lượng bảo vệ tuần tra túc trực trên lô, tuyên truyền vận động công nhân từ đó khen thưởng những cá nhân trong lao động sản xuất, nêu gương người tốt việc tốt đã phần nào hạn chế tình trạng mất cắp mủ, tình hình an ninh trật tự được giữ vững.
Bên cạnh đó, được sự quan tâm của lãnh đạo công ty, sự ủng hộ của các đoàn thể, ban ngành địa phương trên địa bàn, nông trường tạo mối quan hệ tốt với địa phương đã giúp nông trường hoàn thành các kế hoạch công ty giao.
“Đoàn kết là sức mạnh. Có thể nói, 38 năm qua, dưới sự lãnh đạo điều hành của Đảng bộ nông trường và trên hết là sự đồng thuận, đoàn kết của toàn thể NLĐ, Nông trường An Lập đã có những bước tiến dài với những thành tựu nổi bật trên tất cả các chỉ tiêu SXKD, đóng góp cho sự phát triển của Cao su Dầu Tiếng. Nhiều thế hệ đã tiếp nối, kề vai sát cánh, đoàn kết đưa nông trường ngày càng phát triển, đóng góp vào thành quả chung của công ty và tập đoàn, tạo dấu ấn trên địa bàn đứng chân”, ông Thắng chia sẻ.
BÌNH AN
Related posts:
- Lưu ý khi tập thể dục mùa nóng
- Nơi khó, có thanh niên
- Cao su Sa Thầy vô địch giải bóng chuyền nam huyện Ia H’Drai
- ANRPC kêu gọi EU xem xét sâu hơn về vai trò của ngành cao su thiên nhiên trong phát triển bền vững
- Hoàng Hải Hiền: Người thầy đam mê sáng tạo
- Cần “doping” để chạy nước rút
- Cao su Tây Ninh tổ chức hội thao hưởng ứng Tháng công nhân
- Tình yêu xuyên biên giới
- Tận tâm với công việc
- Thể thao phái nữ là thế!