Mang cái chữ thắp sáng vùng cao su

CSVN Xuân – Ông Trần Minh Phước – nguyên Phó Chủ tịch Công đoàn Cao su Bình Long đã mang cái chữ về thắp sáng cả vùng cao su và đồng bào dân tộc đóng trên địa bàn.
Ông Trần Minh Phước tham gia làm Ban giám khảo Hội thi Chủ tịch Công đoàn giỏi năm 1999
Ông Trần Minh Phước tham gia làm Ban giám khảo Hội thi Chủ tịch Công đoàn giỏi năm 1999

Ông Phước sinh ra và lớn lên bên cầu Hiền Lương sông Bến Hải, mảnh đất khắc nghiệt gió Lào, người Quảng Trị vốn dĩ chắc nịch bền gan. Ông tham gia cách mạng từ những năm 70 thế kỷ trước. Là giáo viên dạy văn rồi chuyển về Phòng Giáo dục Bến Hải vào thập kỷ tám mươi. Theo phong trào đi xây dựng kinh tế mới, ông cùng vợ con về với Cao su Bình Long.

Sau khi tiếp quản từ Nông trường Hớn Quản (Quản Lợi) vào năm 1976, Cao su Bình Long gặp muôn vàn khó khăn: dọn dẹp, sắp xếp lại, ổn định tổ chức đi vào hoạt động. Chiến tranh để lại một đống hoang tàn từ cơ sở vật chất đến vườn cây.

Cán bộ công nhân tập hợp từ nhiều nguồn đa số là từ miền Bắc vào xây dựng kinh tế mới. Cơ sở vật chất của đơn vị tiếp quản lại chỉ một dãy nhà cấp bốn đã xuống cấp chật chội, lúc bấy giờ một phòng làm việc chỉ vài chục m2 nhưng có tới hai phòng ban làm việc chung, Ban Giám đốc cũng làm việc trong phòng chật hẹp, chỗ ở của cán bộ công nhân lại càng nan giải khó khăn. Nhưng với quyết tâm của lãnh đạo đơn vị đã được xây dựng, củng cố và phát triển dần ổn định.

Lúc bấy giờ, trình độ văn hóa của cán bộ và công nhân đều thấp, một số không biết chữ chưa hết phổ cập, lúc này Công đoàn đã có chủ trương thành lập Ban giáo dục trực thuộc Công đoàn để mở lớp học thêm, học bổ túc. Trong lúc khó khăn về giáo viên và người tổ chức, đơn vị đã đón một số cán bộ chuyên viên ngành giáo dục từ Bình Trị Thiên chuyển vào xây dựng cao su. Trong số đó có Trần Minh Phước, là cán bộ Phòng Giáo dục Bến Hải.

Sau khi trở thành biên chế của đơn vị, ông Phước luôn suy nghĩ phải làm gì thiết thực và hiệu quả cho phong trào học và làm. Ông đã cùng cán bộ giáo viên bàn, hợp lực thành lập ban giáo dục của Công đoàn để chỉ đạo thực thi, với một thời gian dài đã tập hợp được 17 giáo viên trong đơn vị đứng lớp. Trong quá trình xây dựng, vận động công nhân đến lớp là một câu chuyện dài hấp dẫn.
Ông nhớ lại, có người phải gửi con ra quê, gửi con ngay gia đình cô giáo dạy (lúc đó chưa có trường mầm non).

Với ý nghĩ “Văn hóa là chiếc chìa khóa, có kiến thức mới làm chủ nhà máy, vườn cây”, chỉ đơn giản thế thôi, ông đã xuống từng đội sản xuất, thuyết phục, vận động công nhân đi học. Nhưng học ở đâu? Từ bàn ghế cho đến lớp học đều không có, nhiều khi phải đốt mủ dây vơ vét ngoài vườn cây để làm ánh sáng. Nhưng với trách nhiệm là phụ trách mảng phổ thông ông vẫn kiên định, kiên trì, tạo một môi trường mới, mọi người đi học, rủ nhau học.

Ông không là người đứng vườn cây, chăm sóc hay cạo mủ nhưng ông đã góp phần xây dựng trong lĩnh vực giáo dục văn hóa, một kết quả to lớn mang tri thức cho mọi người, nâng cao sức chiến đấu hoạt động trong công ty, nó có giá trị đặc biệt về kinh tế trong một đơn vị làm kinh tế cho đến nay.

Nguyễn Tiến Đường