Tái cơ cấu VRG sau cổ phần hóa: Tập trung nguồn lực, tăng hiệu quả

CSVN – Theo Đề án tái cơ cấu VRG sau cổ phần hóa, mục tiêu nhằm tăng tính minh bạch, tăng hiệu lực quản lý và tăng hiệu quả kinh doanh; sắp xếp lại nguồn lực để tập trung nguồn lực cho ngành chính, tạo nguồn vốn cho phát triển VRG để đạt các mục tiêu kế hoạch đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Ảnh: Đào Phong
Ảnh: Đào Phong

Đề án tái cơ cấu VRG được xây dựng trên nguyên tắc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp: hoạch định lại ngành nghề sản xuất cốt  lõi,  tiếp tục thực hiện thoái vốn ngoài ngành chính theo lộ trình được phê duyệt; sáp nhập, thoái vốn, sắp xếp lại các mối quan hệ quản lý, sở hữu trong toàn Tập đoàn, để đáp ứng nhu cầu quản lý của cơ quan Quản lý Nhà nước và hội nhập quốc tế.

Ngành sản xuất cao su, với định hướng chuyển dịch quỹ đất trồng cây cao su sang cây trồng khác, ngành nghề phát triển khu công nghiệp có hiệu quả cao hơn, tổng diện tích cao su cuối kỳ sẽ giảm khoảng 25%. Tuy nhiên do diện tích đưa vào khai thác trong giai đoạn này cao nên diện tích cao su khai thác vẫn duy trì ở mức 250.000 -260.000 ha với năng suất tăng dần, đạt mức trên 400.000 tấn năm 2025, tăng 30% so với hiện nay.

Ngành chế biến gỗ tập trung vào việc tăng 3 lần sản lượng gỗ cao su tinh chế và các loại sản phẩm khác, sản phẩm chủ lực hiện nay là gỗ phôi cao su và MDF chỉ duy trì năng lực như hiện tại. Sản phẩm công nghiệp cao su tăng gấp 4 lần.

Ảnh: Vũ Phong
Ảnh: Vũ Phong

Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao sẽ đạt diện tích khoảng 40.000 ha, tuy nhiên diện tích cho sản phẩm khoảng 15.000 ha, do một số loại cây trồng có thời gian đầu tư 3-4 năm, nhưng có mức tăng trưởng rất lớn do năm 2019 chỉ  mới  bắt đầu phát triển. Riêng khu công nghiệp, diện tích cho thuê dự kiến hàng năm khoảng 600 ha, tương đương 1.000 ha đất cao su, tăng gấp 3 lần hiện nay, nâng tổng diện tích khu công nghiệp cho thuê của Tập đoàn khoảng 7.000 ha.

Tổng doanh thu dự kiến tăng gấp đôi so với hiện nay, khối công ty cao su tăng trưởng khoảng 1,5 lần nhờ tăng sản lượng khai thác và nông nghiệp công nghệ cao, nhóm ngành khác sẽ tăng trưởng 3-4 lần. Riêng lợi nhuận sẽ tăng trưởng chậm hơn doanh thu, tăng khoảng 1,7 lần do dự kiến giá thành cao su tăng do giá nhân công tăng, sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chi  phí khá cao giai đoạn đầu phát triển. Tương tự, khối công nghiệp cao su lợi nhuận không cao vì chủ yếu giai đoạn này tập trung phát triển quy mô, ổn định sản xuất và xây dựng thương hiệu. Lợi nhuận đóng góp chủ yếu từ 2 mảng chế biến gỗ và khu công nghiệp với mức tăng từ 2,5 đến 3 lần và đến năm 2025 sẽ chiếm khoảng 40% lợi nhuận Tập đoàn.

Theo đề án, về cơ cấu tổ chức, với phương án thoái vốn, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên, số đơn vị thành viên sẽ giảm đáng kể, từ 134 đơn vị hiện nay xuống còn 92 đơn vị, giảm 42 công  ty do sáp nhập, thoái vốn, số công ty con từ 107 hiện nay giảm còn 82 công ty, số công ty liên kết từ 27 công ty còn 10 công ty.

Công ty mẹ sẽ giảm số đầu mối quản lý từ 67 công ty con hiện nay xuống còn 41 công ty. Việc này giúp tăng thêm trách nhiệm của các công ty con trong việc quản lý dự án, sử dụng hiệu quả năng lực cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật có kinh nghiệm ở các công ty con và giúp Tập đoàn tập trung hơn trong vấn đề hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, xây dựng thương hiệu, điều phối nguồn lực và giám sát quá trình kinh doanh trong toàn Tập đoàn.

P.V