Đảng bộ VRG góp sức xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội giữ vững an ninh quốc phòng

CSVN – Trong quá trình hoạt động, Đảng bộ Tập đoàn luôn gắn nhiệm vụ SXKD với việc góp phần phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng và xây dựng nông thôn mới (NTM) tại các địa phương có cao su đứng chân một cách hiệu quả. Cao su trồng đến đâu, các công ty đều đầu tư xây dựng điện – đường – trường – trạm đến đó. Chỗ nào có cây cao su thì nơi đó có cuộc sống ổn định, khang trang, yên bình và no đủ. Các công ty luôn sát cánh hỗ trợ địa phương, thực hiện nhiều chính sách an sinh xã hội và an ninh quốc phòng, đã tạo hiệu ứng tích cực, mang lại sắc thái, diện mạo mới cho địa phương.

Kỳ 1: Tạo dựng những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới

Chương trình “Phát triển nông nghiệp – nông thôn” là một nội dung lớn trong công cuộc đổi mới của Đảng và Chính phủ. Trong thời gian qua, phong trào “Toàn ngành cao su chung tay xây dựng nông thôn mới” đã được Đảng bộ VRG triển khai thực hiện tốt và đạt được nhiều kết quả thiết thực, góp phần tạo dựng những giá trị bền vững cho nông thôn trong giai đoạn mới.

Bản làng thay áo mới dưới những tán rừng cao su. Ảnh: Nguyễn Cường
Cao su phát triển đến đâu là hạ tầng cơ sở phát triển theo đến đó

Năm 2023 đánh dấu cột mốc 126 năm cây cao su có mặt ở Việt Nam. Về truyền thống, ngành cao su Việt Nam đã trải qua hành trình 94 năm, kể từ mốc son lịch sử: 1929 – năm thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng tại Làng 3 của đồn điền cao su Phú Riềng (nay thuộc huyện Phú Riềng, Bình Phước). Từ cái nôi Phú Riềng Đỏ, ngành cao su Việt Nam tự hào có một truyền thống vẻ vang, gắn với công cuộc đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc của dân tộc và xây dựng đất nước. Truyền thống đó được tạo dựng, vun đắp từ sự đóng góp bằng tâm sức, sinh mạng, trí tuệ của hàng vạn con người qua nhiều thế hệ.

Các thế hệ cán bộ, NLĐ ngành cao su đã xây dựng và cống hiến, vượt qua khó khăn và gian khổ, hồi sinh những vùng đất hoang vu, đầy bom đạn bởi chiến tranh thành những cánh rừng cao su bạt ngàn trải rộng tại 34 tỉnh, thành từ miền Đông Nam bộ, Tây Nguyên, Duyên hải miền Trung, miền núi phía Bắc và 2 nước bạn Lào, Campuchia. Hoạt động của ngành cao su không chỉ góp phần phát triển kinh tế – xã hội, mà còn góp phần giữ gìn an ninh quốc phòng và đảm bảo an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), nhất là vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa…

Thời gian qua, Đảng bộ Tập đoàn đã có những việc làm cụ thể qua từng giai đoạn, thực hiện có hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng NTM và các tiêu chí xây dựng NTM trên địa bàn các tỉnh nơi các công ty thành viên cao su đứng chân. Các công ty cao su đã chủ động hỗ trợ các địa phương phát triển các công trình phúc lợi công cộng, như: giao thông đi lại (hệ thống đường liên thôn, liên xã, liên huyện nối ra các trục giao thông quốc lộ); xây dựng trường mẫu giáo, nhà trẻ, trạm xá… kéo đường điện, đường nước về phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho nhân đân trong vùng, hệ thống điện – đường – trường – trạm do các công ty cao su đầu tư những năm trước đã được chuyển giao dần cho địa phương quản lý. Qua đó, Đảng bộ VRG đã tích cực cùng với địa phương xây dựng NTM hiệu quả và bền vững.

Bình Phước là địa phương được mệnh danh là “thủ phủ” của cây cao su, trong suốt quá trình hoạt động các đơn vị trực thuộc VRG đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của tỉnh. Ông Nguyễn Mạnh Cường – UVBCH TW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Phước khẳng định: “Hơn một thế kỷ kể từ khi cây cao su được trồng trên địa bàn tỉnh Bình Phước, ngành cao su đã phát triển rất mạnh, cây cao su trở thành cây công nghiệp mũi nhọn của địa phương. Hiện nay, Bình Phước đứng đầu cả nước về diện tích cây cao su với hơn 234.000 ha, trong đó có khoảng 100.000 ha của các doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp cao su Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện giải quyết việc làm cho gần 24.000 lao động. Lĩnh vực cao su luôn đóng góp khoảng 30 – 40% nguồn thu ngân sách cho tỉnh. Sự đóng góp của cây cao su không chỉ về mặt kinh tế, mà còn góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tham gia xây dựng NTM; giải quyết việc làm và thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội”.

Cây cao su đã giúp đồng bào các dân tộc thiểu số tại tỉnh Lai Châu cải thiện đời sống. Ảnh: CTV
Thay đổi “diện mạo” những vùng đất khó

Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, các dự án trồng cao su của VRG tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, địa bàn khó khăn, phức tạp, đã phát huy tác dụng tích cực trên nhiều mặt: phủ xanh đất trống đồi trọc, góp phần xây đựng cơ sở hạ tầng ở nông thôn, cải thiện môi trường sinh thái, ổn định việc làm, thu nhập cho NLĐ, thay thế rừng nghèo kiệt bằng cây trồng có hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo, xây dựng NTM, đảm bảo trật tự – an ninh trên địa bàn. Sau 16 năm bén rễ ở miền núi phía Bắc (MNPB), vượt qua vô vàn khó khăn, thử thách, 28.715 ha cao su “đứng vững” với diện tích mở cạo mỗi năm càng nhiều, đến nay các công ty thuộc Tập đoàn đã và đang đem lại những hiệu quả trong việc tạo công ăn việc làm ổn định cho người dân bản địa, đảm bảo an sinh xã hội vùng sâu vùng xa, góp phần cùng bản làng thay áo mới. Nhờ có cây cao su, đời sống bà con đã thay đổi, giờ đây công nhân cao su vùng cao đã không còn “chạy” ăn từng ngày mà đã có thu nhập ổn định, nhà cửa khang trang, có tiền tích lũy.

Khu vực MNPB có 9 đơn vị hiện đang thực hiện nhiệm vụ trồng, chăm sóc, khai thác và chế biến cao su tại 6 tỉnh, với hơn 4.500 lao động, trong đó trên 92% là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn hoạt động. Trong thời gian qua, các công ty cao su đã tạo việc làm ổn định, thường xuyên cho NLĐ và 825 hộ nhận khoán. Đơn cử như năm 2022 vừa qua, thu nhập bình quân của 9 công ty cao su MNPB trên 5,4 triệu đồng/người/tháng, cao hơn năm 2021 là 11%. Nộp ngân sách Nhà nước trên 19,3 tỷ đồng. Các công ty khu vực MNPB đã nỗ lực từng bước giúp bà con các dân tộc trên địa bàn ổn định cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội và thay đổi diện mạo các bản làng vùng cao.

16 năm qua, song song với việc thực hiện nhiệm vụ giữ vững an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, xây dựng NTM, giúp bà con vùng cao có cuộc sống ổn định thì thành quả lớn nhất mà Đảng bộ VRG và các đơn vị ở MNPB đạt được khi phát triển cao su tại đây đó chính là cây cao su đã dần “bén rễ” vào lòng người, vào tâm trí của bà con thôn bản. Các đơn vị thuộc VRG tiếp tục quản lý tốt vườn cây, hoạt động SXKD dần đi vào hiệu quả, không phụ lòng Đảng và Nhà nước đã tin tưởng.      

THIÊN HƯƠNG

Kỳ 2: Giữ vững an ninh chính trị ở vùng chiến lược