CSVN XUÂN – Có một sự xâu chuỗi rất dễ nhận ra khi đọc thơ Thanh Hiếu. Hầu hết tên những bài thơ của Thanh Hiếu đều gắn liền với một địa danh trên khắp mọi vùng miền đất nước.
Với Tây Bắc xa xôi anh có “Xuân Sìn Hồ”. Đến với Tây Nguyên, Thanh Hiếu có “Lang thang chiều Chư Sê”, “Krông Buk một chiều anh tới”. Một lần đến với Trường Sa cùng với những người lính “Đêm câu cá ở Song Tử Tây” và ngắm “Trăng Trường Sa”. Miền Đông Nam bộ gần gũi thân thiết với bước chân anh “Về Phú Riềng”, “Dầu Tiếng Xuân”. Khi ngược ra miền Trung anh tìm đến “Vĩ Dạ xưa”, xuôi đồng bằng Nam bộ anh “Về Đồng Tháp”. Đến với anh em ở những dự án trên đất Lào và Campuchia anh có “Đêm Kampong Thom”, “Em là miền nắng Ba Chiêng”…
Nói một cách không chủ quan thơ Thanh Hiếu là thơ của những chuyến đi. “Chẳng có thơ đâu giữa lòng đóng khép” (Chế Lan Viên), Thanh Hiếu chỉ “mở lòng” khi bước chân anh đi qua những địa danh. Tên đất, tên vùng trong thơ Thanh Hiếu không theo kiểu chung chung, trời mây non nước, sóng biển, bãi bờ mà thi nhân hay quen bút. Địa danh trong thơ Thanh Hiếu rất cụ thể, không trộn lẫn, không liên tưởng. “Chiều Chư Sê” phải là câu chuyện của Chư Sê đó là “Em Gia Rai mắt hoang sơ”, cùng với đàn Tơ Rưng, chim Kơ Tia… và mênh mang đại ngàn Tây Nguyên. Viết về “Vĩ Dạ xưa” phải là những địa danh gợi nhớ: “Hương Giang chầm chậm lơ thơ”, “Cồn Hến vắng nón bài thơ thuở nào”, “Đò xuôi Cửa Thuận buồn tênh”… Nói đến Ba Chiêng là “Đã về Pak Sế đánh liều ngược Bun”, “Chuyện cổ tích mối tình nghiêng Pak Sòn”.
Địa danh trong thơ Thanh Hiếu được cảm nhận một cách tinh tế trong từng khoảnh khắc giao mùa “Dã quỳ nở sớm lối về Buôn em” (Lang thang chiều Chư Sê), “Hoa dã quỳ giấu nắng để vàng hơn” (Krông Buk một lần anh đến), trong từng hơi thở, âm thanh của sự sống “Mùa khốc khô tiếng nai rừng khát nước, gõ vào đêm nhịp thủa hồng hoang” (Đêm Kampong Thom)… Mỗi bài thơ của Thanh Hiếu là một địa danh có sức mời gọi, rủ rê với những ai chưa từng đặt chân đến.
Thấp thoáng “ai đó” trong thơ Thanh Hiếu thì cũng là “Em” hồn hậu, giản dị, mộc mạc như đời thường “Đỏ au cây cỏ lấm lem, chân trần va vấp bóng em cuối rừng”… “Nắng phây phây khỏa tròn lưng, cái gùi nằng nặng xin đừng ngó lơ” (Lang thang chiều Chư Sê). Em có điệu đàng, có đong đưa một chút thì cũng trong bản nhạc dạo giữa thiên nhiên của cây và người “Nắng Giêng hai hong hanh trẩy hội, em thợ điệu đàng như khúc Nam xuân” (Dầu Tiếng xuân) hoặc “Em hây hây hong trời mây, chim Kơ Tia rộn tiếng say bạn tình” (Lang thang chiều Chư Sê).
Ẩn hiện trong nắng, trong gió, mùa xuân, đại ngàn là cây cao su, là con người cao su. Đó chính là niềm cảm hứng xuyên suốt để Thanh Hiếu làm thơ, “Cao su giăng lối kín hàng, em khơi dòng nhựa mênh mang đại ngàn” (Lang thang chiều Chư Sê) “Hoa cao su bung trời đã đầy miền Dầu Tiếng, để ta về quên phố thị ngày xuân” (Dầu Tiếng xuân), “Nao lòng gặp lại mùa hoa, cao su kín ngả nơi ta hẹn mình” (Với Phú Riềng).
Đất và người cao su trong thơ Thanh Hiếu làm ta ngỡ ngàng, say đắm bởi sự khám phá nhiều góc độ, bởi sự mộc mạc chân tình không trau chuốt. Thanh Hiếu cứ đi và viết, rơi vãi cũng nhiều và giữ lại cũng nhiều. Ngoài tâm và tình, ngoài địa danh và con người, ngoài cây và đất, Thanh Hiếu còn níu giữ người đọc bằng biệt tài trong cách sử dụng nghệ thuật láy của ngôn từ. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc tác phẩm gắn liền với một địa danh của Thanh Hiếu. Có thể “bật mí” thêm về tác giả Thanh Hiếu: Anh chính là Phan Mạnh Hùng – Chủ tịch Công đoàn Cao su VN.
UYÊN KHANH
Related posts:
- Thời kỳ phát triển và các bước thăng trầm
- Phó Giáo sư Huỳnh Lứa: Chủ biên đầu tiên của cuốn lịch sử phong trào công nhân cao su Việt Nam
- Công ty mẹ Tập đoàn giải nhất Hội diễn Khu vực IV
- "Tập trung trên từng đường cạo"
- Bức tranh chân thực và sinh động về ngành cao su
- VRG Khải Hoàn ủng hộ 200 triệu đồng hỗ trợ đồng bào miền Trung
- Nông trường Minh Hòa (Cao su Dầu Tiếng) phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc
- Đồ bảo hộ lao động nên được cấp đúng số!
- Đọc để học cách "mỉm cười cho qua"
- Tổ chức Chương trình nghệ thuật gây Quỹ xây dựng “Làng công nhân cao su”