Phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân: Khó hơn… lên trời!

CSVN – Theo Kế hoạch xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” và “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ nhất năm 2015 của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cả nước có 617 hồ sơ đủ điều kiện trình Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”; không có hồ sơ nào đủ điều kiện đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”. Điều này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ và thất vọng.
Thủ tục để một nghệ nhân được phong tặng danh hiệu  "Nghệ nhân nhân dân" ở tuổi "gần đất xa trời" thực sự quá khó
Thủ tục để một nghệ nhân được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” ở tuổi “gần đất xa trời” thực sự quá khó
Phải là “Nghệ nhân ưu tú”?

Cách đây hơn một năm, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 62/2014/NĐ-CP ngày 25/6/2014 quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (có hiệu lực thi hành từ ngày 7/8/2014). Nghị định gồm 5 chương, 18 điều quy định chi tiết về đối tượng, tiêu chuẩn, quy trình, thủ tục xét tặng; quyền lợi, nghĩa vụ của những cá nhân được tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.

Tiêu chuẩn để được xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”: Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, nội quy, quy chế của cơ quan, đơn vị, tổ chức, địa phương; có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu trong cuộc sống; tâm huyết, tận tụy với nghề, được đồng nghiệp và quần chúng mến mộ, kính trọng; đào tạo được cá nhân đang tham gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể.

Đặc biệt, phải: Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trong phạm vi cả nước, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; Có thời gian hoạt động trong nghề từ 20 năm trở lên và đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” (Điều 5).

Nhiều ý kiến không đồng tình với điều kiện, muốn được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân” thì trước đó phải được phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Vì trên thực tế, rất nhiều nghệ nhân nổi tiếng ở nhiều lĩnh vực văn hóa phi vật thể đã ở tuổi “gần đất xa trời” mà phải chờ được phong “Nghệ nhân ưu tú” rồi mới xét… lên hạng “Nghệ nhân nhân dân” là quá máy móc. Trên cơ sở các quy định chung của Nghị định 62, các địa phương, đơn vị phải có phương pháp chủ động, linh hoạt trong việc hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng. Riêng những nghệ nhân nổi tiếng, đã chứng minh và khẳng định tài năng nhưng nay tuổi cao, sức yếu thì cần có cơ chế đặc cách xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”.

Cần bớt những thủ tục để thực sự tôn vinh nghệ nhân

Về hồ sơ, thủ tục đề nghị xét tặng cũng khiến nhiều nghệ nhân băn khoăn. Điều 11 quy định ngoài bản tự khai theo mẫu, phải kèm theo: Các tài liệu chứng minh tri thức, kỹ năng và những đóng góp đối với sự nghiệp bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể bao gồm: băng, đĩa hình, ảnh mô tả tri thức và kỹ năng đang nắm giữ; bản sao có công chứng hoặc chứng thực giấy chứng nhận hoặc quyết định tặng thưởng huân chương, huy chương, giải thưởng, bằng khen và các tài liệu khác liên quan.

Phần lớn nghệ nhân hiện đang sinh sống ở nông thôn, thậm chí ở vùng sâu, vùng xa nơi điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Hơn nữa nhiều người quan niệm hoạt động trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể nhằm thỏa mãn niềm đam mê, ít ai nghĩ đến chuyện quay băng đĩa, hình ảnh lưu giữ làm tư liệu. Việc được cấp huy chương, giải thưởng, bằng khen, giấy chứng nhận…thì càng khó vì hiếm cơ quan nào đứng ra tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan về lĩnh vực này.

Thiết nghĩ, nhằm lựa chọn ra những nghệ nhân thật sự xứng đáng, đúng người, đúng thành tích để tôn vinh danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phải hướng dẫn thật chi tiết, cụ thể, rõ ràng; sớm kiến nghị Chính phủ xem xét sửa đổi những quy định không mang tính khả thi.

Ngọc Nguyên