CSVN – Tại Hội nghị phát triển cao su hiệu quả, bền vững đến năm 2030, đã có nhiều ý kiến của đại diện các bộ ngành, địa phương, đánh giá, đóng góp ý kiến để ngành cao su phát triển.
Ông Lê Quốc Doanh – Thứ trưởng Bộ NN & PTNT: “Cần xây dựng chiến lược phát triển ngành cao su trong bối cảnh mới”
Trong thời gian tới, cần chuyển đổi diện tích cao su không phù hợp với điều kiện phát triển trong các tiểu vùng hoặc có năng suất chất lượng cây kém sang cây trồng khác hiệu quả hơn. Tập trung đầu tư thâm canh tăng năng suất vườn cây cao su, phấn đấu tăng sản lượng cao su trung bình từ 3 – 4%/năm.
Ngành cao su đang có hướng điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường thế giới nhưng đến nay mủ khối loại SVR 3L vẫn chiếm tỷ lệ lớn, khoảng 50%. Trong khi đó loại mủ cao su SVR10, 20 là sản phẩm tiêu thụ thông dụng trên thế giới dùng để sản xuất lốp ô tô và chiếm hơn 60% sản lượng cao su thiên nhiên toàn cầu hiện mới chỉ chiếm từ 15-18,7%.
Để phát triển ngành cao su hiệu quả, bền vững, cần hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất, trồng và chế biến cao su. Đồng thời liên doanh, liên kết với đối tác nước ngoài có thương hiệu mạnh, thị trường và nguồn vốn đầu tư lớn để tạo mối liên kết, liên doanh sản xuất các sản phẩm công nghiệp cao su giá trị cao như lốp xe, băng tải, găng tay… tại VN. Bên cạnh đó, cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến các sản phẩm cao su công nghiệp, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng cho vùng sản xuất cây cao su. Kiến nghị Chính phủ xây dựng Chiến lược quốc gia phát triển ngành cao su trong bối cảnh mới.
Ông Huỳnh Văn Bảo – TGĐ VRG: “Ngành cao su tích cực tái cơ cấu trong tình hình mới”
Việt Nam có sản lượng cao su cao, năng suất hàng đầu thế giới nhưng vấn đề thị trường, chiến lược sản phẩm thì hoàn toàn bị động nên dễ bị tác động bởi các biến động trên thị trường thế giới. Mặt khác, khi tình hình khó khăn, nếu một số nước có sản lượng cao su thiên nhiên lớn như Malaysia, Thái Lan, Indonesia, Trung Quốc có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khá nhịp nhàng, linh hoạt thì chúng ta mới chỉ có chính sách chung, chưa cụ thể, kịp thời. Bên cạnh đó, thách thức từ biến đổi khí hậu đặt ra những khó khăn không nhỏ cho ngành cao su.
Với thực trạng hiện nay, ngành cao su cần phải tái cơ cấu, trong đó ngoài củng cố nội lực của các doanh nghiệp, của ngành, còn cần có chủ trương, chính sách và cả chiến lược phát triển từ Chính phủ, các cấp, bộ, ngành sát sao hơn với sự phát triển của ngành cao su VN.
Để nâng tầm cao su VN thì không thể xuất khẩu thô mãi được mà chắc chắn phải phát triển chế biến sâu. Tuy nhiên, với tình trạng “thiếu và yếu” của sản xuất trong nước, trước hết phải liên kết với các nhà sản xuất nước ngoài có công nghệ, có thị trường để trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị của họ. Đồng thời, xu hướng chững lại của ngành công nghiệp ô tô do tác động giảm tăng trưởng của kinh tế thế giới, cần chủ động nghiên cứu các sản phẩm khác ngoài vỏ xe để đón đầu và tìm các hướng mới cho thị trường xuất khẩu cao su Việt Nam.
Bà Trần Tuệ Hiền – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Phước: “Kiến nghị VRG, VRA trình Chính phủ thành lập quỹ bình ổn giá cao su”
Trong thời đại công nghệ thì cần tiếp tục đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học công nghệ chuyên ngành cao su, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị; đẩy mạnh công tác chuyển giao kỹ thuật và khuyến nông để đưa nhanh và cập nhật các tiến bộ kỹ thuật cho các thành phần trồng cao su trong cả nước…
Kiến nghị Chính phủ: Chỉ đạo bộ, ngành ban hành quy chuẩn, tiêu chuẩn nguyên liệu mủ cao su theo hướng phù hợp thị trường khó tính; từ đó thiết lập lại vùng nguyên liệu để đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn khắt khe để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận thị trường khó tính. Chỉ đạo các tổ tín dụng ưu tiên tập trung, tích cực triển khai các chương trình tín dụng đối với ngành cao su VN.
Kiến nghị VRG, VRA trình Chính phủ thành lập quỹ bình ổn giá để xử lý các tình huống bất lợi khi có biến động giảm về giá thu mua, nhằm đảm bảo duy trì và phát triển bền vững diện tích cao su theo quy hoạch.
Ông Lò Minh Hùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La: “Thống nhất hành động, chia sẻ khó khăn với ngành cao su”
Sau 12 năm triển khai chương trình phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để phát triển nông nghiệp, nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới của một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Dự án phát triển cây cao su là dự án đầu tư nông nghiệp, nông thôn có tổng mức đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, lớn nhất trong tỉnh hiện nay. Cần sự chung tay vào cuộc của các bộ, ngành, quan tâm, hỗ trợ, đồng hành cùng ngành cao su giải quyết những khó khăn, thách thức. Đề nghị các bộ, ngành Trung ương sớm ban hành hướng dẫn, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức triển khai các nội dung ký kết hợp đồng góp vốn cổ phần bằng quyền sử dụng đất nông nghiệp để hợp tác đầu tư thực hiện dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh Sơn La; sớm ban hành chính sách hỗ trợ phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh theo hướng ban hành các chính sách hỗ trợ liên quan đến đào tạo nghề cao su…
Bà Hà Thu Giang – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng Ngân hàng Nhà nước VN: “Tích cực triển khai tín dụng đặc thù cho ngành cao su”
Để góp phần phát triển ngành cao su hiệu quả, bền vững trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước VN sẽ cam kết sẵn sàng đáp ứng đủ nguồn vốn, đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ cho ngành cao su.
Cụ thể sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của người dân trồng, chăm sóc, thu mua, chế biến, tiêu thụ cao su với thời hạn và lãi suất hợp lý, theo quy định tại Nghị định 55. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp phát triển, sản xuất thúc đẩy xuất khẩu cao su thông qua các chính sách tỷ giá lãi suất để hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu cao su trong việc giảm chi phí vay vốn. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp cao su tiếp cận dần với các sản phẩm nói riêng để phòng ngừa rủi ro tỷ giá và các rủi ro khác nhau trong quá trình tham gia xuất khẩu mặt hàng cao su. Đẩy mạnh triển khai tín dụng cho ngành cao su, cho vay lãi suất thấp để tăng cường cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp; cho vay tín dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
TUỆ LINH (GHI)
Related posts:
- VRG chúc mừng Quân khu 7 nhân kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
- Cao su Chư Sê thu trên 3,5 triệu đồng/năm/ha trồng xen cà phê
- Phong trào đấu tranh của công nhân cao su dưới góc nhìn nhà sử học
- Cao su Phú Riềng trồng 15.600 cây xanh
- Cao su Quảng Trị: Tái canh trên 580 ha năm 2015
- Cụm thi đua Tây Nguyên giao ước 6 nội dung
- Bổ nhiệm 2 Thành viên HĐTV VRG
- “Định hướng cho con theo nghề truyền thống gia đình”
- Các đơn vị Tây nguyên nỗ lực về đích
- Cao su Hương Khê - Hà Tĩnh khai thác trên 2.100 ha cao su năm 2023