“Tin rằng công nhân cao su sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này!”

CSVN – Sau khi rời quân ngũ, ông Trần Văn Điệp làm công nhân (CN) cơ khí Công ty Cao su Bình Long. Đến năm 1982, ông sang Liên Xô học chuyên tu, sau đó 2 năm giữ cương vị Phó giám đốc công ty. Từ năm 1996 ông giữ cương vị Chủ tịch Công đoàn (CĐ) công ty cho đến khi nghỉ hưu.
Ông Trần Văn Điệp đang trao đổi với PV. Ảnh: Tùng Châu
Ông Trần Văn Điệp đang trao đổi với PV. Ảnh: Tùng Châu
Với giá cao su hiện nay, công nhân vẫn  sống được

Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng lúc nào ông Trần Văn Điệp cũng theo dõi từng bước đi của Công ty TNHH MTV Cao su Bình Long nói riêng và ngành Cao su Việt Nam nói chung. Lần nào gặp CBCNV đang làm việc tại công ty, ông lại động viên, chia sẻ những kinh nghiệm của mình để thế hệ sau bồi đắp thêm những kiến thức, kỹ năng trong hoạt động CĐ.

Khi chúng tôi tới thăm, ông hỏi ngay tình hình tư tưởng của người lao động tại các đơn vị trong ngành như thế nào khi giá mủ cao su vẫn chưa phục hồi. Hỏi xong, ông khẳng định ngay: “Với giá cao su hiện nay CN vẫn sống được, hơn nữa hiện nay gia đình CN đều có cuộc sống ổn định nhờ tích lũy từ trước và có thêm thu nhập từ kinh tế phụ gia đình”.

Ông Trần Văn Điệp phân tích, hiện nay, tình hình giá mủ xuống thấp, nhiệm vụ của CĐ là phải vận động CN gắn bó với doanh nghiệp để cùng nhau vượt khó. “Biết rằng đây là cơ chế thị trường, nhưng tôi tin rằng với tinh thần cách mạng cao, CN sẽ vượt qua”, ông nói. Nhưng muốn làm được điều đó, tổ chức CĐ các cấp phải biết vận dụng linh hoạt các kỹ năng để tuyên truyền vận động, đối thoại với CN. Đồng thời phải lựa chọn, phân định đối tượng cụ thể để tuyên truyền vận động chứ không phải tổ chức đối thoại theo hình thức cho có.

Làm công tác CĐ tại thời điểm này mà CN không nghe thì cán bộ CĐ cần phải xem lại kỹ năng tuyên truyền vận động, vì CNLĐ ngành cao su nói chung có tinh thần cách mạng rất cao, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn thử thách.

“Khó khăn hơn nữa mà còn vượt qua”

Đó là khẳng định của ông Trần Văn Điệp khi nói về thời kỳ trước đây. Ông xúc động kể lại: Hồi mới thành lập, CN ra lô đều phải đi bộ, gia đình nào mà có chiếc xe đạp được coi là nhà giàu. Có những lúc CN lên đến 14 ngàn người, cộng thêm 25 ngàn gia thuộc ăn theo. Bên cạnh đó, bom mìn còn sót lại trong chiến tranh là hậu quả đã ám ảnh CN vì nhiều vụ tai nạn chết người đã xảy ra, kể cả trong nhà máy chế biến cũ. Chính vì vậy, trong quá trình xây dựng và phát triển, Công ty Cao su Bình Long không chỉ phải đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt mà cả xương máu.

“Về phía CĐ, chúng tôi bàn bạc với lãnh đạo lấy những diện tích đất không trồng được cao su cho gia đình CN canh tác để có thêm thu nhập, vận động CN trồng xen canh trong lô cao su… Chính vì vậy đời sống của người lao động đỡ khó khăn”, ông nhớ lại.

Đặc biệt, thời điểm năm 1996 cũng là lúc công ty gặp nhiều khó khăn do giá mủ xuống thấp. Lúc bấy giờ giá thành làm ra đến 7 triệu đồng/tấn nhưng giá bán chỉ được 6 triệu đồng/tấn cho nên lương CN rất thấp. Trước tình hình đó, ban lãnh đạo công ty họp bàn giải pháp vay tiền ngân hàng để trả lương cho CN.

“Khi bàn bạc xong, phía CĐ chúng tôi phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh và CĐ Cao su VN ra ngoài lô để bàn bạc, lấy ý kiến CN thì CN không đồng tình. Họ đề xuất giải pháp cho công ty nợ lương nhưng phải trả lãi bằng lãi suất ngân hàng. Mặc dù đã được lãnh đạo, CN đồng ý nhưng Công ty Cao su Bình Long không phải nợ lương tháng nào vì sau khi có chủ trương đó giá mủ cao su lại tăng”.

Đúc kết câu chuyện, ông nhấn mạnh, “Với truyền thống cách mạng kiên cường, cộng với bản lĩnh chính trị của giai cấp công nhân, tôi tin tưởng rằng CN cao su sẽ vượt qua thời điểm khó khăn này”.

Ng. Cường