CSVN – Nói đến cao su, chúng ta thường nghĩ đến một thời vàng son được mệnh danh là vàng trắng của đất nước. Và bước qua thời vàng son ấy, chúng ta đang đối diện với những khó khăn từ nhiểu phía: từ giá tiêu thụ; từ nguồn lao động; từ khai thác, quản lý và nhiều yếu tố khác nữa…
Đã là công nhân ngành cao su, dù giai đoạn nào thì hai chữ vất vả luôn đồng hành cùng họ: thức khuya, dậy sớm, dãi nắng, dầm mưa… cốt làm sao khai thác được nhiều sản lượng để đem lại nguồn thu ổn định cho gia đình và cuộc sống.
Cao su rớt giá, như một hệ quả tất yếu kéo theo một loạt chuỗi liên quan đều giảm: tiền lương giảm, tiền ăn giữa ca cũng giảm, tiền thưởng cũng giảm… Mọi thứ đều giảm làm cho tư tưởng, nhiệt huyết của người công nhân cũng bị giảm theo. Có một anh quản lý đội khai thác tâm sự rằng: “Tuy cao su bán không cao giá nhưng công nhân bây giờ “có giá” lắm. Nếu như ngày xưa bị trừ nửa điểm kỹ thuật thì người công nhân lo lắng rồi vì sợ ảnh hưởng tới thi đua, tiền lương, thưởng cuối năm….
Còn bây giờ cho dù bị trừ một, hai điểm cũng không sao vì có ảnh hưởng cũng không lớn lắm. Đồng thời, bây giờ cũng không dám “lớn tiếng” khi họp, vì nếu không công nhân bỏ làm là mình lại thiếu lao động nữa…”.
Người công nhân bây giờ cũng 4.0 hơn rồi, họ biết sử dụng internet để “đối thoại” với quản lý đội, biết livestream để quay lại những phiên họp có lãnh đạo xuống dự để cho mọi người cùng xem và quan trọng hơn họ có nhiều sự lựa chọn trong việc làm với nhiều khu, cụm công nghiệp xung quanh. Do đó, dẫn đến họ biết giá trị của bản thân và cũng “bớt tha thiết” với nghề hơn.
Nói thế thôi chứ không phải tất cả đều như vậy, Vẫn có những người công nhân đang ngày đêm cần mẫn nhận cạo choàng, cạo bù cho những phần cây không có người cạo, cố gắng tận thu từng giọt mủ để đem sản lượng vể cho đơn vị và tăng thêm nguồn thu nhập cho bản thân.
Vẫn còn có nhiều công nhân với sản lượng mỗi tháng đều vượt trên 1 tấn với tiền lương ngót nghét trên 10 triệu đồng… Và quan trọng hơn hết là họ vẫn yêu từng đường cạo, từng giọt mủ… đã gắn với họ như gắn với máu thịt của mình.
Ngành nghề nào cũng vậy, cũng phải phát triển theo quy luật của biểu đồ kinh tế, có tăng ắt có giảm. Người công nhân ngành cao su cũng không nằm ngoài quy luật này. Do đó, cần có những giải pháp, kiến nghị phù hợp để bảo vệ hơn nữa những quyền và lợi ích chính đáng mà người công nhân cao su phải được thụ hưởng. Từ đó, giúp họ thêm yêu ngành, mến nghề dù có khó khăn, vất vả và không ngừng hăng say lao động để mãi gắn bó với cây cao su mà họ đã chọn.
ĐỨC THUẬN
Related posts:
- Kết thúc Hội thao khu vực III: Chư Păh nhất toàn đoàn
- Công ty mẹ Tập đoàn giải nhất Hội thao Khu vực IV
- Bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng - hướng vào giới trẻ
- Cao su Yên Bái nhất toàn đoàn Hội thao khu vực 1
- Ước gì giá mủ đừng rơi!
- CLB Tập đoàn Cao su - Đồng Tháp: Rộng cửa trở lại V-League
- Đội tuyển quốc gia không thể trở thành sản phẩm kinh tế
- Viết tiếp giá trị truyền thống
- Cao su Quasa Geruco vượt khó hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ
- Bốc thăm chia bảng giải bóng đá Geru Star lần 4