Viết tiếp giá trị truyền thống

CSVN Xuân – Trong ngành cao su hiện nay có rất nhiều gia đình 3 – 4 thế hệ gắn bó với ngành. Với họ, ngành cao su không chỉ là nơi nuôi sống gia đình mà họ gắn bó bởi nghĩa tình, bởi truyền thống gia đình. Và dù cho thế nào đi nữa, họ vẫn chia sẻ với ngành và đồng hành đến suốt cuộc đời.
Với anh Khánh, làm tốt công việc là yếu tố quan trọng để gìn giữ giá trị truyền thống của gia đình
Với anh Khánh, làm tốt công việc là yếu tố quan trọng để gìn giữ giá trị truyền thống của gia đình
Nối nghiệp gia đình

Gia đình anh Võ Quốc Khánh và chị Nguyễn Thị Thu Thanh, Đội 1, NT Bố Lá, Công ty CPCS Phước Hòa là một trong nhiều gia đình như vậy.

Gia đình anh chị hiện sống tại làng CN cao su của Công ty CPCS Phước Hòa. Ngôi nhà này được ba mẹ anh để lại sau khi anh lập gia đình. Không phải từ nơi khác đến, gia đình anh là dân gốc ở Bình Dương này và đã có bốn thế hệ gắn bó với ngành cao su, từ bà cố ngoại, ông bà ngoại, ba mẹ và hiện nay là anh. Mười tám năm gắn bó với nghề này, vất vả, hân hoan có đủ. Tuổi nghề của anh có thể là nhiều so với một số người nhưng tính trong gia đình thì vẫn là ít. Bởi cả cuộc đời của bà cố ngoại, ông bà ngoại và ba mẹ anh, họ đều gắn bó với ngành cao su này khi bắt đầu cuộc sống mưu sinh.

Dù là ai đi nữa thì mong ước đầu tiên khi lập nghiệp đều chỉ mong có đủ tiền để trang trải cho gia đình, anh cũng vậy. Bên cạnh đó, anh chọn gắn bó cuộc đời mình với cây cao su còn nhiều lý do khác nữa. Vì muốn được gần nhà, vì cao su là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm đó… nhưng trên hết anh chọn công việc này bởi truyền thống gia đình, bởi anh muốn viết tiếp những giá trị ấy, muốn nối nghiệp theo nghề của ông bà, cha mẹ.

Anh chia sẻ: “Đôi lúc tôi không định nghĩa rõ được giá trị truyền thống là như thế nào. Và trước khi chọn nghề này tôi chưa hề biết gì về cao su. Chỉ biết rằng gia đình mình nhiều đời bám trụ với cao su, theo nghề tôi mới hiểu rằng vì sao gia đình mình và nhiều gia đình khác lại quyết tâm gắn bó với nghề như vậy. Tiền ai cũng cần, nhưng ngoài ra nghề này còn là nghề có nhiều tình nghĩa, dù trong mọi hoàn cảnh nào. Chúng tôi được nuôi lớn từ những đồng lương của ba mẹ thời kỳ gian khó. Và bây giờ tiếp tục công việc ấy, như một sợi dây gắn kết vậy. Lớn lên tôi tự chọn với công việc này. Đến giờ này 18 năm rồi, tôi thấy đây là sự lựa chọn đúng đắn”.

Trân trọng nghề là động lực tiếp tục gắn bó

Khi lập gia đình, vợ anh – chị Nguyễn Thị Thu Thanh cũng theo chồng vào làm CN cao su, hai vợ chồng làm cùng đội nên có thể hỗ trợ nhau khi con ốm đau hay nhà có việc bận. Trước khi gắn bó với nghề này, chị đã từng làm CN khu công nghiệp. Chị bảo: “Nghề cao su không quá vất vả, chỉ dậy sớm thôi. Nghề này mình linh động được thời gian, thường thì tôi tranh thủ cạo xong phần cây là về đưa con đi học, có thời gian nghỉ ngơi trước khi đi trút mủ. Hơn thế nữa, các chế độ khi làm CN cao su hơn hẳn các nghề khác ở đây. Làm ở khu công nghiệp quy định giờ giấc rõ ràng lắm, nội quy khá gắt gao”.

Nhân dịp kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống ngành cao su Việt Nam, anh chị đều được vinh danh gia đình truyền thống 3 – 4 thế hệ CN tiêu biểu truyền thống ngành cao su. Đến thăm gia đình, chúng tôi nhận ra đây là một trong những gia đình có bề dày truyền thống gắn bó với ngành. Trên tường nhà ngoài hình ảnh của gia đình thì bảng vinh danh của Công ty CPCS Phước Hòa được anh chị treo ở vị trí trang trọng.

Chị chia sẻ: “Gia đình tôi cũng vinh dự được tuyên dương dịp ấy, bảng vinh danh tôi đem treo ở nhà ba mẹ ruột, còn ở đây treo bảng gia đình chồng. Thực sự chúng tôi thấy ngành cao su tình nghĩa lắm, có nhiều hoạt động rất ý nghĩa hướng về người lao động. Đối với người CN như chúng tôi thì việc vinh danh đó thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo cấp trên, không chỉ đảm bảo về đời sống vật chất mà còn chăm lo đến tinh thần, những giá trị không đo đếm bằng tiền được”.

Có lẽ chính sự trân trọng với ngành với nghề ấy là động lực để anh chị gắn bó và làm tốt công việc của mình. Và đó cũng là yếu tố quan trọng để giữ gìn giá trị truyền thống của gia đình. Tháng nào anh cũng được thưởng do thực hiện tốt kế hoạch sản lượng. Anh chị cố gắng thật nhiều để có thu nhập tốt lo cho hai con đang còn nhỏ.

Trong buổi trò chuyện, tôi chợt hỏi: “Nếu lương mỗi tháng của anh/chị giảm xuống còn 3 triệu đồng thì anh/chị có tiếp tục gắn bó với ngành cao su không?”.Không mất quá 30s để chúng tôi nhận lại câu trả lời của anh: “Vẫn tiếp tục làm chứ, vợ chồng chúng tôi sẽ làm đến khi nào già không còn sức khỏe nữa thì thôi, chứ còn sức là còn làm CN cao su”.

Quỳnh Mai