CSVN – Nhà tôi nằm dưới chân một ngọn đồi nhỏ, đằng sau là những cánh rừng cao su xanh bạt ngàn, thẳng tắp.

Mẹ tôi làm công nhân cạo mủ, một cái nghề đầy nhọc nhằn và vất vả. Hàng ngày, khi trời còn chưa sáng, gió thổi êm ru đưa mọi người vào giấc ngủ say nồng thì mẹ tôi đã phải lặng lẽ ngoài rừng cây để khơi lên những dòng nhựa trắng. Mẹ bảo, tôi sinh ra vào một ngày cuối tháng ba, khi những mầm lá cao su bắt đầu đâm chồi non, xanh ngắt cả một vùng.
Có lẽ cũng vì thế mà tuổi thơ của tôi cũng gắn chặt với những gốc cây cao su. Mỗi khi không đi học là tôi lại theo mẹ ra lô phụ trút mủ, lượm củi khô hay đi nhặt hạt cao su về bán cho chủ vườn ươm kiếm thêm ít tiền để mua quần áo, sách vở. Dù chẳng kiếm được bao nhiêu nhưng tôi lại cảm thấy rất thích thú.
Nhớ những buổi trưa hè trời nắng gắt, lúc ngồi đợi trút mủ, mẹ tôi thường móc chiếc võng giữa hai gốc cây, hai mẹ con nằm đu đưa giữa rừng, nhìn lên trời ngắm nhìn tán lá cao su xanh tươi. Có hôm trời lạnh đến tê tái, tím cả mặt. Lũ trẻ chúng tôi thường đốt lửa cho đỡ lạnh và ngồi nướng khoai, sắn thơm lừng lẫn mùi đất ngai ngái.

Đó là những hôm trời nắng ráo, còn những ngày trời đang ráo bỗng đổ mưa, hai mẹ con lại vội vàng cầm thùng chạy thật nhanh để trút mủ mà cả đêm hứng được. Có hôm trời mưa tầm tã, nước dềnh dàng lên cả mặt đường lô, không kịp trút mủ, tôi và mẹ chỉ biết nhìn nhau lòng buồn rười rượi: “Thế là công sức từ đêm qua tới giờ đã bị nước cuốn trôi hết”…
Vào những ngày cuối năm, lá cao su bắt đầu rụng, sản lượng mủ chẳng còn là bao. Cả nhà tôi lại kéo xe cộ rùa ra, cùng phụ mẹ dọn chén, kiềng, máng mang về nhà cọ rửa sạch sẽ để chuẩn bị đón Tết. Vào tầm khoảng tháng 3, khi cao su bắt đầu đâm chồi xanh cũng là lúc mẹ tôi bắt đầu cho một mùa cạo mới. Và cứ thế, mẹ tôi đã gắn bó với nghề công nhân cạo mủ được hơn 20 năm để lo cho chị em tôi có được những bữa cơm no đủ.
Bây giờ đang sống giữa thành phố nhộn nhịp, tôi thèm một lần được về sống với tuổi thơ, được theo mẹ đi trút mủ, được hít thở bầu không khí trong lành, mát rượi. Ðể nhớ, để thương về một vùng quê bình yên – nơi đó có những ngọn đồi cao su xanh bạt ngàn, có gia đình, và có cả những kỷ niệm tuổi thơ ngọt bùi.
Hồ Thị Thùy Trang
(Chư Păh – Gia Lai)
Related posts:
Nghe anh hát trên nông trường
Chờ mưa
Bóng đá FUTSAL: Những điều cần biết
Cao su Phú Riềng tổ chức giải bóng đá mini cấp lãnh đạo
Phát huy truyền thống vàng son
Đảng bộ Cao su Lai Châu kết nạp thêm 49 đảng viên trong nhiệm kỳ 2015 - 2020
Lưu ý khi tập thể dục mùa nóng
Cao su Phú Riềng về trước kế hoạch 20 ngày
Ấm áp tình nguyện mùa Đông và Xuân tình nguyện
Bờm lý sự
Bài viết hay, giàu cảm xúc
hay
Đây có đc coi là văn biểu cảm ko nhỉ mn?????