CSVN Xuân – Khu trọ đã rơi rớt dần tiếng người. Các phòng phần lớn đã xin nghỉ để về quê ăn Tết với gia đình, chỉ còn trụ lại vài người như Xuyên. Đã gần mười giờ tối, người ta lục đục chuẩn bị đồ đi cạo mủ.
Xuyên lấy nhang muỗi nhiều hơn mọi lần, đợt này mới mưa dứt nên muỗi đốt dữ lắm. Cô bỏ nhang vô chỗ để đồ nghề, chuẩn bị xách đi vào rừng cao su. Những món đồ nghề quen thuộc: hai con dao cạo, đèn pin, xô đựng mủ và bữa cơm gói sẵn cho ngày mai. Cô nán lại, chờ vài người đi chung cho đỡ buồn. Dầu chỉ chung được đoạn đường từ đây vô tới rừng thôi, rồi mỗi người chia nhau rẽ một hướng.
Cái lạnh hòa đêm thấm cả vào từng nhịp thở. Nhưng dù có lạnh thêm nữa, những bước chân vẫn tiến lên đi sâu vào rừng. Xuyên tìm đến lô cao su của mình, bắt đầu công việc quen thuộc hàng ngày.
Xuyên nhanh chóng đeo đèn pin lên trán, cẩn thận đốt nhang muỗi gắn vào đỉnh nón. Cô tìm chân miệng cạo cũ dưới ánh đèn để tỉ mẩn kéo từng đường thật sát ngay bên dưới. Rồi cô dùng dao rạch một đường dài để khơi thông dòng chảy cho mủ. Việc tưởng chừng đơn giản vậy mà cô mất tới hai tháng trời để học cho thành thạo. Phải khéo léo, chuẩn xác để những đường cạo có thể tái sinh. Nhiều khi Xuyên nghĩ thầm cô đang nâng niu những cây cao su như nâng niu những đứa con của mình.
Nhớ đến con, một nỗi buồn đột ngột làm Xuyên hụt thở. Nhưng cô kìm nó lại để tiếp tục công việc. Cô cố gắng cũng là vì con. Đường cạo đã chảy mủ, nhểu những giọt trắng đục như sữa xuống cái chén sành đặt dưới gốc. Cũng như sữa mẹ, dòng sữa này nuôi cơm biết bao người công nhân ở đây. Và nhờ nó, Xuyên có tiền gửi về cho con, cho má.
Giữa màn đêm đen đặc quấn lấy thân người, le lói vài ánh đèn pin bên mấy lô cao su cạnh Xuyên. Nó nửa làm Xuyên cảm thấy lẻ loi, nửa nhắc cô rằng mọi người vẫn đang ở xung quanh cố gắng không ngừng. Cô cũng phải cố gắng. Năm sau thằng Ba vô lớp một, kiểu gì cũng tốn bộn tiền.
Những đường dao của Xuyên đi dần qua từng cây cao su. Mủ đang chảy đều đặn như hy vọng, đong ngày một đầy những chén sành. Muỗi nhiều quá.
Ý là đã có nhang mà đám muỗi vẫn vo ve đầy xung quanh. Má Xuyên đau buốt, nhưng nhức. Hồi đầu cô tưởng mình chịu không nổi, nhưng riết cũng thành quen.
Xuyên hồi đó sợ đủ thứ. Thấy con thằn lằn cô cũng giật mình, nói chi là rắn. Vậy mà từ ngày lên đây làm, đụng mặt rắn rết hoài. Từ sợ hãi, cô chuyển qua đối mặt với chúng. Nghĩ tới con, cô cảm thấy những nỗi sợ đó teo nhỏ đi, mềm xèo. Giữa con rắn phì phò bò với cảnh con mình khóc oe oe tới xanh lè mặt vì đói, cái nào đáng sợ hơn? Cô biết mình phải chọn và vượt qua, để có thể bám trụ với đất này. Như những cây cao su cắm rễ kiên trì chảy nhựa.
***
Xuyên biết nghề cạo mủ cao su này cực lắm, nhưng cô vẫn chọn. Vì lương khá, và vì cô muốn đi thật xa một thời gian. Lúc mới chân ướt chân ráo bước lên đây, ai thấy cô cũng lắc đầu kêu kiếm việc khác mà làm đi. Chớ Xuyên còn trẻ, tướng tá nhỏ xíu như con gà tre mới lớn, chịu gì nổi cực. Nghề này không dành cho thanh niên, bởi nó buộc phải hy sinh nhiều thứ. Mà cô vẫn ráng được tới giờ, kể cũng hay.
Nhìn Xuyên bây giờ, chắc má cô cũng không nhận ra nữa. Cái con Xuyên ngày nào đã được gian khó trui rèn cho mạnh mẽ lên, không còn hễ đụng chuyện cái là rưng rưng nước mắt nữa. Chỉ có điều, ngó Xuyên già đi hẳn. Những đêm thức trắng làm mắt cô lúc nào cũng đậm đen quầng thâm nhưng thẳm sâu trong đó là niềm vui lấp lánh, khi cô biết chỉ cần cố gắng mỗi ngày đám con cô sẽ không còn phải ăn miếng cơm cháy.
Chắc giờ gặp lại, dễ gì anh nhận ra cô. Anh, người cô gọi là chồng. Người chịu không nổi hạn mặn héo quắt cây lúa, bỏ đi khi cô đang sắp sinh đứa thứ ba. Bỏ đi luôn, không tin tức thư từ. Mãi thật lâu về sau, cái tin duy nhất cô nhận được (cũng là cái tin cuối cùng), người ta cho hay anh có vợ mới trên thành phố. Cũng là lúc cô tỉnh ra, thấy tóc má mình đã bạc. Đợi thằng Út dứt sữa, cô theo người ta lên đây kiếm việc làm.
Xuyên đã dọn sẵn tâm lý để đón những khó khăn xốc tới nhận chìm mình. Ở đây, hiếm có người đàn bà nào cỡ tuổi cô làm được dài lâu. Không phải Xuyên chưa từng có ý định bỏ cuộc như họ, mà cô không cho phép mình làm vậy… Xuyên biết mình không có quyền bỏ cuộc.
Xuyên đã xong những miệng cạo cuối cùng. Cô đã rành việc nên không còn đau mỏi như mới bắt đầu. Tranh thủ lúc chờ mủ cao su nhỏ đầy những chén sành, cô ngồi xuống một gốc cây ngồi nghỉ. Bao giờ mủ đầy, cô sẽ đi trút mủ, rồi lại tiếp tục đợt hứng vét mủ thứ hai.
Trong lúc ngồi nghỉ mệt, Xuyên thấy đầu mình lung tung đầy suy nghĩ. Những suy nghĩ tươi mới, hướng về tương lai…
***
Tắm rửa xong, định tranh thủ ngủ một chút thì bị anh Tôn phòng bên cạnh qua kéo đi. Chưa kịp hiểu chuyện gì, cô đành rảo bước nhanh cho kịp sải chân rộng của anh. Anh có vẻ vui lắm. Anh đưa cô tới phòng của vợ chồng chú Sáng.
Mọi người tụ tập ở phòng vợ chồng chú Sáng đông đủ quá. Anh Hùng, anh Dũng, cô Nhớ, chị Đợi… không thiếu mặt ai. Hôm nay hình như có tiệc, Xuyên thấy bày đồ ăn linh đình quá. Chú Sáng kêu anh Tôn sắp chỗ cho cô ngồi. Mọi người vui vẻ chia nhau chén đũa.
Xuyên nhìn mâm đồ ăn, thấy thứ gì đó mằn mặn và nóng hổi nhểu vào lòng. Chèn ơi, có củ kiệu tôm khô nè. Có bánh tét cắt khoanh nè, đủ nhân chuối, nhân đậu mỡ. Có thịt kho trứng vịt nữa nè, cục ba rọi có mỡ trong veo nhìn thèm hết sức. Xuyên nhìn tô canh khổ qua nhồi chả cá xanh mướt mắt, thấy rưng rưng.
Xuyên nhìn quanh một lượt. Đây toàn là những người công nhân cạo mủ, mỗi người một hoàn cảnh, một số phận. Nhưng điểm chung đều cần những giọt sữa trắng để có tiền gửi về lo cho con, cho cháu, cho ba má ở nhà.
Tết ai mà không muốn về nhà. Muốn về lắm, nhưng tiếc. Tết ngoài tiền lương còn có thêm tiền thưởng. Chịu khó chút, sang năm dư ra được một khoản. Đủ lo cho con Xuyên đi học. Đủ lo cho ba anh Tôn đi khám bệnh. Đủ góp vào phần hụt tiền đóng viện phí cho con vợ chồng chú Sáng mổ tim. Đủ lắp chân giả cho em chị Đợi… Nên ai cũng đành để lỡ một mùa xuân.
Mà đâu có lỡ. Mọi người cũng ở đây ăn Tết cùng nhau, như đang ăn bữa cơm giao thừa ấm cúng này. Chỉ khác một chút là đổi cho sớm hơn, để kịp giờ tối tiếp tục đi cạo mủ. Mọi người cùng ăn với nhau, và cùng nghĩ về những người thân ở quê đang ngóng đợi tin mình. Ngậm ngùi nhưng vẫn đầy hy vọng.
Giá cao su năm nay không cao, nhưng mọi người ai nấy đều hy vọng, ai cũng tin chỉ cần cố gắng, những mong mỏi của riêng từng người sẽ trở thành hiện thực. Họ có thể về Tết này, nhưng họ sẽ bỏ lỡ một dịp để rút ngắn những ước mơ mà người thân người thương của họ ở quê đang chật vật.
Kìa, cơm có bỏ ớt đâu mà mắt ai cũng cay xè. Mọi người hỏi han nhau, chăm sóc nhau. Chị Đợi gắp cho anh Hùng khoanh bánh tét đậu mỡ mà anh thích. Chú Sáng có rượu vô đứng dậy ca một câu vọng cổ nghe mùi hết sẩy. Cô Nhớ kêu Xuyên lát qua cô chải tóc cho, để cô đỡ nhớ con gái ở nhà.
Giữa khung cảnh khó diễn tả hết bằng lời đó, anh Tôn khẽ giúi vô tay Xuyên bao lì xì đỏ. Anh nói rất khẽ, chỉ đủ cho Xuyên nghe mà mọi người không nghe thấy “Cho em. Cố lên”. Xuyên cầm bao lì xì trong tay, nghe màu đỏ thấm lên tay mình ấm sực. Và râm ran vui, mơ hồ vui như thấy hoa trên đồng đã nở mà người ta không biết xuân đã về từ hồi nào.
Đằng xa, trong rừng cao su, những thân cây cao su đang vươn cao đứng chờ tay người cạo mủ. Những giọt sữa trắng sẽ lại nhểu xuống đều đặn, lặng thầm nuôi lớn những giấc mơ. Như bây giờ, nó đã ươm mầm một giao thừa trắng ngọt ngào.
PHÁ́T DƯƠNG
Related posts:
- 15 đội tham gia giải bóng chuyền truyền thống Cao su Ea H'Leo
- Cao su Chư Păh tổ chức giải bóng chuyền truyền thống
- Nhà đội tôi yêu
- Sức sống diệu kỳ
- Sẽ xem xét trao giải toàn đoàn cho từng khu vực
- Hội thao Khu vực I: Nỗ lực vì thành công chung
- Cụm Công đoàn Tây Nguyên: Ký 10 tiêu chí thi đua năm 2021
- Tăng tốc cuối năm
- Mùa cạo mới!
- San sẻ nghĩa tình
Hay quá. Cảm động.