CSVN – Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ SXKD của ngành gỗ nước ta nói chung. Tuy nhiên, với kinh nghiệm và sự nỗ lực của mình, các đơn vị sản xuất chế biến gỗ trực thuộc VRG đã vượt khó vươn lên hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu kế hoạch năm 2020.
Trong đó, lợi nhuận sau thuế toàn khối trên 666 tỷ đồng, vượt 3,8% kế hoạch; thu nhập bình quân gần 8,9 triệu đồng/ người/tháng, vượt 14,7%.
Kết quả khả quan
Trong năm 2020, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực ngành gỗ đã phát huy được khả năng thế mạnh, khai thác hiệu quả nguồn lực của đơn vị, ổn định và phát triển sản xuất. Đồng thời xây dựng những chương trình hành động, những giải pháp phù hợp, linh hoạt vượt qua khó khăn thử thách để duy trì SXKD đảm bảo việc làm và thu nhập, giúp người lao động yên tâm công tác.
Cũng như các đơn vị kinh doanh cùng ngành nghề, sản phẩm gỗ không phải là mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu, nên trong thời điểm dịch Covid–19 hoành hành các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này cũng bị ảnh hưởng khá lớn, đặc biệt là trong tháng 4.
Các đơn hàng trong tháng này hầu như không xuất được mặc dù đã ký với các đối tác. Kéo theo đó, công nhân phải nghỉ làm hơn nửa tháng. Tuy nhiên, sang tháng 5 các đơn vị lần lượt đã xuất được hàng trở lại. Đặc biệt, trong tháng này các đối tác trong và ngoài nước đặt hàng nhiều hơn so với dự kiến, đặc biệt là khách hàng Úc và Mỹ đối với sản phẩm gỗ tinh chế. Và bước sang tháng 6 cho đến nay, các thị trường tiếp tục đặt hàng với số lượng lớn hơn.
Từ những tín hiệu khả quan đó, năm 2020 sản lượng chế biến gỗ toàn khối đạt trên 1,231 triệu m3. Về doanh thu đạt 6.156 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế trên 666 tỷ đồng, vượt 3,8%; nộp ngân sách Nhà nước trên 426 tỷ đồng; thu nhập bình quân gần 8,9 triệu đồng/người/tháng, vượt 14,7%.
Trong hoạt động SXKD, nhiều đơn vị đã đề ra nhiều giải pháp, khẳng định được hướng đi phù hợp để hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu đề ra. Cụ thể, về sản lượng chế biến: Gỗ Đồng Phú vượt 37,7%, Gỗ Dầu Tiếng vượt 17,4%; về doanh thu: Gỗ Đồng Phú vượt 53,8%, Gỗ Dầu Tiếng vượt 26,2%; về lợi nhuận sau thuế: Gỗ Dầu Tiếng vượt 85,1%, Gỗ DongWha vượt 7,8%, Gỗ Thuận An vượt 0,21%; nộp ngân sách Nhà nước: Gỗ MDF VRG Kiên Giang vượt 124%, Gỗ Thuận An vượt 30,8%.
Nhiều giải pháp được triển khai thích hợp
Đối với Công ty CP gỗ Dầu Tiếng, ngoài ảnh hưởng của dịch bệnh Covid – 19, công ty này vẫn phải chịu một số khó khăn chung của ngành gỗ như: phụ thuộc yêu cầu của khách hàng về tính hợp pháp của nguồn nguyên liệu gỗ, sự cạnh tranh về giá cả với các nước trong khu vực…
Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, Gỗ Dầu Tiếng đã có sự tiến bộ vượt bậc trong việc tìm kiếm khách hàng, đặc biệt là những khách hàng mới có đơn hàng sản xuất dài hạn. Nhờ có những đơn hàng mới nên từ khi xảy ra đại dịch đến nay hoạt động sản xuất của công ty không bị ngưng trệ, công nhân vẫn có việc làm và thu nhập ổn định.
Đề cập đến các giải pháp đối phó với đại dịch Covid-19, Gỗ Đông Hòa đã xây dựng các kịch bản ứng phó và chia thành 3 giai đoạn từ quý II, quý III đến quý IV. Ông Lê Tuấn Linh – GĐ Công ty TNHH MTV chế biến gỗ Đông Hòa nhận định: “Nếu dịch bệnh kéo dài không xuất hàng đi được thì đơn vị sẽ phải cắt giảm một số lao động cũng như các chi phí khác. Tuy nhiên, với sự nỗ lực của mình, chúng tôi vẫn đạt được thành quả rất ấn tượng”.
Ông Lê Tuấn Linh chia sẻ thêm: “Trong thời gian dịch Covid–19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã liên hệ với các khách hàng nhỏ và vừa nhằm phối hợp tăng cường triển khai thực hiện các sản phẩm mẫu. Nhờ các sản phẩm mẫu này đã tạo nên sự linh hoạt cho khách hàng trong việc dịch chuyển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đây là điều kiện để các đối tác của chúng tôi thay đổi từ những thị trường đang bị dịch nặng và phong tỏa sang những thị trường khác phù hợp để tiêu thụ sản phẩm”.
Bà Lê Thị Xuyến – TGĐ Công ty CP chế biến gỗ Thuận An cho biết, trong quá trình chỉ đạo SXKD, ban điều hành thường xuyên quán triệt 2 nhà máy tập trung rà soát, tổ chức, sắp xếp, quản lý… nhằm hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, quản lý chặt chẽ từ con người, vật tư nguyên liệu; quy trình sản xuất, quy trình kiểm soát nhằm đẩy mạnh mục tiêu tăng năng suất, đảm bảo chất lượng sản phẩm, giảm chi phí để có giá thành cạnh tranh. Đây chính là cơ sở để TAC giữ chân khách hàng cũ, đồng thời thu hút các khách hàng mới.
Bà Lê Thị Xuyến thông tin thêm: “Trong năm 2020 chúng tôi đã phối hợp với đối tác của mình để sản xuất ra các sản phẩm mẫu do chính Gỗ Thuận An thiết kế và sản xuất. Từ các sản phẩm mẫu này, chúng tôi đã chủ động hơn trong việc giới thiệu mặt hàng cho các đối tác ngay tại trụ sở của mình cũng như các hội chợ ngành gỗ trong và ngoài nước”.
Trong tháng 3 và 4/2020 – tức là thời điểm của dịch Covid – 19 tại nước ta đang diễn biến phức tạp, Gỗ Thuận An đã cho ra mắt phòng trưng bày sản phẩm của mình và được khách hàng đánh giá cao về chất lượng cũng như mẫu mã. Đây là bước chuyển biến mới và cũng là hướng đi đúng để TAC tự tin thu hút được nhiều đơn hàng có giá trị kinh tế cao. “Chính vì vậy, năm 2020 chúng tôi tiếp tục được vinh danh là thành viên trong Top 100 doanh nghiệp phát triển bền vững do VCCI và Hội đồng doanh nghiệp VN đánh giá và bình chọn hàng năm”, bà Lê Thị Xuyến nhấn mạnh.
NGUYỄN CƯỜNG
Related posts:
- Truyền thống là động lực vượt khó
- Giới "quần đùi áo số" sốt mạng xã hội
- Công đoàn Cao su Kon Tum sôi nổi nhiều hoạt động hướng về người lao động
- Góp sức trẻ trong từng tấn mủ vượt
- 474 vận động viên tranh tài Hội thao khu vực Campuchia
- Kết thúc Hội thao khu vực III: Chư Păh nhất toàn đoàn
- Chung kết cầu lông đôi nam Hội thao khu vực 1
- “Tập trung tìm giải pháp phù hợp để bảo đảm nguồn lao động ổn định”
- Thủ tướng: 'Việc nào doanh nghiệp có thể làm tốt hơn thì xã hội hóa'
- Có một rừng cao su trong ký ức!